Một chút ý kiến về việc giáo dục giới tính cho trẻ
Làm cách nào để có thể giáo dục giới tính cho trẻ em được hiệu quả mà không gợi cho trẻ óc tò mò tìm hiểu chuyện người lớn? Vì e rằng trẻ tò mò thì sẽ muốn biết, mà muốn biết thì phải thử. Làm sao cho trẻ vẫn có hiểu biết mà không cần thử?
Phương Tây hiện nay “giáo dục giới tính” rất kỹ, kỹ tới cái mức nếu phụ huynh ngồi đó cũng đỏ mặt xấu hổ. Được dạy kỹ như thế khó tránh khỏi trẻ sinh ra tò mò…, lại được trang bị kiến thức ngừa thai, tư tưởng phóng khoáng, quyền tự do cá nhân, làm chủ thân thể v.v. cho rằng không để lại hậu quả là bản thân được an toàn. Học đi đôi với hành, kết quả trẻ buông lỏng ý thức, thực hành sớm… Kết quả là 10 cô dâu thì có khi tới 8 cô không còn nguyên vẹn.
Người phương Đông nói chung và cụ thể là người Việt mình nói riêng, trong tính cách có phần hướng nội hơn, những chuyện tế nhị ngại đề cập đến. Tuy nhiên ngày nay chuyện đáng tiếc xảy ra nhiều quá nên nhiều người cho rằng phải học theo phương Tây: Thà vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để hươu chạy tầm bậy. Ý tứ ở đây có phải là thà dạy kỹ như kiểu giáo dục giới tính, dạy cả các phương pháp ngừa thai, để rồi trẻ làm gì thì làm miễn không có bầu là được?
Rất nhiều người hiện nay có lối nghĩ như vậy, chỉ khác nhau ở chỗ có người cho rằng như vậy là đúng, người khác lại cho rằng điều này không đúng nhưng cũng khả dĩ, dù sao cũng đỡ hơn việc để lại hậu quả. Hai chữ “giữ gìn” không còn ý nghĩa là giữ gìn phẩm hạnh, trinh tiết nữa mà là giữ gìn cho khỏi có bầu thôi.
Không cần nói cũng thấy rằng tiêu chuẩn của chúng ta hôm nay so với thời ông bà đã hạ xuống sát đất rồi. Thời xưa, ngay cả gia đình thường dân, khi đi hỏi vợ, chưa nói tới “công dung ngôn hạnh” gì to tát, cái tối thiểu nhất là người con gái đó phải còn trong trắng. Những cô dâu ăn cơm trước kẻng thường bị kỳ thị ra mặt và sống rất khổ cực sau đó. Đôi khi còn bị chính người chồng coi thường.
Xưa cũng như nay, không phải cặp vợ chồng nào cũng hòa hợp hạnh phúc, nhưng khác với chủ nghĩa chạy theo hạnh phúc cá nhân hiện nay, người xưa một khi đã kết hôn sẽ cố gắng dung nhẫn những bất hòa để ở bên nhau chứ không dễ dàng ly hôn; trên là muốn cha mẹ yên lòng, dưới là để cùng chăm lo dạy dỗ con cái. Trẻ có gia đình trọn vẹn thì không bị người đời chèn ép hoặc thương hại, đó là trách nhiệm, là đức hi sinh của người làm cha mẹ, trở thành tấm gương cho con cái của mình.
Nhờ đó, đa số trẻ em có một gia đình hoàn chỉnh đủ cả cha lẫn mẹ, tạo nên một hoàn cảnh chung chính thường như vậy thì không cần ai dạy chúng cũng tự hiểu được rằng cha mẹ là những người thân đặc biệt của nhau, giữa cha và mẹ có sự gắn kết mật thiết rồi mới sinh ra con cái, tuy vậy chẳng đứa trẻ nào quan tâm gắn kết mật thiết kia cụ thể là thế nào?
