Thế nào là đại công vô tư? Đại công vô tư có thể hiểu là một người có lòng chính trực, công bằng và không cầu tư lợi.

Nguồn gốc của thành ngữ “đại công vô tư”

Đại công vô tư, nguyên ban đầu là từ câu “chí công vô tư”. Ý nghĩa đại khái là: Xử lý mọi việc công bằng mà không hề thiên vị. Câu này có nguồn gốc từ “Quản Tử- hình thế giải” như sau: 

“Phong, phiêu vật giả dã. Phong chi sở phiêu, bất tị quý tiện mĩ ác. Vũ, nhu vật giả dã. Vũ chi sở đọa, bất tị tiểu đại cường nhược. Phong vũ chí công nhi vô tư, sở hành vô thường hương, nhân tuy ngộ phiêu nhu, nhi mạc chi oán dã. Cố viết: phong vũ vô hương, nhi oán nộ bất cập dã.”

Nghĩa là: Gió xuôi theo hướng gió, bay đến đâu cũng không bởi giàu nghèo, đẹp xấu mà né tránh. Mưa thấm ướt vạn vật, nơi rớt xuống cũng chẳng vì lớn nhỏ, mạnh yếu mà phân biệt. Gió và mưa là chí công vô tư, không có phương hướng cố định, người ta dẫu có gặp mưa hay gió cũng không oán trách. Bởi mưa, gió không cố định phương hướng, cũng chẳng yêu thích riêng ai, nên sẽ không rơi vào oán hận”.

thiết diện vô tư; chí công vô tư; công chính vô tư
Bởi mưa, gió không cố chấp một phương, cũng chẳng thương riêng người nào, nên lòng không oán hận (ảnh minh họa: Neu-edutop)

Sau này, người ta thường dùng câu này để nói về sự công bằng chính trực, làm việc mà không hề thiên vị.

Ngoài chí công vô tư, còn có các thành ngữ như công bình vô tư, công chính vô tư, thiết diện vô tư ,… ý tứ cũng gần như nhau, đều có đầy đủ cái tâm công bằng, vô tư lợi. Nhưng “đại công vô tư”, nhấn mạnh vào sự công bằng chính trực với một tâm thái và trí huệ rộng lớn hơn. Còn như thiết diện vô tư, lại nhấn mạnh ở chỗ không sợ quyền thế, không dao động bởi tình cảm. 

Bên cạnh đó cũng có những thành ngữ mang ý trái ngược như: Công báo tư thù, công tư lưỡng tiện,…

Kỳ Hoàng Dương đại công vô tư

Vào thời Xuân Thu, Tấn Bình Công từng hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Huyện Nam Dương thiếu Huyện trưởng, khanh xem nên cử ai đến đó làm Huyện trưởng thì thích hợp?”

Kỳ Hoàng Dương không chút do dự trả lời: “Nên để Giải Hồ đi, ông ấy là thích hợp nhất, nhất định có thể đảm đương chức vụ này”.

Bình Công nghe xong thì ngạc nhiên hỏi: “Giải Hồ không phải là kẻ thù của khanh sao? Sao khanh lại tiến cử ông ấy làm gì?”

Tề Hoàng Dương đáp: “Bệ hạ chỉ hỏi thần ai có thể đảm nhiệm chức vụ này? Ai mới là thích hợp nhất? Chứ không có hỏi Giải Hồ có phải là kẻ thù của thần hay không?”

Tấn Bình Công liền phái Giải Hồ đến Nam Dương nhậm chức. Quả nhiên sau khi Giải Hồ tới đây, đã làm được rất nhiều việc tốt, tất cả dân chúng đều ca tụng. 

Một thời gian sau, Bình Công lại hỏi Hoàng Dương: “Hiện tại triều đình thiếu một vị Pháp quan. Khanh xem, ai có thể đảm nhiệm được chức vụ này?”

Tề Hoàng Dương đáp: “Kỳ Ngọ có thể đảm nhiệm”.

Lần này Bình Công cảm thấy lạ, bèn hỏi ông: “Kỳ Ngọ chẳng phải con trai khanh sao? Khanh sao lại tiến cử con trai của mình? Không sợ người khác đàm tiếu sao?”

“Bệ hạ chỉ hỏi thần ai có thể đảm nhiệm chức vụ? nên thần mới đề cử Kỳ Ngọ, chứ bệ hạ không hỏi Kỳ Ngọ có phải con thần không?” Hoàng Dương đáp.

Bình Công liền cho Kỳ Ngọ làm Pháp quan. Sau khi nhậm chức, Kỳ Ngọ thực sự đã giúp dân chúng xử lý rất nhiều việc tốt, rất được lòng dân.

Khổng Tử nghe được câu chuyện này, hết lời  khen ngợi Kỳ Hoàng Dương. Ông nói: “Kỳ Hoàng Dương nói rất đúng! Ông ấy tiến cử người ta chỉ dựa vào năng lực của họ, chứ không quan tâm tới việc họ có phải là kẻ thù của mình hay không, thậm chí không phân biệt đó có phải con mình không, cũng chẳng quan tâm tới đàm tiếu của thiên hạ. Người như vậy mới thực là đại công vô tư”.

Theo Vision Times