‘Dục tốc bất đạt’: Mưu sự cầu thận trọng, không cầu nhanh chóng
“Dục tốc bất đạt” là câu Khổng Tử từng khuyên học trò của mình phải kiên nhẫn, biết nhìn xa trông rộng. Ham muốn lợi ích trước mắt thì cuối cùng chỉ có thể dục tốc mà bất đạt.
- “Dục tốc bất đạt” hay “Giục tốc bất đạt”, câu nào đúng?
- Nét đẹp văn hóa trong trang phục truyền thống của dân tộc Thái
Khổng Tử từng giảng rằng: “Đừng muốn nhanh chóng, đừng ham lợi nhỏ, muốn nhanh chóng thì không thành công, ham lợi nhỏ thì việc lớn không thành”.
Từ xưa đến nay, người làm nên đại sự, đứng trước bất cứ việc gì, luôn giữ bình tĩnh, không nóng vội. Việc càng quan trọng, họ càng chú trọng cẩn thận, không vội vàng. Làm việc gì cũng không mù quáng chạy theo tốc độ, không vì lợi ích trước mắt, kiên trì trả giá, lấy chậm làm nhanh.
Nội dung chính
Giai thoại về nguồn gốc câu thành ngữ “Dục tốc bất đạt”
Thời Xuân Thu, có một vị quan tên là Tử Hạ, cũng là học trò giỏi văn của Khổng Tử. Ông cho rằng công việc của mình tiến triển chậm, tương lai không chắc chắn. Vì vậy, ông đã đến gặp Khổng Tử và nhờ thầy giúp đỡ. Tử Hạ hỏi thầy: “Thưa thầy, làm thế nào để quản lý tốt một địa phương ạ?”
Khổng Tử nghe vậy liền khuyên học trò: “Đã chọn con đường làm quan thì phải kiên nhẫn, nhìn xa trông rộng, vững bước cầu tiến. Không nên ham lợi trước mắt, nếu không cuối cùng chỉ có thể là dục tốc mà bất đạt; thậm chí ngay cả công sức con bỏ ra trước đó cũng sẽ có thể đổ sông đổ biển.”
Tử Hạ nghe xong những lời này liền bừng tỉnh, giác ngộ được đạo lý. Ông trở lại làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn từng bước một; không còn nôn nóng muốn đạt được thành quả như trước nữa.
Lời dạy của Khổng Tử chính là làm một việc gì đừng một mực muốn mau chóng, đừng chỉ ham muốn cái lợi nhỏ. Làm việc mà mưu cầu mau chóng thì sẽ không thành công, không đạt được thành quả. Người ham muốn cái lợi nhỏ thì sẽ không thể làm nên sự nghiệp lớn.
Mưu sự cầu thận trọng, không cầu nhanh chóng
Vào thời nhà Minh, Triệu Dự đảm nhận chức Thái thú Tùng Giang, người cực kỳ thận trọng. Mỗi khi có người đến thưa kiện, Triệu Dự đều hiểu rõ sự tình; nếu không phải việc cấp bách, liền nói với họ: “Các người về đi, ngày mai lại đến!”.
Mọi người không biết ẩn ý của ông nên họ đã cười nhạo ông. Lâu dần, trong dân gian lưu truyền câu: “Thái thú Tùng Giang ngày mai đến”. Thực ra họ đâu biết rằng phần lớn những người đến kiện tụng chỉ là vì nóng giận; sau một đêm họ có thể nguôi ngoai, hối hận và không còn nghĩ đến chuyện kiện cáo nhau nữa. Nhiều mâu thuẫn nhờ đó mà được giải quyết êm thấm.
Câu nói “ngày mai đến” là dành cho người, cũng là để cho mình thêm thời gian suy nghĩ, cân nhắc. Khi chưa hiểu rõ tình hình, chớ nên liều lĩnh hành động hấp tấp, quyết định vội vàng. Điều này vừa có thể giúp con người tự sửa chữa lỗi lầm của mình, vừa có thể ngăn ngừa bản thân phạm sai lầm. Người có thể thận trọng từ đầu đến cuối trong công việc thì không lo thất bại.
