Trong kho tàng trí tuệ cổ xưa của Trung y, cơ thể người giống như một hệ sinh thái tinh vi. Trong đó, ngũ sắc và ngũ vị không chỉ là trải nghiệm cảm quan, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc điều hòa và duy trì sức khỏe của ngũ tạng.

Bộ lý luận về ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), ngũ vị (chua, đắng, ngọt, cay, mặn) và ngũ tạng (gan, tim, tỳ, phổi, thận) này bắt nguồn từ Hoàng Đế Nội Kinh, có gốc rễ trong triết học Âm Dương Ngũ Hành, hé lộ cách thực phẩm và dược phẩm điều hòa sự cân bằng nội tại thông qua màu sắc và hương vị.

1. Màu xanh và vị chua giúp nuôi dưỡng gan

Tạng phủ tương ứng: Lá gan (thuộc mộc) – Gan chủ về điều tiết, điều hòa khí cơ và cảm xúc, tàng huyết và nuôi dưỡng mắt.

Các thực phẩm màu xanh như rau chân vịt, cải dầu, súp lơ xanh, đậu xanh, kiwi… có màu sắc đi vào kinh gan, giúp điều hòa khí ở gan và giải nhiệt.

Thực phẩm vị chua như ô mai, sơn tra, chanh, giấm, cà chua, v.v. có tác dụng thu liễm và củng cố, giúp làm mềm gan và dưỡng huyết, bình ổn gan dương quá thịnh, làm dịu buồn bực và cáu giận. Câu nói  ‘toan sinh gan’ – tức vị chua sinh gan chính là nói đến điều này.

Gợi ý sử dụng: Dưỡng sinh mùa xuân thường chú trọng thực phẩm có màu xanh và vị chua, giúp khí gan sinh trưởng và thông suốt. Tuy nhiên, nếu dùng vị chua quá độ sẽ dễ gây đình trệ khí cơ, tổn thương tỳ vị, cần sử dụng có chừng mực.

2. Màu đỏ và vị đắng giúp thanh lọc và an thần 

Tạng phủ tương ứng; Trái tim (thuộc hỏa) – tim chủ quản huyết mạch và tinh thần, là nguồn lửa của sự sống.

Thực phẩm màu đỏ như táo đỏ, đậu đỏ, cà chua, cà rốt, ớt đỏ… có màu sắc đi vào tâm (tim), giúp làm ấm và thông huyết mạch, hỗ trợ lưu thông khí huyết, nuôi dưỡng tim và an thần.

Thực phẩm có vị đắng như: Mướp đắng, tim sen, trà xanh, rau diếp, rau cúc đắng. Vị đắng giúp thanh tâm hạ hỏa, giải nhiệt trừ phiền, giúp an giấc định chí. Cái gọi là ‘khổ sinh tâm’, tức đắng sinh tâm, chính là nói đến khả năng giúp khí trong tim được thanh lọc và hạ hỏa.

y học cổ truyền; đông y; y học cổ xưa
Khổ qua có vị đắng, giúp thanh tâm giải nhiệt (ảnh minh họa: Soundofhope)

Gợi ý sử dụng: Vào mùa hè oi bức, tinh thần dễ bị nhiễu loạn – việc dùng vừa phải thực phẩm có màu đỏ và vị đắng có thể giúp thanh tâm và giải nhiệt. Tuy nhiên, nếu vị đắng và tính hàn quá độ sẽ làm tổn thương dương khí; những người tỳ vị hư hàn càng phải cẩn thận khi sử dụng.

3. Màu vàng và vị ngọt giúp bồi bổ Tỳ

Tạng phủ tương ứng: Tỳ – lá lách (thuộc Thổ) – Tỳ được coi là gốc rễ của hậu thiên, chủ vận hóa tinh chất từ thức ăn và quản lý huyết dịch.

Thực phẩm màu vàng như hạt kê, bí đỏ, bắp, đậu nành, khoai lang… có màu sắc đi vào tỳ, giúp tỳ vị vận hóa tốt, hỗ trợ sinh hóa.

Thực phẩm vị ngọt như khoai từ, đại táo, mật ong, gạo nếp, khoai lang ngọt… đều là những thực phẩm có vị ngọt tự nhiên. Vị ngọt có công dụng điều hòa tỳ vị, nuôi dưỡng khí huyết và làm dịu tình trạng mệt mỏi. Cổ nhân nói “Cam nhập tỳ” – vị ngọt vào tỳ.

Gợi ý sử dụng: Cuối hạ ẩm thấp dễ gây suy yếu chức năng tỳ, thực phẩm màu vàng và vị ngọt có thể giúp kiện tỳ và tiêu trừ ẩm thấp. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều vị ngọt sẽ dễ sinh ẩm, làm trở ngại tỳ, gây chướng bụng; nhất là các loại đường tinh luyện hiện đại lại càng nên tiết chế.

