Tác hại của internet: Tăng kết nối ảo – giảm tương tác thực
Internet mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có điều không tốt, một trong những tác hại của nó là tăng kết nối ảo nhưng lại làm giảm tương tác thực.
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và kinh tế, mà nó còn tác động tiêu cực đến đời sống của con người. Nó thay đổi cách thức kết nối giữa con người với nhau.
Việc cách ly toàn xã hội trong thời kỳ dịch bệnh, đã khiến chúng ta phải lựa chọn phương thức liên lạc và công tác gián tiếp thông qua điện thoại, máy tính, laptop như nhắn tin, gọi điện, gọi video,…
Mặc dù những phương tiện truyền thông này đã giúp chúng ta kết nối trong lúc dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, lâu dần nhiều người đã thích cách kết nối này hơn là giao tiếp trực tiếp ở đời thực, ngay cả khi lệnh cách ly xã hội đã được gỡ bỏ.
Hậu quả của việc giảm tương tác trực tiếp là gì? Và làm sao để khôi phục lại phương thức kết nối truyền thống giữa người với người?
Nội dung chính
Giá trị của sự tương tác trực diện
Giao tiếp trực tiếp truyền thống mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Biểu cảm của gương mặt, ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói mang lại cho chúng ta một hồ sơ thông tin phong phú hơn nhiều so với một văn bản đánh máy.
Theo bài báo cáo của Stephen W. Porges đến từ Đại học Illinois ở Chicago: “Sự tương tác trực tiếp giúp giảm đi khoảng cách về tâm lý và nhận thức giữa con người trong khi trò chuyện”.
Bài báo chỉ ra rằng, các mối liên kết xã hội được hình thành dựa trên nhận thức về sự an toàn, được đánh giá thông qua nhận thức vật lý ở khoảng cách gần, chẳng hạn như ngôn ngữ cơ thể và giọng nói.
Một bài báo đăng trên tạp chí Oxford Academic nói: “Giao tiếp FTF (mặt đối mặt), đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp”.
Nghịch lý internet: Tăng kết nối – giảm tương tác
Một bài báo đăng trên tạp chí Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã nghiên cứu tác động của Internet đối với sự tương tác xã hội và sức khỏe tâm lý, kết luận rằng:
“Việc sử dụng Internet nhiều khiến con người có xu hướng từ chối giao tiếp với các thành viên trong gia đình, giảm tương tác với xã hội thực; điều này khiến gia tăng sự trầm cảm và cảm giác cô đơn”.
Sự phát triển của các nền tảng truyền thông xã hội và sự phụ thuộc của chúng ta vào chúng trong thời kỳ đại dịch đã không làm mọi thứ tốt hơn chút nào. Một cuộc khảo sát Mạng xã hội quốc gia Mỹ năm 2020 đã tiết lộ rằng: “Gần 1/5 người Mỹ cho biết họ không có kết nối xã hội gần gũi, tăng gấp đôi so với năm 2013.”
Nghiên cứu cũng cho thấy nam thanh niên bị ảnh hưởng nhiều nhất: “Tình trạng của nam thanh niên là tệ nhất. 28% nam thanh niên dưới 30 tuổi cho biết họ không có kết nối xã hội.”
Một cuộc khảo sát về quan điểm của người Mỹ được thực hiện vào năm 2021, cho thấy số người không có bạn thân tăng mạnh. Trong đó nam giới nhiều hơn so với nữ giới.
“Ba mươi năm trước, phần lớn nam giới (55%) cho biết có ít nhất sáu người bạn thân. Ngày nay, con số đó đã giảm đi một nửa, chỉ còn 27%. Trong đó 15% nam giới không có bạn bè thân thiết nào cả, tăng gấp 5 lần kể từ năm 1990”.
“Những người chỉ có một bạn thân cũng không bớt cô đơn hơn những người không có bạn thân. Những người có vài người bạn thì tình trạng đỡ hơn một chút.” Báo cáo giải thích.
Đối với người Mỹ có ba người bạn thân trở xuống, sự cô đơn và cô lập là những trải nghiệm khá phổ biến, hơn một nửa cho biết họ đã cảm thấy như vậy ít nhất một lần mỗi tuần.
Tại sao giao tiếp online lại thu hút người ta đến vậy?
