Hiệu quả thần kỳ của thuật châm cứu xưa
Thuật châm cứu là một phương pháp trị bệnh có từ lâu đời. Y học hiện đại vẫn luôn nghi ngờ tính hiệu quả của châm cứu, nhưng những tác dụng thần kỳ của nó vẫn luôn được lưu truyền.
Nội dung chính
Châm cứu diệt ký sinh trùng
Theo “Gia Hưng Phủ Chí”, vào thời Nam Tống, ở huyện Đông Dương, Chiết Giang có một học giả tinh thông thuật châm cứu tên là Lý Minh Phủ. Khi ấy, Huyện lệnh Nghĩa Ô mắc bệnh lâu năm, sắp không qua khỏi.
Lý Minh Phủ nhìn qua rồi nói: “Bệnh này là do dưới phổi có ký sinh trùng, uống thuốc không thể khỏi, giờ chỉ còn cách châm cứu, nhưng không phải chuyện dễ, tôi sẽ cố hết sức vậy”.
Đầu tiên, ông ấn vào mấy huyệt vị trên lưng; sau đó lén uống một ngụm nước, rồi đột nhiên phun vào lưng vị Huyện lệnh, khiến ông ta giật mình. Lý tiên sinh liền lập tức dùng kim châm vào các huyệt vị ở lưng. Sau đó, chỉ nghe Lý tiên sinh nói: “Trùng đều đã chết”.
Một lát sau, bụng của huyện lệnh bắt đầu đau lên. Đi ngoài ra toàn nước đen, toàn bộ trùng bọ trong cơ thể đều xổ ra hết. Không bao lâu thì chứng bệnh của ông đã khỏi hẳn.
Thuật châm cứu có thể trừ tà
Trong “Tây Trai Thoại Ký” có câu chuyện kể rằng, ở Lũng Châu, Thiểm Tây có vị đạo sĩ tên là Tăng Nhược Hư rất giỏi y thuật, đặc biệt là tài châm cứu xuất thần.
Trong vùng có một quả phụ mắc bệnh nặng, nhìn giống như đã chết, nhưng qua mấy ngày tim vẫn còn chút hơi ấm. Người nhà liền mời Tăng Nhược Hư tới xem bệnh cho cô lần cuối. Sau khi quan sát kỹ, ông nói rằng: “Mọi người đừng khóc, cô ấy còn cứu được”. Ông lập tức tiến hành châm cứu, không lâu sau, bệnh nhân tỉnh lại.
Chờ khi Tăng tiên sinh rời đi, quả phụ nói chuyện với mọi người: “Vừa rồi hình như là một giấc mơ, tôi mơ thấy người chồng quá cố tới đón tôi, đưa tôi ra khỏi thành, băng qua một cánh đồng, rồi qua cầu, tiến tới một khu rừng đầy cỏ dại. Tôi vẫn luôn theo sau anh ấy. Đột nhiên chồng tôi giống như bị thứ gì đó đâm vào chân, không thể đi được nữa. Vì vậy tôi chỉ có thể tiến về phía trước một mình, nhưng đi chưa bao lâu thì liền tỉnh lại”.
Sau này, có người hỏi Tăng Nhược Hư chuyện là thế nào. Ông trả lời rằng: “Đó là phương pháp châm cứu trong ‘Hoàng Đế nội kinh’. Ta chỉ chiểu theo đó mà châm vào 8 tà huyệt mà thôi”.
Bí thuật châm cứu của dị nhân, chữa được bách bệnh
Trong “Văn Kiến Hậu Lục” có chép rằng: Thời Bắc Tống, ở Vô Vi Quân, An Huy (một đơn vị hành chính của quân đội nhà Tống), có vị thầy thuốc tên Trương Tể, am hiểu thuật châm cứu. Nghe nói rằng, ông được một vị dị nhân truyền cho bí thuật. Sau đó, ông có thể thấu thị nhân thể, nhìn được rõ ràng kinh lạc, ngũ tạng, nên khi dùng châm cứu càng thêm thuận tiện.
Một lần nọ, có một người phụ nữ mang thai bị té ngã, bụng lệch sang bên trái. Trương Tể chỉ cần châm vào tay phải của cô, bụng lập tức trở lại bình thường.
Có người bị bệnh trĩ lâu năm, tìm rất nhiều thầy thuốc đều trị không khỏi. Gặp được Trương Tể, ông liền châm vào ngực, bệnh liền khỏi. Còn có người bị thương hàn, ăn không ngon, dạ dày trào ngược, nôn ói nhiều ngày. Ông châm một kim vào hốc mắt, người này lập tức có thể ăn cơm.
