12 triết lý nhân sinh trong Kinh Dịch
Kinh Dịch là bộ sách kinh điển mang hệ thống tư tưởng triết học cổ đại và được coi là tinh hoa cổ học của Trung Hoa; hàm chứa vô vàn giá trị thực tiễn cùng những triết lý nhân sinh.
Nội dung chính
Kinh Dịch là tinh hoa cổ học của Trung Hoa
Tương truyền, Thánh Phục Hy đã phát minh ra 64 quẻ từ, các quẻ này chủ yếu sử dụng trong bói toán. Mỗi quẻ đều có nội hàm vô cùng sâu sắc, mọi người có thể căn cứ trên hàm nghĩa của quẻ mà suy đoán ra các việc cát hung họa phúc.
Tới thời nhà Chu, Chu Văn Vương đem 64 quẻ của Phục Hy diễn dịch thành 384 hào, khiến cho bói toán càng thêm toàn diện.
Tới thời kỳ Xuân Thu, Khổng Tử tiến hành giảng giải Chu Dịch, sau đó gọi là Kinh Dịch. Kỳ thực, Kinh Dịch là nguồn gốc lý luận tư tưởng triết học tự nhiên và nhân văn thực tiễn của trung quốc cổ đại; là kết tinh trí tuệ của dân tộc trung hoa cổ xưa, nên nội dung vô cùng phong phú.
Kinh Dịch có ảnh hưởng sâu rộng và được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như kinh tế, chính trị, thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh…
12 triết lý nhân sinh trong Kinh Dịch
1. Thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường bất tức, địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật
Giải nghĩa: Quân tử cần phải như thiên vũ vận hành không ngừng nghỉ, dẫu phải lang bạt nay đây mai đó, cũng không nao núng khuất phục.
Người quân tử, trong đối nhân xử thế ắt khoan dung độ lượng như đại địa, có thể dung chứa vạn vật.
2. Biến động bất cư, chu lưu lục hư, thượng hạ vô thường, cương nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thích
Giải nghĩa: Biến động bất cư là chỉ sự vận động, biến hóa vĩnh viễn không ngừng. Lưu chuyển khắp 6 hào (Hào là vạch ngang của quẻ kép, mỗi quẻ sáu vạch, tức là sáu hào), không phân cao thấp, vừa cương vừa nhu tương hỗ không ngừng, không tuân theo quy luật cứng nhắc nào cả, chỉ có không ngừng biến đổi, không ngừng thích nghi mới là quy luật.
3. Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương
Giải nghĩa: Một gia đình thường tích đức hành thiện, nhất định phúc báo hưởng không hết, còn lưu lại cho cả con cháu. Gia đình không tích đức hành thiện, ắt sẽ nhiều tai họa, thậm chí con cháu đời sau cũng phải gánh chịu.
4. Địa trung sinh mộc, thăng. Quân tử dĩ thuận đức, tích tiểu dĩ cao đại
Giải nghĩa: Cây từ đại địa mà mọc thẳng lên. Bậc quân tử hiền đức nên noi theo, thuận theo mỹ đức, tích lũy việc thiện nhỏ, dần dần tu thành đại đức.
5. An nhi bất vong nguy, tồn nhi bất vong vong, trì nhi bất vong loạn
Giải nghĩa: Con người dẫu là khi đương an ổn, cũng chớ quên nguy hiểm có thể xảy ra. Có sinh tồn cũng có thể diệt vong, đất nước dẫu thịnh trị cũng có thể xuất hiện họa loạn. Làm người chớ nên quá khinh suất, mải vui việc trước mắt mà chẳng lo việc tương lai, nhìn được gần mà chẳng nghĩ cái xa.
6. Soa nhược hào li, mậu dĩ thiên lí
Giải nghĩa: Sai một li đi một dặm, làm sai chỉ một chút, nhưng có thể tạo thành cái sai ngàn dặm. Có lúc sai sót dường như rất nhỏ nhặt nhưng lại thành hậu quả rất lớn. Vậy nên cẩn trọng là một loại mỹ đức.
7. Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược, lệ vô cữu
Giải nghĩa: Quân tử trước sau chăm chỉ cố gắng, đêm đến cẩn thận tự xét lại mình. Không ngừng kiểm điểm bản thân, hoàn thiện chính mình. Làm được như thế thì dẫu mệnh có nguy cũng có thể hóa thành an.
8. Nhạc thiên tri mệnh, cố bất ưu
Giải nghĩa: Lạc quan, vui vẻ khi đối mặt với số phận, sẽ không có gì ưu sầu. Bởi vậy chúng ta nên bảo trì tâm thái lạc quan, mở rộng lòng mình đón nhận mọi thứ.
9. Nhật nguyệt đắc thiên nhi năng cửu chiếu, tứ thì biến hóa nhi năng cửu thành, thánh nhân cửu vu kì đạo nhi thiên hạ hóa thành
Giải nghĩa: Mặt trời và mặt trăng có thể tuân theo thiên đạo mà vĩnh viễn chiếu rọi. Bốn mùa luân chuyển có thể khiến vạn vật sinh trưởng. Thánh nhân trường cửu tuân theo đạo, thì thiên hạ có thể vâng lời giáo hóa và hình thành văn hóa tốt đẹp.
10. Vô bình bất pha, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu
Giải nghĩa: Dù là đất phẳng hay sườn dốc, chẳng lùi bước, ở trong gian nan khốn khổ mà có thể kiên trinh, thuần khiết, vậy ắt sẽ tránh được tai họa.
11. Trung hành vô cữu
Giải nghĩa: Trung hành chỉ sự cân bằng, trung dung. Vô cữu là không có tai họa. Kinh Dịch nói cho chúng ta rằng, phàm là làm việc gì cũng không nên đi đến cực đoan, như vậy nhân sinh mới tránh bớt tai vạ. Điều này cũng giống như đạo lý “tốt quá hóa dở” của Khổng Tử, hay sự “cân bằng, trung lập” của Chu Hi.
12. Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu
Giải nghĩa: Điều này nhấn mạnh tính linh hoạt. “Kinh Dịch” tin rằng khi sự vật phát triển đến cực điểm thì nhất định có biến hóa, chỉ khi xảy ra biến hóa thì sự phát triển mới được tuần hoàn và tiếp tục.
Kinh Dịch là kết tinh trí tuệ thánh nhân, không chỉ truyền đạt tư tưởng, triết lý nhân sinh, mà còn nghiên cứu thâm sâu về các quy luật vận hành của trời đất cũng như van sự vạn vật.
Theo Vision Times