Con người khi tâm tĩnh thì mới có thể nhìn rõ vấn đề. Khi đã hiểu ra vấn đề, họ sẽ từ trong rối ren mà thoát được ra; và khi đó, sự việc phức tạp sẽ trở nên đơn giản.
Cân nhắc kỹ càng, bởi việc càng lớn ma nạn sẽ càng nhiều
Trong lịch sử có rất nhiều tấm gương luôn suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc kỹ lưỡng, chậm rãi, cuối cùng sẽ giành được thắng lợi. Lưu Bị và Gia Cát Lượng thời Tam Quốc là một minh chứng.
Gia Cát Lượng cày cấy ở Nam Dương không phải vì lòng mang đầy hoài bão mà vội vàng bước lên vũ đài Tam Quốc ngay khi Lưu Bị đến mời. Về phần Lưu Bị một lòng theo đuổi nghiệp lớn, tuy thời gian quý như vàng; nhưng cũng không vì một lần đến Gia Cát Lượng không tiếp mà bỏ cuộc.
Lưu Bị và Gia Cát Lượng đều biết rõ dạo lý “dục tốc bất đạt”; đứng trước việc lớn không nên vội vàng. Ba lần đến túp lều tranh không chỉ thử thách lòng kiên nhẫn của Lưu Bị mà còn bộc lộ tài nhìn xa trông rộng của Gia Cát Lượng. Bởi cả hai người đều biết rằng người không thể kiên nhẫn, không coi trọng nhân tài thì không thể tiến xa; huống chi là dựng nên cơ đồ nhà Thục Hán.
Trong cuộc sống không ít lần chúng ta gặp những trường hợp “dục tốc bất đạt”. Người vội vàng, nhìn bề ngoài thì có vẻ làm nhanh, mất ít thời gian; nhưng đến khi không đạt được kết quả thì toàn bộ thời gian và công sức đều là phí hoài. Vì vậy, khi gặp phải vấn đề cần giải quyết; chúng ta cần dùng tâm thái bình tĩnh mà làm việc. Nhìn bề ngoài thì có vẻ mất nhiều thời gian hơn nhưng thực tế thì thời gian hoàn thành lại ngắn hơn. Quan trọng hơn, sự tình được hoàn thành một cách tốt nhất, với kết quả tốt nhất.
Chậm lại là một loại trí tuệ, người khôn ngoan lấy tĩnh chế động
Ngày nay với nhịp sống bận rộn, ai cũng vội vàng, lao vào công việc mà thường quên đi lý do xuất phát lúc ban đầu. Có những người luôn nóng vội, tham lợi trước mắt, nhưng cuối cùng lại “dục tốc bất đạt”, “lợi ít mà hỏng việc lớn”, “ham lợi nhỏ nên việc lớn không thành”; người đó cuối cùng cũng chẳng làm nên việc gì. Chi bằng hãy cứ bắt đầu từ hiện tại, từng bước từng bước một, chậm mà chắc.
Chậm lại là điểm dừng chân cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Mọi việc đều khoan dung, không tranh chấp, không gây gổ, không hoảng loạn. Vững bước cầu tiến, chậm rãi bước tới thành công, đó mới là cách sống đúng đắn. Một người chỉ cần không nóng vội thì tâm sẽ tĩnh; khi tích lũy đầy đủ thì tự sẽ thành công.
Cuộc sống hiện đại rối ren, mỗi ngày đều tràn ngập đủ thứ chuyện làm xáo trộn tâm trí chúng ta. Nhưng khi chúng ta tĩnh tâm lắng lòng như cổ nhân; làm việc gì cũng luôn tĩnh tâm điều tức, làm việc với cái tâm trong sáng, mục đích rõ ràng; làm đến nơi đến chốn có thủy có chung thì có lẽ sự sự đều sẽ tốt đẹp.
Dục tốc bất đạt là đạo lý đúng đắn từ ngàn xưa. Con người hiện đại dễ bị cuốn theo nhịp sống hối hả thì lại càng nên nhớ lấy câu này để tự nhắc nhở bản thân.