Có một năm, trong vùng mùa màng thất thu, nạn đói nổi lên. Dân đói, rất nhanh dịch bệnh tràn lan. Khi đó, Trương Tể chỉ mang theo một cây kim, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, dùng thuật châm cứu để cứu người, tổng cộng 170 người đã khỏi bệnh, khỏe mạnh trở lại.
Danh thần Trần Quán khi viết truyện về ông đã nói rằng: “Thuật châm cứu của Trương Tể là chưa từng tìm thấy ở trong bất kỳ y thư nào”.
Châm cứu chữa được bệnh viêm phổi nặng
Theo “Di Kiên Chí” (bút ký do Hồng Mại soạn vào đời Tống ), trong những năm Tống Hiếu Tông tại vị, có một vị cấm quân thị vệ tên Thịnh Cao đột nhiên lâm bệnh nặng. Mỗi ngày đều không thể ăn uống, ngực đau như bị châm chích, vô cùng thống khổ. Rất nhiều thầy thuốc đến xem cho anh ta, cũng không biết rõ là bệnh gì.
Đường đường là đấng nam nhi thân cao 6 thước, nay lại vì không ăn không uống được mà gầy rộc, không còn ra bộ dạng gì nữa. Mấy tháng sau, anh ta nghe nói ở Điện Tiền Ti có một vị thầy thuốc tên Lưu Kinh Lạc, y thuật cao minh, Thịnh Cao liền mời về nhà mình.
Lưu kinh Lạc sau khi xem bệnh nói rằng: “Đây là chứng viêm phổi, không phải bệnh bình thường. Người bình thường không trị được. Huống hồ anh bị bệnh lâu ngày, hiện giờ khó chữa, uống thuốc đã không còn tác dụng. Không ngại thì để ta thử châm cứu”.
Lúc đầu vợ của Thịnh Cao không đồng ý, nhưng anh ta nói: “Ta sống một ngày dài bằng một năm, sống không bằng chết, bao giờ mới kết thúc? Mặc kệ như thế nào, ta đều muốn thử, dù có chết cũng không có gì tiếc nuối”.
Lúc này, Lưu Kinh Lạc lấy ra hai cây kim châm trong hòm thuốc ra, dài chừng một thước, cán kim to như chiếc đũa thô. Một bên đem kim hơ trên lửa nóng, một bên điểm hai huyệt vị trên tay phải và tay trái của người bệnh. Sau đó đem ba đồng xu lớn (tiền xu thời nhà Tống) đặt ở huyệt vị đó.
Trước tiên châm vào huyệt vị ở cánh tay trái, kim đâm sâu vài tấc, nhưng người bệnh lại không có chút cảm giác đau đớn nào. Hai tay bị kim châm nhưng không thấy chảy máu. Ông nói người bệnh cúi đầu về phía trước, rồi vỗ nhẹ vào lưng, một lát sau máu liền chảy ra.
Trước khi rời đi, Lưu Kinh Lạc nói với vợ của Thịnh Cao: “Máu này sẽ tiếp tục chảy trong hai ngày nữa. Đừng lo lắng, đừng cầm máu. Chỉ cần cho anh ta ăn cháo là được”.
Đến ngày thứ 3 Lưu Kinh Lạc lại tới, khi ông nhìn thấy Thịnh Cao thì vui vẻ nói với mọi người: “Độc trong cơ thể đã được loại bỏ, anh ta sẽ bình phục hoàn toàn sau ba đến năm ngày”. Sau đó dán hai miếng thuốc lên vết thương chảy máu, rồi rời đi.
Quả nhiên giống như lời Lưu Kinh Lạc nói, bệnh viêm phổi của Thịnh Cao đã khỏi hẳn và không tái phát nữa.
Sách y học “Thái bình thánh huệ phương” của nhà Tống bình luận như sau: “Viêm phổi là do khí lạnh độc xâm nhập vào phổi lâu ngày không thể đào thải ra ngoài. Bệnh mới phát thì có thể chữa. Tuy nhiên, một khi đã hình thành máu và mủ thì không cách nào chữa khỏi. Lưu Kinh Lạc chỉ dùng hai cây kim có thể chữa khỏi, có thể thấy thuật châm cứu của ông không hề tầm thường”.
Theo Vision Times