Người xưa thường nói “vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn điều ác thì dâm đứng đầu. Ý dâm nổi lên thì liền có tội, ngay cả khi chưa thực sự hành dâm.

Triệu Vĩnh Trinh, sống dưới thời Chính Đức, triều đại nhà Minh. Thuở niên thiếu, từng có một vị thầy tướng, nhìn tướng mạo của ông liền nói: “Anh rất có thiện căn, năm 23 tuổi, nếu thi Hương ắt sẽ đỗ Trạng nguyên. Nếu không ngừng tu thiện, sau này ắt có tiền đồ không thể nghĩ bàn”.

Lòng nuôi dâm ý, trời phạt mất công danh

Tuy nhiên, năm 23 tuổi Vĩnh Trinh lên kinh ứng thí lại không đỗ. Có một đêm, ông nằm mộng thấy Văn Xương Đế Quân giận dữ khiển khách: “Lần này ngươi đi thi, lẽ ra trong bản mệnh là được đỗ đầu bảng, nhưng vì ngươi có tâm dâm dục nhìn lén thị tì, trêu đùa dụ dỗ con gái hàng xóm, vui đùa cợt nhả, vì vậy nên công danh đã bị tước đoạt”.

Ý dâm nổi lên; Ý dâm nổi lên liền có tội
Triệu Vĩnh Trinh nhìn lén thị tì, trêu đùa dụ dỗ con gái hàng xóm (ảnh minh họa: Hoatieu)

Triệu Vĩnh Trinh nghe vậy thì liền biện giải: “Tuy rằng tôi có ý dâm, nhưng cũng chưa có hành dâm với các nàng ấy, chẳng lẽ cũng bị xem như đã phạm dâm và phải chịu sự trừng phạt sao?”

Văn Xương Đế Quân thấy ông ngoan cố phản biện thì tức giận: “Phàm là khởi ý dâm, tuy rằng thân thể chưa thực sự dâm ô với người khác, nhưng chỉ cần xuất hiện những suy nghĩ dâm dục thì đã bị trừng phạt và tước đi công danh rồi. Huống chi ngươi cùng bọn họ, nam nữ không đứng đắn, tán tỉnh đùa cợt, khoác vai cầm tay? Thử hỏi cái tâm lúc đó của ngươi là gì? Ngươi vì tâm dâm dục của bản thân mà cợt nhả nữ nhân, khơi gợi dục vọng của họ, khiến họ chìm trong sự giày vò của tình mê ý loạn. Thiên thượng vì vậy mà tước đoạt đi công danh của ngươi, ngươi đã không biết ăn năn hối cải, lại còn dám xảo biện. E rằng tương lai còn chịu tai họa lớn hơn nữa”.

Triệu Vĩnh Trinh sau khi nghe những lời trách phạt thì lập tức tỉnh ngộ; quỳ lạy xuống đất mà khóc lóc thảm thiết, tha thiết sám hối và phát thệ: “Vãn sinh đã biết tội, nguyện từ nay về sau mắt không dám liếc nhìn, tâm không dám vọng động, nếu còn tiếp tục phóng túng cái tâm dâm dục, xin bằng lòng nhận sự trừng phạt đầu lìa khỏi thân”.

Văn Xương Đế Quân thấy ông thật tình ăn năn, liền nói: “Thấy tâm ngươi chân thành ăn năn, nếu sau này ngươi không phạm dâm niệm, lại có thể khuyên bảo thế nhân cẩn trọng từng ý niệm, ngôn hành, tránh xa được cái tội dâm dật. Nếu ngươi có thể làm được như thế, tất có thể khôi phục lại công danh cho ngươi, thậm chí còn đắc hậu phúc vô cùng”. 

Sám hối ăn năn, tu tâm khuyến thiện đắc phúc báo

Sau khi Triệu Vĩnh Trinh tỉnh dậy, nhớ lại sự việc trong giấc mơ; cảm thấy bản thân thật là may mắn, hẳn là còn thiện căn sâu dày nên mới được Văn Xương Đế Quân đích thân khuyên nhủ và dạy bảo; nếu không có lẽ cả đời sẽ chìm trong mê muội, chẳng biết rồi sẽ đi về đâu. 

Từ đó về sau, Vĩnh Trinh luôn mang lòng cảnh giác, cẩn trọng với từng ý niệm, hành động của bản thân, nỗ lực làm nhiều việc thiện.

Sau khi tự trách bản thân, sám hối những lỗi lầm trước đây, khắc phục và sửa sai; quả nhiên năm 26 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi Hương. 

Ông lại càng thêm cố gắng hướng thiện, làm thơ ca khuyên bảo người ta coi trọng “tiết hạnh”, khiển trách thói dâm tà và nhắc nhở về quả báo nghiêm trọng của nó. 

Trải qua 40 năm, thiện nghiệp tăng trưởng, ông tiếp tục thi đậu tiến sĩ. Về sau lại trở thành đại quan, trấn thủ một phương. Con cháu đều tuân theo giáo huấn của ông, ai nấy cũng đều phú quý, hiển vinh.

Con người chớ nên phóng túng bản thân, ngay cả ý niệm cũng nên cẩn trọng. Ý dâm nổi lên, nếu không nhận ra và bài trừ kịp thời, sớm muộn cũng khiến cả thân lẫn tâm chìm trong mê loạn, tạo nghiệp và phải chịu ác báo. 

Theo Vision Times