Tích thiện ắt sẽ có phúc, hành ác dễ gặp tai ương
“Kinh Dịch” có câu: “Nhà có tích thiện, ắt có dư hỷ; nhà không tích thiện, dễ gặp tai ương“, thiện ác trên đời đều có báo ứng.
Tào gia 5 đời tích đức hạnh thiện, Thần linh che chở khỏi tai ương
Năm Càn Long thứ 26 (năm 1761) thời nhà Thanh, sông Hoàng Hà xảy ra lũ lụt. Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 7 âm lịch, các nhánh sông của Hoàng Hà là Y Hà, Lạc Hà, Thấm Hà, cùng với đoạn sông Hoàng Hà từ Đồng Quan đến Mạnh Tân, gặp phải mưa lớn, sông Vị Hà và Lạc Hà tràn bờ. Vào thời điểm đó, đê sông ở Vũ Trắc, Huỳnh Trạch, Dương Vũ, Tường Phù, Lan Dương đều bị vỡ, và có 26 vết nứt ở hạ lưu Hoàng Hà, hàng chục huyện ở ba tỉnh Hà Nam, Sơn Đông và An Huy bị nhấn chìm. Khắp nơi ngập úng, có nơi nước sâu đến 5, 6 mét, nhà cửa gần như chìm trong biển nước.
Huyện Trần Lưu (nay là thị trấn Trần Lưu, huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), nằm ở bờ phía Nam sông Hoàng Hà, cũng hứng chịu thiên tai nghiêm trọng, nước ngập sâu đến 3 mét. Nhà họ Tào – một hộ gia đình tại địa phương cũng bị thiệt hại nặng nề, ngôi nhà của gia đình họ bị lũ nhấn chìm hoàn toàn.
Sau ba ngày ba đêm, nước lũ rút dần, lúc này trước mắt mọi người hiện ra một cảnh tượng kỳ lạ, căn nhà của Tào gia dần dần lộ ra sau lũ nhưng vẫn nguyên vẹn không hề bị sập, càng ly kỳ hơn là người trong nhà tất cả đều bình an vô sự. Những người dân còn sống sót đều tới thăm hỏi họ.
Mọi người đều tò mò hỏi: “Tại sao mà các người lại có thể sống sót trong khi nước lũ ngập hết nhà như thế?“
Tào gia đáp: “Mấy ngày nay, chúng tôi chỉ cảm thấy xung quanh bị sương mù dày đặc bao phủ, nhìn không thấy mặt trời, hoàn toàn không biết mình đang ở trong nước!“
Quan huyện địa phương nghe được chuyện lạ này bèn tới xem xét, hỏi Tào gia rằng: “Gia đình các ngươi đã từng làm việc thiện gì chưa?”
Họ Tào trả lời: “Số tiền cho thuê ruộng vườn chúng tôi nhận được hàng năm, ngoài việc nộp thuế cho nhà nước và khấu trừ đi các chi phí của gia đình, chúng tôi cố gắng dùng hết số còn lại để giúp đỡ những người nghèo trong vùng. Việc này đã được thực hiện từ thời cao tổ, tằng tổ của chúng tôi, và gia tộc họ Tào đã làm như vậy qua năm thế hệ, đã được hơn trăm năm rồi.“
Quan huyện lập tức báo cáo sự việc lên triều đình, đồng thời thưởng tặng một bức hoành phi khen ngợi thiện hạnh của Tào gia.
Người xưa nói thiện hữu thiện báo quả thật rất đúng, năm đời nhà họ Tào đều kiên trì hành thiện nên trong thiên tai được thần linh che chở, lũ ngập ba ngày ba đêm mà cả gia đình đều sống sót không có bất cứ thiệt hại nào.
Phá hủy tượng Phật nhận báo ứng bi thảm
Thời nhà Minh, ở quận Vũ Xương, có ngôi chùa Tứ Diện Phật rộng rãi tráng lệ, trải qua mấy trăm năm lịch sử, tới tận thời vua Ung Chính triều đại nhà Thanh vẫn còn hương khói nghi ngút. Tượng Phật cao khoảng hai trượng, thân sắt, đầu bằng đồng, trên đầu có bốn mặt nên gọi là Tứ Diện Phật. Vào thời Ung Chính, có ba mươi sáu vị nho sinh cho rằng ngôi chùa này đã trấn áp long mạch của thủ phủ tỉnh và sẽ cản trở sự may mắn trong kỳ thi của các thí sinh trong tỉnh. Họ đề xuất phá hủy ngôi chùa và thỉnh cầu quan phủ đồng ý.
Tuy nhiên, tượng Phật cao lớn mà đầu tượng Phật lại rất kiên cố, dẫu dùng rìu lớn đục liên tục cả ngày cũng không làm hư hao chút nào. Sau đó, họ bàn bạc sẽ chuyển hướng sáu bức tượng Phật trong chùa qua bên trái. Khi di chuyển tượng Phật, đầu của tượng Phật bị rơi xuống đất. Các nho sĩ tại hiện trường rất thích đồng nguyên chất và quyết định chia nó ra để làm đồ dùng.
Không lâu sau, những người tham gia phá chùa phát bệnh lạ, trên lưng đều có vết lở loét sâu dài, thối rữa lan lên tới cổ rồi đầu, cuối cùng đầu rơi xuống đất mà chết.
Những người khi trước ký vào giấy đồng ý phá chùa đều đau đầu, và không ai trong số hàng trăm người đó thoát khỏi bi thảm. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng trong đó có một người tên Tư Mỗ, đã sử dụng bút danh để ký giấy tán thành. Mặc dù nhiều lần không muốn tham gia nhưng lại sợ mọi người chê trách nên sau cùng vẫn ký tên.
Khi nhìn thấy những người khác đều đã bị báo ứng mà chết, trong lòng anh ta vô cùng lo sợ bất an; đồng thời tự an ủi rằng việc này không phải do mình đề xuất, có lẽ có thể thoát được nạn này.
Sau đó, khi anh ta sắp đi nhậm chức, một ngày nọ, anh đột nhiên nhìn lên trời và thốt lên một tiếng đầy sợ hãi, nói rằng có một vị Thần mặc giáp vàng đã dùng một cây gậy lớn đánh vào đầu anh ta. Ngay lập tức, anh ta vô cùng đau đớn, lời nói đột ngột dừng lại và chết ngay lập tức.
Những người trong vụ việc này đều là thư sinh, nhưng lại không hiểu đạo lý, mê tín vào phong thủy, bất kính Thần Phật. Chẳng phải phong thủy cũng là một loại ban thưởng của Thần Phật dành cho người đức hạnh hay sao? Người vô đức liệu có thể đạt được phong thủy tốt, vận mệnh tốt sao? Vì tư lợi mà phá hủy Phật đài, dẫu là kẻ chủ mưu hay tòng phạm đều đã phạm tội khinh nhờn Thần Phật. Người giả bộ thuận theo càng xấu xa, xảo quyệt.
Thiện ác đều có báo ứng, con người trong vô tri mà tự cho mình là đúng, không biết tin nhân quả, không biết đạo Trời, cuối cùng phải nhận lấy kết cục bi thương!
Theo Aboluowang