Ý nghĩa ban đầu của câu nói “trời đổ cơn mưa, mẹ đi lấy chồng”
Vốn dĩ câu nói “trời đổ cơn mưa, mẹ đi lấy chồng” biểu thị một loại kính Trời biết mệnh, ý Trời đã an bài như vậy thì sức người không thể thay đổi được.
- Câu nói “người không vì mình, trời tru đất diệt” đã bị hiểu sai như thế nào?
- “Phụ nữ tốt không nuôi chó, đàn ông tốt không nuôi mèo” có đúng không?
Mẹ Chu Diệu Tông một mình nuôi con thành đạt được hoàng đế xây dựng “Đền thờ trinh tiết”
Trước đây rất lâu, có một thư sinh tên là Chu Diệu Tông. Khi anh được 1 tuổi thì cha anh lâm bệnh qua đời. Để cho anh không chịu tủi thân, mẹ đã một mình ngậm đắng nuốt cay nuôi nấng anh trưởng thành. Sau đó, anh được gửi đến học với một người thầy tên là Trương Trung Cử.
Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của thầy Trương, Chu Diệu Tông đã đạt được thành công trong học tập. Anh 15 tuổi đỗ tú tài và là trạng nguyên đầu tiên khi mới 18 tuổi. Khi hoàng đế triệu kiến anh, khí chất và học thức của anh khiến hoàng đế vô cùng vui mừng, lập tức tuyển chọn anh làm phò mã. Lúc này, anh nghĩ đến người mẹ già ở nhà nên nói với hoàng đế rằng mẹ anh ở vậy để nuôi dưỡng anh nên người. Hoàng đế rất xúc động khi nghe điều này, liền hạ chỉ lập một “Đền thờ trinh tiết” ở quê hương của Chu Diệu Tông để biểu thị sự khen ngợi.
Theo lý, tân khoa trạng nguyên nên quay về quê hương thăm viếng người thân. Anh cũng không ngoại lệ, khi gặp được đứa con trai trạng nguyên, người mẹ đã xúc động không nói nên lời. Chu Diệu Tông cũng nói về việc hoàng đế hạ chiếu muốn lập một “Đền thờ trinh tiết” cho mẹ. Người mẹ lại biểu hiện ra thần sắc bất an.
Mẹ Chu Diệu Tông muốn đi lấy chồng
Khi Chu Diệu Tông nhiều lần truy hỏi, mẹ anh đã nói ra sự thật. Thì ra, sau khi vợ của thầy Trương Trung Cử qua đời, mẹ anh dần nảy sinh tình cảm với thầy Trương trong những ngày ở cùng với thầy. Người mẹ dự định kết hôn với Trương Trung Cử khi Chu Diệu Tông quay trở về.
Nghe vậy, Chu Diệu Tông quỳ phịch xuống đất, khóc và nói rằng: “Mẹ à, nếu mẹ thực sự muốn làm như vậy, thì con có thể phạm ‘tội khi quân’ và cả gia đình sẽ phải chịu ‘tru di cửu tộc’”.
Lúc này, mẹ của anh cũng nước mắt giàn giụa. Bởi vì, một người phụ nữ chống đỡ cả gia đình quả là vô cùng khó khăn. Khi con trai đi học, ngay cả một người để nói chuyện cũng không có, ai có thể thấu được nỗi thống khổ và khó khăn của bà? Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, bà thở dài một tiếng: “Mọi chuyện hãy phó mặc cho số phận vậy!“.
Vừa nói, bà vừa cởi chiếc váy đang mặc ra, đưa cho Chu Diệu Tông và nói: “Con trai, con cũng nên làm tròn chữ hiếu với mẹ, ngày mai con giúp mẹ giặt sạch chiếc váy này. Nếu đến buổi tối chiếc váy này khô thì mẹ không đi lấy chồng, nếu còn ướt thì đừng quản nữa.” Chu Diệu Tông không còn cách nào khác đành phải đồng ý.
Vào ngày hôm sau, trời nắng chói chang, Chu Diệu Tông rất vui khi giặt chiếc váy. Anh cảm thấy rằng không kể 1 chiếc, ngay cả 10 chiếc váy cũng sẽ khô. Tuy nhiên, anh không ngờ rằng khi anh vừa giặt xong chiếc váy đem phơi ngoài sân thì mây đen bắt đầu kéo đến, chỉ trong chốc lát trời bắt đầu mưa to, mãi cho đến khi nửa đêm cũng không tạnh. Khỏi cần nói đến phơi khô, cuối cùng chiếc váy này còn ướt hơn cả lúc mới giặt!
Lúc này, mẹ của Chu Diệu Tông nói với anh: “Con trai, trời đổ cơn mưa, mẹ đi lấy chồng. Có thể thấy rằng ý trời không thể vi phạm!” Mặc dù Chu Diệu Tông trong lòng không ngừng kêu khổ, nhưng anh cũng không thể làm gì trước tình cảnh này.
Trở lại kinh thành, Chu Diệu Tông đã thành thật nói với hoàng đế về hôn sự của mẹ mình và thầy Trương Trung Cử, anh cũng kể lại việc mẹ anh để anh giặt váy nhưng trời mưa to. Sau khi nói xong, anh xin hoàng đế trừng phạt mình. Sau khi nghe điều này, hoàng đế không khỏi kinh ngạc. Hoàng đế nói rằng: “Trời đổ cơn mưa, mẹ đi lấy chồng, đây là duyên trời tác hợp, thôi cứ để bà ấy đi”.
Kể từ đó, người ta dùng câu nói “Trời đổ cơn mưa, mẹ đi lấy chồng” để diễn tả những chuyện thuận theo ý trời, không ai có thể thay đổi được.
Theo Sound of hope