Đúng không bạn? Từ nhỏ bạn biết người đàn ông này là cha bạn, người phụ nữ này là mẹ bạn, họ chung sống với nhau và sinh ra bạn, rồi trong quá trình lớn lên, bạn thấy những người trưởng thành yêu nhau, đám cưới, sinh con, bạn sẽ không cần học cũng biết nam với nữ nếu có sự gần gũi đặc biệt sẽ sinh ra con cái, và làm thế nào để sinh ra con cái thì đó là bản năng tự nhiên mà tạo hóa ban cho, càng không cần phải học, đến lúc lập gia đình rồi sẽ tự khắc biết. Nên không cần nói nhiều với trẻ về điều đó làm gì nữa, trẻ đã tự nhiên mà hiểu rồi, người lớn càng giảng giải kỹ thì càng kích thích óc tò mò của trẻ, bôi đen thêm cho trẻ, tự tay đẩy trẻ tiến gần hơn tới miệng hố mà thôi.
Trở lại câu hỏi ở đầu bài: Làm sao cho trẻ vẫn hiểu biết mà không cần thử?
Như đã nói ở trên, trẻ sẽ tự biết theo cách tự nhiên nhất. Và điều phụ huynh cần quan tâm là dạy bảo làm sao cho trẻ không dám thử trái cấm.
Muốn trẻ không thử thì phải cho trẻ biết trước hậu quả sẽ thế nào nếu điều đó xảy ra. Cái này mỗi phụ huynh đều có thể tự mình tìm thấy những câu chuyện, những tấm gương trong sách vở hay ngay ở đời thường mà giáo dục, răn đe con mình.
Người xưa nghiêm khắc nên có những hình phạt mà ngày nay ta cho là quá tàn nhẫn, ví như gái chưa chồng mà chửa bị rêu rao cho cả làng biết rồi đem ra giữa làng xét xử, có khi bị phạt bỏ rọ thả xuống sông, hay cạo đầu bôi vôi,… không bị ép chết thì cũng phải bỏ xứ mà đi chứ không sống nổi với dư luận; may mắn hơn thì thoát được nhưng cả đời phải sống trong sự ghẻ lạnh, dè bỉu, khinh mạn của người đời, tai tiếng cho gia đình, người nhà bị liên lụy.
Khi người con gái lúc còn nhỏ hoặc là nghe những câu chuyện đó hoặc có khi tận mục sở thị những gương đó rồi mà khiếp sợ, mà không dám buông lỏng cảnh giác, mà không dễ bị nam giới dụ hoặc, vì mất trinh cũng bằng như mất mạng mà.
Dù vậy, những điều này cũng chỉ khiến cho người ta sợ trên bề mặt, nếu sự cám dỗ của cái tình, của dục vọng quá lớn cũng sẽ khó giữ mình. Lỡ phạm rồi thì sẽ dễ sinh ra làm chuyện thất đức để chạy tội (như dùng máu gà để lừa dối trong hôn nhân sau này, hoặc nếu lỡ có thai sẽ tìm cách phá thai khi chưa bị ai phát hiện).
Vậy cái cần dạy là gì? Nói ra nghe có vẻ như lạc hậu cổ hủ nhưng thật tình trong bối cảnh của xã hội hiện tại muốn cứu vãn được tình thế đạo đức sa sút này chỉ có một con đường duy nhất là dạy cho trẻ em hiểu biết về văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống là văn hóa có tín ngưỡng, có Trời có Phật, có nhân có quả, có lễ nghĩa, biết “nam nữ thọ thọ bất tương thân”, nam giới coi trọng danh dự, nữ giới coi trọng danh tiết. Làm việc xấu biết sợ mất Đức, cả đời không yên ổn. Cao hơn nữa là sợ Trời phạt. Từ đó có ước thúc sâu thẳm trong tâm linh, biết bồi đắp nhân phẩm, nâng cao giá trị đạo đức làm người.
Con đường là có sẵn, chỉ là năm dài tháng rộng, chúng ta càng ngày càng xa rời lời dạy của Thánh nhân mà tự mình lầm lạc. Đường quay về đã xa lắm, nhưng nếu sớm khởi hành ngay biết đâu còn kịp đưa con cái chúng ta đến được nơi an toàn.