Trong đại lễ ở chùa, Bồ Tát Văn Thù đã hóa thân thành một người phụ nữ nghèo đến xin ăn để thử lòng của những người tham dự.

Chùa Đại Hiển Thông

Ở núi Ngũ Đài có một ngôi chùa tên là Đại Hiển Thông. Ngôi chùa này bắt đầu được xây dựng vào năm Vĩnh Bình, thời Hán Minh Đế, so với chùa Bạch Mã thì muộn hơn mấy năm.

Vào triều đại Bắc Ngụy (386-535), Hiếu Văn Đế tôn thờ Phật giáo và khai quật các hang động Vân Cương ở Sơn Tây, Bình Thành (nay là Đại Đồng). Sự phổ biến của việc thờ Phật và kính Thần lan rộng khắp thiên hạ và nhiều ngôi chùa đã được mở rộng, chùa Đại Hiển Thông cũng được xây dựng thêm. 

Người phụ nữ xuất hiện tại Đại lễ hằng năm của chùa Đại Hiển Thông

Sau khi chùa xây dựng xong, không biết bắt đầu từ khi nào, vào tháng giêng hằng năm đều tổ chức Đại lễ lớn. Một năm nọ, trong khi Đại lễ được tiến hành, một người phụ nữ nghèo nghe tin vội chạy đến chùa. Cô bế một em bé trên tay, dắt thêm một đứa trẻ khác, theo sau là một chú chó nhỏ.

Người phụ nữ nghèo này trên người không có đồng nào. Cô không có tiền bạc hay đồ dùng để bố thí. Vì vậy, cô đã tự cắt tóc của mình để làm đồ bố thí.

người phụ nữ nghèo đi khất thực; người phụ nữ nghèo xin ăn
Người phụ nữ xin nhà sư trụ trì phát đồ ăn cho mình (ảnh minh họa vietnamnet)

Cô không đợi đến lúc sư thầy phát đồ ăn, liền mở miệng xin vị sư chủ trì phát đồ chay cho mình. Lúc đầu, nhà sư thấy cô nghèo khó nên cũng rất thương cảm. Thế là ông sai tiểu đồng dọn cho cô 3 phần ăn chay trước để mẹ con cô cùng ăn. 

Không ngờ, người phụ nữ nghèo nói rằng: “Con chó nhỏ của con cũng muốn ăn”. Ngụ ý rằng xin nhà sư cho cô thêm một phần ăn nữa. Vị sư trụ trì không có cách nào đành miễn cưỡng cho cô một phần nữa. Người phụ nữ lại nói: “Con đang mang thai, đứa trẻ trong bụng con cũng cần có 1 phần”. 

Bấy giờ nhà sư liền giận dữ trách móc người phụ nữ nghèo. Ông quát rằng: “Cô đang lấy cơm chay bố thí của tăng nhân, cô đã quá tham lam rồi đấy. Nếu cô có thai, đứa trẻ chưa ra đời. Làm sao nó có thể ăn được?” Sau đó, ông bảo người phụ nữ nhanh chóng rời đi.

Bồ Tát Văn Thù hiển linh

Khi người phụ nữ nghèo nghe những lời này, cô ấy lập tức bay lên trời, hiển lộ ra chân thân là Bồ Tát Văn Thù. Con chó nhỏ phía sau cô ấy hóa ra là con sư tử để cưỡi của Bồ Tát. Và hai đứa trẻ chính là Thiện Tài đồng tử và Vu Điền Vương ở bên cạnh Bồ tát hóa thành.

tướng người phụ nữ nghèo khổ; người phụ nữ nghèo đi khất thực
Tranh Văn Thù Bồ Tát do Cừu Vương thêu (ảnh: Sound of hope)

Bồ Tát đứng trên những đám mây cát tường và đọc một bài kệ:

“Khổ qua liên căn khổ, điềm qua triệt đế điềm. Thị ngô siêu tam giới, khước bị a sư hiềm”. 

Có nghĩa là: “Mướp đắng, đắng tận rễ. Dưa ngọt, ngọt cả dây. Ta tu hành xuất tam giới, còn bị lão tăng rầy”.

Lời vừa dứt, Bồ Tát liền biến mất. Các nhà sư và cư sĩ có mặt trong buổi lễ đều vô cùng kinh ngạc. Nhà sư chủ trì vô cùng hối hận đến mức không thể diễn tả bằng lời. Tuy đã tu hành nhiều năm nhưng không nhìn ra được chân dung của Bồ Tát.

Sau sự việc này, mỗi khi người dân gặp lại những sự việc tương tự, tâm kỳ thị, tâm phân biệt không đối xử bình đẳng giàu nghèo đã giảm đi rất nhiều. Người dân đã xây dựng một ngôi bảo tháp nơi Bồ Tát bay lên không trung và thường xuyên lễ bái.

Vào năm Ung Hy thứ hai (985) thời Tống Thái Tông, khi người dân tu sửa lại bảo tháp. Họ đã tìm thấy 3-5 sợi tóc được chôn dưới chân tháp. Tóc màu vàng nhưng lại có thể tự biến hóa màu sắc, lúc thì biến thành màu đen, lúc lại chuyển sang màu khác. Sau khi tận mắt chứng kiến ​​sự việc này, mọi người đều cảm thấy vô cùng huyền diệu, liền đem đặt những sợi tóc trở lại chỗ cũ và niêm phong lại để bảo tồn.

Quả là trên đầu ba thước có thần linh. Bồ Tát Văn Thù đã lấy hình tượng người phụ nữ nghèo để thử lòng chúng sinh, từ đó răn dạy con người tích đức hành thiện.

Theo Sound of hope