Covid đã định hướng cho chúng ta tổ chức hầu hết mọi cuộc trò chuyện từ xa. Đi đến một địa điểm cụ thể để gặp gỡ trò chuyện, hoặc tham gia một buổi họp nghe có vẻ không thoải mái bằng việc lựa chọn ngồi tại nhà để tham gia mọi thứ.
Một bài báo năm 2011 đăng trên Sage Journals cho thấy, giao tiếp qua trung gian máy tính thường được ưa chuộng do tính ẩn danh và thúc đẩy việc bộc lộ bản thân, tức là truyền đạt thông tin cá nhân.
Một bài báo khác đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia cho rằng, một lý do khác khiến chúng ta thích giao tiếp qua máy tính là vì các nền tảng này mang lại cho chúng ta khả năng thể hiện một phiên bản tối ưu của chính mình.
Sự tiện lợi của việc nhắn tin, hoặc gửi email cũng ảnh hưởng đến giao tiếp của con người. Nó khiến những cuộc trò chuyện kéo dài, rời rạc, nội dung thiếu logic. Đặc biệt là ở người trẻ tuổi, nó khiến họ không có môi trường để rèn luyện khả năng giao tiếp, không có kiến thức biểu đạt ngôn ngữ cơ thể và các tín hiệu cảm xúc phi ngôn ngữ. Trong khi các kỹ năng này đòi hỏi tính tự nhiên, chỉ có thể được phát triển thông qua thực hành trực tiếp.
Những cách khôi phục kết nối đơn giản
Đối với nhiều người trong chúng ta, công nghệ đã trở thành một phần thiết yếu trong công việc và học tập, không thể hoàn toàn không có nó. Nhưng có những cách đơn giản để khiến chúng ta tương tác với người khác một cách có chủ ý hơn.
Hãy trân trọng những người xung quanh bạn
Không có cách nào tốt hơn để bắt đầu bằng việc trân trọng những người sống bên cạnh bạn. Hãy đặt chiếc điện thoại xuống, bỏ nó qua một bên và dành sự chú ý hoàn toàn cho người trước mặt bạn.
Những cử chỉ nhỏ như hỏi thăm về một ngày của họ hoặc cùng nhau nấu ăn sẽ không chỉ củng cố mối quan hệ của bạn mà còn tạo ra những kỷ niệm lâu dài.
Chủ động tự làm bất cứ thứ gì bạn có thể
Có thể làm mọi thứ mà không cần ra khỏi nhà thật là thoải mái. Ăn chỉ cần cầm điện thoại lên, bấm đặt hàng là sẽ có người giao tới. Mua sắm chỉ cần lướt điện thoại trên các nền tảng mua sắm, người ta sẽ giao tới tận cửa nhà cho bạn. Nhưng nên nhớ rằng những điều tuyệt vời trong cuộc sống luôn đòi hỏi bạn phải bỏ chút công sức, một chút hy sinh.
Nếu có một việc gì đó mà bạn thích làm, hãy rủ mọi người cùng làm, điều này sẽ giúp bạn mở rộng các mối quan hệ và học hỏi được nhiều điều từ người khác.
Hay đơn giản cùng nhau vào bếp, cùng nhau ra ngoài mua sắm với gia đình, cũng mang lại nhiều trải nghiệm gắn kết giữa các thành viên.
Ưu tiên những tương tác chân thành
Hầu như không có điều gì mang lại cảm giác chân thực hơn những cuộc trò chuyện trực tiếp. Hãy dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc gặp gỡ trực tiếp.
Tuy nhiên nếu quá bận rộn, không thể gặp trực tiếp thường xuyên thì phương án thứ hai là gọi video để giảm khoảng cách tâm lý giữa bạn và những người bạn muốn kết nối.
Nhắn tin là phương án thứ ba, dùng trong trường hợp bất khả kháng, không còn cách nào để sắp xếp thì nhắn tin hỏi thăm cũng có thể phù hợp.
Tóm lại, hãy tối ưu các phương pháp kết nối và giữ tương tác với mọi người; nuôi dưỡng sự chân thành giữa con người với nhau, xóa bỏ nghịch lý internet đang làm con người rời xa nhau.
Theo Vision Times