“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” ngụ ý người có đạo đức dù ở gần kẻ xấu vẫn giữ được phẩm chất của mình. Cũng có thể hiểu, ngoại cảnh không làm lay động người có đạo đức cao thượng.

Đây vốn là một câu trong bài ca dao xưa về hoa sen:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
.”

Người xưa tin Thần linh, chú trọng tu dưỡng đạo đức. Vì vậy trong lịch sử, có không ít những người đức cao trọng vọng, đã để lại bài học sâu sắc về tư tưởng và hành xử cho hậu thế. Một trong số đó là điển tích Ngô Ẩn Chi uống nước Tham Tuyền; câu chuyện về một vị quan liêm khiết chính trực, không khác gì hoa sen cao quý; dù ngoại cảnh thế nào cũng không làm ông thay đổi bản chất của mình.

Hoa sen thanh cao, dù sống trong bùn lầy vẫn tỏa ngát hương thơm cho đời (ảnh: Shutterstock).

Truyền thuyết về dòng suối Tham Tuyền

Cách Quảng Châu khoảng mười dặm có một nơi gọi là Thạch Môn, đó là nơi tất phải qua để tới Quảng Châu. Nơi đó có một dòng suối gọi là Tham Tuyền.

Truyền rằng, phàm là người uống nước Tham Tuyền đều sẽ trở nên tham lam. Vì thế, quan lại đi qua Thạch Môn đều không dám uống nước; dù có khát tới mấy cũng hết sức chống đỡ, để giữ gìn sự trong sạch liêm khiết của mình.

Có một người tên gọi Ngô Ẩn Chi, tới làm quan ở Quảng Châu. Khi đi qua Tham Tuyền, ông thấy dòng Tham Tuyền ấy cũng chỉ là một dòng suối hết sức bình thưởng chảy từ núi xuống. Vì thế, ông cúi xuống vớt nước lên uống một cách hết sức sảng khoái.

Một mỹ nhân, hai câu thơ mà trượt trạng nguyên
Một dòng suối đôi khi lại là một khảo nghiệm cần vượt qua (ảnh minh hoạ: Amazing Vietnam).

Đám tùy tùng đi theo đều biến sắc, vội chạy lên can ngăn: đây là Tham Tuyền, ngài chớ uống!”. Ngô Ẩn Chi cười vang, nói :”Cái gì mà Tham Tuyền không Tham Tuyền, ta chẳng hề tin. Kẻ tham lam không uống nước này thì vẫn cứ tham; người liêm khiết thanh bạch thì dù có uống nước này vẫn giữ gìn sự thanh sạch“. Sau đó, ông làm một bài thơ để thể hiện quyết tâm liêm chính của bản thân:

Cổ nhân nói nước này,
Một ngụm là tham ngay
Để Di Tề uống thử
Liêm khiết nào dễ thay

Ý của bài thơ này là: người xưa truyền rằng hễ ai uống Tham Tuyền là sẽ trở nên tham lam vô đáy; nhưng ta cho rằng, nếu để những người phẩm đức cao thượng như Bá Di, Thúc Tề uống, thì nhất định họ chẳng thay đổi tấm lòng kiên trinh, liêm khiết.

Ngô Ẩn Chi trước sau vẫn liêm khiết

Trong thời gian nhậm chức ở Quảng Châu, Ngô Ẩn Chi chỉ giữ lại một phần bổng lộc, ban thưởng đủ dùng; phần còn lại ông giúp bạn bè, thân hữu, bách tính. Đức tính tiết kiệm, liêm khiết của Ngô Ẩn Chi là tấm gương để mọi người noi theo. Không chỉ thuộc cấp hạ quan không dám tham ô cuồng vọng, mà tập tục dân phong ở Quảng Châu ngày càng trở nên chất phác, bách tính an cư lạc nghiệp.

Ngô Ẩn Chi có nhắc đến Bá Di và Thúc Tề trong bài thơ của mình, hẳn đó là người mà ông vô cùng ngưỡng mộ. Vậy Bá Di và Thúc Tề là ai?

Sự tích Bá Di, Thúc Tề

Trong “Sử ký – Bá Di liệt truyện” có ghi lại sự tích về Bá Di và Thúc Tề. Bá Di và Thúc Tề là hai anh em con vua nước Cô Trúc – chư hầu nhà Thương, quân vương Cô Trúc muốn lập người con thứ ba của mình là Thúc Tề lên thừa kế.

Sau khi quân vương chết, Thúc Tề không chịu kế vị mà muốn đem ngôi nhường cho Bá Di; Bá Di cũng không chấp nhận. Bá Di nói: “Lệnh cha không thể làm trái“, cuối cùng Bá Di lui về ở ẩn. Thúc Tề bấy giờ vẫn quyết không nguyện ý kế vị; ông cũng rời bỏ hoàng cung mà ra đi. Vì thế mà người trong nước đã lập Á Bằng (người con thứ hai) lên ngôi vua.

Bá Di, Thúc Tề nghe nói Tây Bá Cơ Xương (Chu Văn Chương) là người kính trọng hiền sĩ; hai anh em liền tới nhờ cậy Chu Văn Chương. Sau đó Chu Văn Chương qua đời, con trai ông là Cơ Phát (tức Chu Vũ Vương) ra binh chinh phạt Trụ vương.

Bá Di và Thúc Tề nghe tin, vội vã tới ngăn chặn binh mã của Chu Vũ Vương, can rằng: “Thần tử chinh phạt quân vương liệu xứng sao?”. Người hầu của Vũ Vương liền ra bắt họ. May mà có Khương Thái Công kịp thời ra can, nói: “Hai người này là nghĩa sĩ!“; ông ra đỡ họ ra cửa và để họ rời đi.

Bá Di và Thúc Tề thà chết không chịu mất khí tiết

Sau khi Chu Vũ Vương chinh phạt thành công, Bá Di và Thúc Tề cảm thấy nhục nhã, nên quyết không ăn bất kỳ lương thực nào trên đất nhà Chu nữa. Hai người đến ẩn cư trong núi Thủ Dương. Ngày ngày họ chỉ hái cây tử vi ăn lót dạ, cuối cùng hai người cùng chết ở trong núi. Trước khi chết, họ có làm bài thơ “Thải vi ca”. Sau này Tư Mã Thiên đem “Bá Di liệt truyện” liệt vào câu chuyện đứng đầu của sử ký.

Bức tranh “Thải vi đồ” mô tả Bá Di và Thúc Tề thà chết cũng không chịu mất khí tiết (ảnh: The Epoch Times).

Suy ngẫm

Bá Di và Thúc Tề quyết không kế vị, cho thấy hai ông là người không tham lam, không màng danh lợi. Cho đến cuối đời, Bá Di và Thúc Tề vẫn giữ lòng chính trực, dù chịu khổ cũng chiểu theo đạo lý mà làm. Hoàn cảnh không thể lay động họ.

Còn trong câu chuyện của Ngô Ẩn Chi, nước Tham Tuyền chẳng phải đại diện cho nhân tố ngoại cảnh hay sao. Người chính trực như Ngô Ẩn Chi thì ngoại cảnh nào cũng không làm bản chất của ông thay đổi, thực là tấm gương “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: