Truyền thống đón Giáng sinh độc đáo ở các quốc gia châu Âu
Bên cạnh những cây thông Noel rực rỡ hay bữa tiệc cùng các món ăn hấp dẫn, lễ Giáng sinh ở mỗi quốc gia lại có những truyền thống độc đáo khác nhau.
- Đêm Noel Hà nội 2020 và những hình ảnh còn lưu mãi
- Cỗ xe tuần lộc của ông già Noel có nguồn gốc như thế nào?
Nội dung chính
Nước Đức
Người Đức gọi đêm Giáng sinh là Weihnachten hoặc Heilige Nacht, có nghĩa là đêm Thánh. Các khu chợ ở Đức hoạt động mở cửa từ sớm, bắt đầu từ giữa tháng 11. Vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 12, mọi người sẽ bắt đầu tổ chức kỷ niệm ngày Chúa sinh ra đời, tiếp đó là Ngày Thánh Nicholas (ngày 6 tháng 12). Sau đó, các gia đình bắt đầu trang trí nhà cửa, đây là một trong những truyền thống Giáng sinh không thể thiếu ở Đức.
Mọi gia đình người Đức đều mua sắm hoặc làm một vòng hoa gỗ vân sam và đặt 4 ngọn nến vào đó, những ngọn nến này sẽ được lần lượt thắp sáng vào mỗi Chủ nhật trước lễ Giáng sinh. Người Đức rất coi trọng việc trang trí nhà cửa, vòng hoa Giáng sinh treo trước cửa mỗi nhà và một loạt đèn Giáng sinh được đặt trên bậu cửa sổ. Ở nước Đức mùa này, ngay cả những ngôi làng nhỏ hẻo lánh cũng đều rực rỡ sắc màu.
Vài ngày trước Giáng sinh, người Đức bắt đầu làm bánh spekulatius, đây là một loại bánh có gừng, mùi thơm của quế và vani, với nhiều hình dạng khác nhau, chẳng hạn như ngôi sao, cây linh sam hoặc ông già Noel. Và họ cũng làm những chiếc bánh Giáng sinh Christstollen thơm ngon, với mứt trái cây, nho khô, hương liệu và rượu rum, với phần giữa là hạnh nhân và phủ một lớp đường ở bên ngoài.
Nước Anh
Lễ Giáng sinh ở Anh sẽ tràn ngập tiếng hát. Vào những ngày này, bạn sẽ bắt gặp dàn đồng ca của các bạn nhỏ trình diễn các bài hát mừng Giáng sinh ngân vang trên từng con đường lớn nhỏ của xứ sở sương mù.
Gửi thiệp Giáng sinh đến bạn bè và người quen là một phong tục đón Giáng sinh mà người Anh rất coi trọng bắt nguồn từ thế kỷ 15. Mỗi người đều gửi những tấm thiệp cho những người họ biết, kể cả những người thân thiết với họ. Những tấm thiệp mà họ nhận được sẽ được trưng bày phía trên lò sưởi trong nhà. Ngoài ra, trên lò sưởi còn được treo những chiếc tất Giáng sinh, đây cũng là một nét đặc trưng của Anh.
Bữa tối Giáng sinh của người Anh luôn có bánh pudding Giáng sinh làm món tráng miệng. Bánh pudding là một loại bánh ngọt truyền thống của Anh với nhân trái cây sấy khô ở bên trong và phủ một lớp đường bao phủ ở bên ngoài.
Bánh pudding Giáng sinh mang ý nghĩa tôn giáo ở mọi phương diện. Ví dụ như có 13 nguyên liệu làm bánh pudding, tượng trưng cho chúa Giê-su và 12 tông đồ, khi khuấy nguyên liệu có thể cầu nguyện trong tâm nhưng phải khuấy từ Đông sang Tây, vì đây là phương hướng mà Ba vị vua phương Đông đến thăm chúa Giê-su.
Ngay cả ngày trộn và chuẩn bị nguyên liệu cũng được xem trọng và cố định vào ngày chủ nhật trước lễ Giáng sinh 4 tuần, tức là Mùa Vọng (Advent) (trong đạo Thiên chúa đây là ngày chuẩn bị chào mừng sự ra đời của Chúa Giê-su). Hơn nữa, trên bánh pudding thường có một cây holly dùng để trang trí, nó tượng trưng cho vương miện gai trên đầu của Chúa Giê-su.
Nước Ý
Thể hiện cảnh Chúa Giê-su ra đời là một truyền thống tuyệt vời trong dịp Giáng sinh ở Ý. Cảnh Chúa Giê-su ra đời, còn được gọi là cảnh Chúa giáng sinh, cảnh máng cỏ hoặc cũi (tiếng Anh: nativity scene, manger scene).
Lúc đó, sẽ có một cuộc triển lãm đặc biệt sử dụng các đồ vật nghệ thuật để thể hiện sự ra đời của Chúa Giêsu. Nó có nguồn gốc từ Ý vào thế kỷ 15 và ban đầu chỉ có thể được nhìn thấy trong các nhà thờ. Cảnh Chúa giáng sinh bắt đầu xuất hiện trong các ngôi nhà vào thế kỷ 17 và 18. Theo truyền thống, các gia đình Ý sẽ trang trí trong nhà với cảnh Chúa giáng sinh vào 9 ngày trước lễ Giáng sinh.
Lễ Giáng sinh ở Ý nhất định phải có món tráng miệng, trong đó món bánh Giáng sinh nổi tiếng nhất chính là Panettone. Đây là món bánh không thể thiếu trên bàn ăn vào ngày lễ Giáng sinh của người Ý, nguyên liệu bao gồm mứt vỏ cam, vỏ chanh và nho khô, khi cắt bánh ra sẽ tràn ngập hương thơm trái cây. Panettone trong tiếng Ý có nghĩa là “bánh mì của Toni”, món bánh này được cho là có nguồn gốc từ Milan vào khoảng năm 1490, nhưng sau đó nhanh chóng lan rộng khắp nước Ý.
Phần Lan
Phần Lan luôn tự hào giới thiệu rằng họ là quê hương duy nhất của ông già Noel. Tại Rovaniemi, bạn và con cái có thể đến thăm ngôi làng của ông già Noel. Công viên giải trí Santa Claus Village được ví như trái tim của Phần Lan, là một thế giới thần tiên tuyết phủ. Tại trung tâm của công viên này có một ngôi nhà bằng gỗ được làm y hệt như nhà của ông già Noel trong truyện cổ tích và trẻ em có thể gửi thư cho ông già Noel!
Nhưng lễ Giáng sinh ở Phần Lan không chỉ giới hạn trong văn hóa dân gian Rovaniemi. Ví dụ, theo truyền thống lâu đời, ngày “Giáng sinh Hòa bình” được tổ chức hàng năm vào buổi trưa ngày 24 tháng 12 tại Turku, thành phố lâu đời nhất của Phần Lan. Vào giữa trưa, thị trưởng thành phố Turku tại tây nam Phần Lan sẽ đọc bản thông điệp Hòa bình Giáng sinh. Bản thông điệp này được phát sóng toàn quốc trên đài phát thanh và truyền hình. Truyền thống đọc thông điệp hòa bình Giáng sinh là một phong tục lâu đời của người Bắc Âu có từ thời Trung cổ.
Tại những nơi khác ở Phần Lan, người ta cho rằng không thể xem nhẹ những người thân đã khuất trong lễ Giáng sinh. Cho nên, mọi người sẽ đi viếng mộ những người thân đã quá cố.
Vào ngày Giáng sinh, người Phần Lan cũng đi tắm hơi và quây quần quanh một chiếc bàn to để thưởng thức những món ăn cùng gia đình.
Ireland
Làm thế nào để mang lại niềm vui cho người khác vào lễ Giáng sinh? Người Ireland có một cách rất đặc biệt. Vào ngày Giáng sinh, hàng nghìn người Ireland sẽ nhảy xuống làn nước băng giá để tham gia sự kiện Giáng sinh đặc biệt, nhằm gây quỹ cho các tổ chức từ thiện khác nhau, và những người xem cũng vô cùng thích thú theo dõi.
Đêm Giáng sinh là thời gian để người Ireland thư giãn và nghỉ ngơi. Họ sẽ đến quán bar cùng với gia đình hoặc bạn bè cho đến nửa đêm. Sau đó, mọi người sẽ cùng nhau đến nhà thờ để tham dự Thánh lễ (lễ Misa) lúc nửa đêm.
Ba Lan
Tại Ba Lan, trước bữa tối đêm Giáng sinh (24/12), tất cả trẻ em đều hướng mắt lên trời để chờ ngôi sao đầu tiên xuất hiện rồi mới được ngồi vào bàn ăn. Theo truyền thống, bữa tối chỉ bắt đầu khi ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời.
Người Ba Lan sẽ đặt một cọng rơm dưới khăn trải bàn của bàn tiệc Giáng sinh, tượng trưng cho việc Chúa Giê-su được sinh ra trong chuồng ngựa, điều này cũng được cho là sẽ mang lại may mắn. Trên bàn tiệc Giáng sinh của họ sẽ luôn có một chỗ ngồi còn trống dành cho những vị khách bất ngờ.
Bữa tiệc bắt đầu bằng việc bẻ bánh oplatek và chia cho tất cả những người có mặt tại bàn ăn để biểu đạt những lời chúc tốt đẹp nhất của họ.
Đêm Giáng sinh, được gọi là Wigilia trong tiếng Ba Lan, là một bữa tối rất đặc biệt. Những bà chủ của gia đình Ba Lan sẽ bắt đầu chuẩn bị các món ăn truyền thống cho bữa tối từ sáng sớm. Bữa tối có 12 món ăn, tượng trưng cho 12 vị tông đồ. Không giống như nhiều quốc gia khác, bữa tối đêm Giáng sinh ở Ba Lan khá thanh đạm, không có thịt cũng không có rượu. Thực đơn chủ yếu là các loại cá, cá chép và cá trích, với một số món ăn khác nhau, cùng với nấm, rau và trái cây.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha là quốc gia Latinh duy nhất mà ông già Noel chưa có chỗ đứng. Ngày 24 và 25 tháng 12 không phải là ngày nghỉ lễ ở Tây Ban Nha. Ngày tặng quà cho nhau không phải vào lễ Giáng Sinh mà là Lễ hiển linh (Dia De Los Reyes) vào ngày 6 tháng 1. Theo truyền thống, không phải ông già Noel mang quà đến cho trẻ em mà là Ba vị vua đến từ phương Đông.
Theo truyền thống, mỗi đứa trẻ sẽ viết một lá thư cho Ba vị vua trước vài ngày, nói với họ rằng bản thân mình có cư xử tốt hay không và yêu cầu quà của họ. Vào tối ngày 5 tháng 1, Ba vị vua sẽ đến các thị trấn và gây ngạc nhiên cho tất cả các bạn nhỏ bằng cuộc diễu hành vui vẻ trên đường phố. Sau đó, bọn trẻ sẽ nhanh chóng đi ngủ và mong chờ được mở những món quà của chúng vào sáng ngày hôm sau.
Hungary
Trong lễ Giáng sinh, các cô gái chưa kết hôn tại Hungary có phong tục đoán tên của chồng tương lai. Các cô gái chưa kết hôn sẽ lấy ra 12 tờ giấy và viết tên của một chàng trai trên mỗi tờ trong số 11 tờ và để trống một tờ. Tiếp đó, cô ấy sẽ đặt chúng trong một cái hộp. Mỗi ngày trước lễ Giáng sinh, cô ấy sẽ lấy ra 1 tờ và đốt nó trong lò sưởi. Đến ngày 24 tháng 12, cái tên trên mảnh giấy còn lại trong hộp chính là câu trả lời mà cô đang tìm kiếm. Nếu còn lại một tờ giấy trắng có nghĩa là cô gái sẽ không kết hôn.
Người Hungary cùng cả gia đình trang trí cây thông Noel vào ngày 24/12. Họ tin rằng phải treo trái cây (táo và các loại hạt) lên trước, sau đó mới đến bánh mật, còn lúa mì nảy mầm và chiếc nôi nên được đặt dưới gốc cây để năm tới sẽ có một vụ mùa bội thu. Họ cũng trang trí cây thông Noel bằng những quả banh vải nhiều màu và giấy gói sô cô la.
Tại Hungary, trước khi tặng quà cho nhau thì cần phải thắp sáng những ngọn nến và hát những bài hát mừng Giáng sinh. Hầu hết các gia đình đều tham dự Thánh lễ (lễ Misa) lúc nửa đêm, và người ta nói rằng nên thắp nến liên tục để ngăn chặn những linh hồn xấu xa bị xua đuổi quanh nhà thờ đến nhà của bạn để tìm nơi ẩn náu.
Thụy Điển
Tại Thụy Điển, bắt đầu từ đầu tháng 12, người Thụy Điển kỷ niệm Mùa Vọng bằng cách thắp nến vào Chủ nhật hàng tuần trong 4 tuần trước lễ Giáng sinh. Nhưng cao trào của lễ hội diễn ra vào ngày 13 tháng 12 là ngày kỷ niệm Saint Lucia.
Theo truyền thống, trong đêm dài nhất của mùa đông, những sinh vật xấu xa sẽ hoạt động rất tích cực. Để bảo vệ bản thân không bị chúng làm hại và thắp sáng màn đêm, người Thụy Điển đã chỉ định Saint Lucia (thánh nữ mặc áo trắng) là người mang ánh sáng. Vào ngày 13 tháng 12, những cô gái trẻ trong những bộ váy trắng và những vòng hoa thắp nến sẽ diễu hành qua các con phố. Những cô gái này sẽ phát cà phê và bánh ngọt cho người qua đường và hát những bài hát truyền thống.
Hy Lạp
Lễ Giáng sinh tại Hy Lạp sẽ bắt đầu vào đêm Giáng sinh và kết thúc vào ngày 6 tháng 1 Lễ hiển linh (tiếng Hy Lạp: επιφάνεια; tiếng Anh: Epiphany), trong khoảng thời gian 12 ngày.
Vào ngày 24 tháng 12, trẻ em sẽ dậy sớm và đi từng nhà để hát “calanda” (những bài thơ nhỏ và bài thánh ca kể về Giáng sinh và năm mới), đồng thời gõ “trigona” (tam giác sắt). Chủ nhà sẽ thưởng cho chúng tiền xu, trái cây hoặc bánh Giáng sinh.
Mọi người đi ngủ sớm vào đêm Giáng sinh, bởi vì họ phải tham dự Thánh lễ Giáng sinh (lễ Misa) bắt đầu lúc 4 giờ sáng hôm sau. Khi từ nhà thờ trở về, cả gia đình sẽ cùng nhau chia sẻ mật ong, trái cây sấy khô và Christopsomo (có nghĩa là “Bánh mì của Chúa”).
Theo truyền thống, mỗi ngôi nhà đều được trang trí bằng mô hình con thuyền gỗ, bên trên được trang trí bằng những vòng đèn hoặc những ngọn nến nhỏ. Con thuyền là biểu tượng truyền thống của lễ Giáng sinh tại Hy Lạp.
Quà tặng không được trao vào dịp Giáng sinh, mà được trao vào ngày 1 tháng 1 khi người Hy Lạp kỷ niệm Saint Basile.
Giáng sinh là ngày lễ kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su và là ngày để gia đình quây quần bên nhau. Vào ngày này, những phong tục truyền thống cũng như những lời chúc tốt đẹp sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo Sound of hope