Vào một ngày đẹp trời, ở một vương quốc nọ, đức vua muốn thử nghiệm đạo đức thần dân của mình. Làm cách nào nhỉ? Sau một hồi suy nghĩ, ông mỉm cười với phương án ông vừa nghĩ ra. Ông cho quân đặt một tảng đá to ở giữa một con đường nhiều người qua lại.

Cách thần dân phản ứng với tảng đá

Sau đó, nhà vua cải trang thành dân thường và lặng lẽ quan sát. Ông muốn xem ai sẽ là người sẵn lòng dịch chuyển tảng đá ra khỏi con đường. Ông đã dày công chuẩn bị phần thưởng cho người anh hùng đó. Rất nhiều thương nhân, quý tộc giàu có hay cận thần của nhà vua đã đi qua con đường đó. Tuy nhiên họ đều tìm cách đi vòng qua tảng đá.

Thậm chí, có nhiều người còn đổ lỗi cho nhà vua. Họ trách nhà vua không có biện pháp giữ cho đường sá thông thoáng. Ngoài trách móc rồi bỏ đi, không ai làm bất cứ điều gì để giải quyết vấn đề. Qua nhiều ngày quan sát, nhà vua không nén nổi sự thất vọng trong lòng. Ông thầm nghĩ, nếu vài ngày nữa vẫn chưa có ai tốt bụng tới, ông sẽ cho quân bỏ tảng đá đó đi. Điều này cũng có nghĩa là người dân ở đây đạo đức đã không còn tốt nữa. Và điều đó làm nhà vua thấy buồn vô hạn.

Người nông dân nhân hậu

Trong ngày cuối cùng nhà vua ngồi quan sát, một người nông dân đang gánh rau ra chợ bán. Khi đến gần tảng đá, anh vội đặt gánh rau xuống và cố gắng tìm cách đẩy tảng đá ra khỏi vị trí án ngữ trên đường. Nhà vua ở gần đó chứng kiến việc này, ông nở nụ cười nhẹ nhõm.

Phần thưởng bất ngờ

Sau khi gắng sức đẩy được tảng đá đi, anh nông dân mồ hôi nhễ nhại ngồi bệt xuống vệ đường hít thở. Chợt anh phát hiện một chiếc túi đựng rất nhiều tiền vàng bên dưới chân tảng đá. Còn có một bức thư của nhà vua viết rằng: “Vàng trong túi dành cho người đã loại bỏ tảng đá ra khỏi con đường”.

Nhân sinh cảm ngộ: Mọi thử thách chúng ta gặp đều là cơ hội để chúng ta hoàn thiện bản thân. Những người lười biếng, hay ỷ lại thì than phiền. Còn những người biết nghĩ cho người khác, với trái tim nhân hậu, họ sẵn lòng vượt qua trở ngại và được ban phúc ở cuối chặng đường.

Nguồn: Sưu tầm