4. Màu trắng và vị cay giúp nuôi dưỡng phổi, giải hàn

Tạng phủ tương ứng: Phổi (thuộc Kim) – phổi chủ quản khí và hô hấp, điều hòa đường thủy dịch, và liên hệ với da lông bên ngoài.

Thực phẩm màu trắng như hoa bách hợp, nấm tuyết, lê, củ cải trắng, củ sen, củ mài… Sắc trắng nhập phổi, có tính chất thanh mát, làm ẩm phổi, giúp sinh dịch, tiêu đờm và giảm ho.

Thực phẩm vị cay như hành lá, gừng, tỏi, bạc hà, củ cải trắng (ăn sống), mù tạt… có tác dụng phát tán và khai thông, giúp khí huyết lưu thông, khai phát khí phổi, trừ lạnh giải cảm và làm thông mũi. Đây chính là nguyên lý “vị cay vào phổi”.

Gợi ý sử dụng: Mùa thu khô hanh dễ làm tổn thương dịch phổi, nên ưu tiên dùng thực phẩm màu trắng giúp làm ẩm phổi. Vị cay có thể giúp giải cảm tán hàn, nhưng do tính ấm và khô, nên người âm hư, phổi nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt cần cẩn thận tránh dùng quá nhiều. 

5. Màu đen và vị mặn nuôi dưỡng thận, bồi bổ nguyên khí

Tạng phủ tương ứng: Thận (thuộc Thủy) – Thận là gốc rễ tiên thiên, chủ tàng tinh, điều hòa thủy dịch, nạp khí, sinh tủy.

Thực phẩm màu đen như đậu đen, mè đen, mộc nhĩ đen, dâu tằm, rong biển… Sắc đen nhập thận, phần lớn có tác dụng bổ tinh tủy, mạnh gân cốt.

y học cổ truyền; đông y; y học cổ xưa
Nấm mèo đen tốt cho thận (ảnh: Soundofhope)

Thực phẩm vị mặn như tảo bẹ, hải sâm, hàu, đậu tương lên men… Vị mặn có tác dụng làm mềm, tán kết, đi vào kinh thận, giúp nuôi dưỡng thận tinh và điều tiết quá trình trao đổi thủy dịch trong cơ thể. Vì vậy mới có câu “vị mặn vào thận”.

Gợi ý sử dụng: Ngày đông, thực phẩm màu đen và vị mặn có tác dụng bổ thận và bổ sung tinh khí. Tuy nhiên, trong chế độ ăn hiện đại, lượng muối (natri) thường vượt chuẩn; ăn quá mặn có thể làm tổn thương thận âm, hao tổn thận khí và tăng huyết áp. Vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ lượng muối ăn vào, và nên ưu tiên thực phẩm tự nhiên có vị mặn nhẹ.

Sự tương ứng giữa “ngũ sắc – ngũ vị – ngũ tạng” không đơn thuần là một danh sách thực đơn máy móc, mà là sự phản chiếu tinh tế của triết lý “thiên nhân tương ứng” trong Trung Y về ăn uống và dưỡng sinh. Hiểu được ngôn ngữ của hệ màu sắc và hương vị này chẳng khác nào nắm giữ một chiếc chìa khóa để điều hòa thân tâm.

Cân bằng là yếu tố then chốt: Trong ăn uống hằng ngày cần cố gắng duy trì sự cân bằng giữa ngũ sắc và ngũ vị, tránh quá độ. Ví dụ: ăn quá nhiều đồ cay dễ làm tổn hại phổi, mê thích đồ ngọt quá mức có thể gây tổn thương tỳ và sinh thấp.

Thuận theo thiên thời: kết hợp đặc tính của từng mùa để điều chỉnh. Ví như mùa xuân dưỡng gan, mùa hạ dưỡng tim, cuối hạ dưỡng tỳ, thu dưỡng phổi, đông dưỡng thận.

Lấy thể chất làm nền tảng: Điều quan trọng nhất là lựa chọn màu sắc và mùi vị thực phẩm phù hợp với thể chất của từng người. Thiếu hụt thì nên được bồi bổ, ứ trệ thì nên được tiêu bớt, bị nóng thì nên giải nhiệt, bị lạnh thì nên làm ấm.

Trên bàn ăn hội tụ ngũ sắc rực rỡ, và đầu lưỡi cảm nhận trọn vẹn ngũ vị hài hòa, không chỉ là thỏa mãn nhu cầu vị giác, mà còn đang vận dụng trí tuệ cổ xưa của Trung Y để điều dưỡng sự vận hành hài hòa của nội tạng. Mật mã ngàn năm về sắc và vị ấy vẫn lặng lẽ soi đường, đưa ta trở về với một lối sống hài hòa, thuận theo tự nhiên.

Theo Soundofhope