Họa từ miệng mà ra: Một câu nói hại chết người khác
Có người nói năng tùy tiện mà không để ý đến tình huống của đối phương, đôi khi chỉ vì những lời nói này mà hại chết người khác.
- Chuyện nhân quả báo ứng chấn động tỉnh Liêu Ninh
- Bệnh tật và nhân quả, câu chuyện có thực xảy ra tại Trung Quốc
Trong cuộc sống hàng ngày, có những người vì một chuyện nhỏ nhặt hay một lời nói mà đánh nhau, thậm chí gây ra cái chết, để lại ân hận cả đời. Người xưa thường nói: “Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng”. Nếu bạn có thể nhẫn nhịn một chút, có lẽ nhiều vấn đề có thể dùng lý trí để giải quyết được.
Một lời nói hại chết 2 mạng người
Trong “Động linh tiểu chí” của Quách Tắc Vân thời kỳ Dân Quốc có kể lại một câu chuyện như sau: Quách Tắc Vân có một người đồng hương tên là Thiệu Tiểu (tự là Hoàng Vệ) tin vào Phật giáo, tuân thủ giới luật và không nói dối.
Thiệu Tiểu kể rằng, trước đây khi anh làm kiểm soát hành chính ngành muối, thì phụng mệnh đến Nam Can Đường để thu thuế đất đai. Sau khi hoàn thành công việc, anh về quê thăm người thân, trên đường luôn đi cùng với cha con họ Trần, người họ Trần này là Cục trưởng hành chính ngành muối. Khi đến Nam Đài, họ vào một quán rượu để ăn uống, tình cờ gặp một thuật sĩ họ Trịnh và cũng mời anh ấy xem tướng.
Người họ Trịnh nhìn cha con họ Trần rồi nói: “Nhìn vào tướng mạo của ngài sẽ có hậu phúc, trong 2 năm tới, ngài có thể nắm giữ quyền lực, con trai ngài cũng rất tốt“. Người họ Trần đã đỗ cử nhân từ sớm, ông từng là Huyện lệnh bổ sung ở Ngô Trung, nhưng cuối cùng vì không thể làm được Huyện lệnh mà vô cùng thất vọng. Sau khi nghe thuật sĩ nói như vậy, trong lòng ông cũng âm thầm vui mừng.
Sau hơn 1 năm, Thiệu Tiểu lại cùng uống rượu với cha con họ Trần tại quán rượu đó. Thiệu Tiểu nói đùa với người họ Trần: “Theo những gì thuật sĩ nói trước đây, bây giờ thời hạn đã đến gần. Nếu ngài trở nên giàu có, đừng quên tôi nhé!”. Cha con họ Trần sau khi nghe xong liền mỉm cười. Lúc này, họ lại nhìn thấy người thuật sĩ họ Trịnh, anh đang dựa vào lan can và nhìn về phía xa. Thế là, họ liền mời anh ngồi xuống và muốn hỏi anh những chuyện đã nói trước đó.
Khi ánh mắt của người họ Trịnh nhìn vào khuôn mặt của cha con họ Trần, anh tỏ vẻ kinh ngạc và nói rằng: “Gần đây ngài có làm hại 2 mạng người trong cục phải không? Tại sao trên mặt của hai cha con ngài lại xuất hiện đường vân tai ương chết đuối như vậy!”.
Người họ Trần nói rằng không hề có chuyện này. Thiệu Tiểu cũng chất vấn ông. Sau một lúc lâu người họ Trần mới nói:“Trong cục xác thực là không có chuyện hại người xảy ra, nhưng trong dòng họ chúng tôi có hai mẹ con chết vì 1 lời nói của tôi. Thế nhưng cũng không thể báo ứng tôi tàn khốc như vậy”. Sau đó, người họ Trần đã kể lại những chuyện đã xảy ra.
Ông nói: “Quê tôi ở phố Can Đương, huyện Trường Lạc. Vì tôi là quan nên được dân làng kính trọng. Trong dòng họ có một đứa cháu bất tài vô dụng. Nó làm trộm cướp để kiếp sống, gần đây đã lấy trộm đồ của tôi. Sau khi tôi trở về nhà, người con trai thứ 2 đã nói với tôi về điều này, người con trai cả đã tập hợp dân làng để bắt nó, tôi mắng nó rằng: ‘Ngay cả đồ của ta cũng trộm, huống chi là những người khác! Nếu không giết hắn, thì nguy hại vô cùng’.
Vì những lời tôi nói mà đêm đó dân làng đã móc mắt nó ra, đây là hình phạt tàn khốc ở làng chúng tôi thường dùng để trừng trị những kẻ ác. Cháu tôi không chịu được đau đớn mà qua đời, người mẹ vì thương con nên thắt cổ tự tử. Tôi tức giận mà lỡ lời, hối hận thì cũng đã quá muộn rồi. Thế nhưng tôi ngay từ đầu không có ý định giết cháu tôi, sao có thể quy tất cả tai họa là do tôi được, lại còn ảnh hưởng đến con trai của tôi!”
Sau khi nghe điều này, người họ Trịnh thở dài, chỉ nói mấy lời an ủi để che đi sự thật. Vài ngày sau, cha con họ Trần quả thực đều bị chết đuối.
Gia đình 4 người của Vương Bảo Nhất bị hại chết chỉ vì lời nói của người hàng xóm
Trong “Hương khúc chi từ” của Du Giao thời nhà Thanh cũng có kể một câu chuyện rằng, Vương Bảo Nhất, sống bằng nghề làm nông. Có một năm hạn hán mất mùa, ngay cả cháo cũng không có để ăn. Lúc đó là giao thừa, cả nhà không có đồ ăn thức uống gì, không biết làm sao để qua khốn cảnh này. Trong nhà chỉ có một vò lớn dùng để đựng gạo, nên Vương Bảo Nhất dắt theo đứa con trai 10 tuổi của mình, dùng một chiếc thuyền nhỏ để chở đi, định bán vò lớn đổi tiền mua ít gạo để sống qua tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên đi hơn 10 dặm mà không có ai hỏi mua.
Sau khi đến một ngôi làng, có một người đàn ông gia đình giàu có đồng ý mua cái vò với giá 300 đồng, và bảo Vương Bảo Nhất sẽ trả tiền cho anh sau khi vò được chuyển đến nhà ông.
Khi anh đến trước cửa nhà phú ông, định khiêng vò vào thì người hàng xóm của phú ông đi sang nói: “Hôm qua tôi thấy có người mua chỉ tốn 200 đồng mà mua 1 vò lớn đựng được 7 thạch gạo. Bây giờ vật giá cao lạ thường, cũng đâu có gấp gáp gì mà phải mua cái này. Hơn nữa, chiếc vò này có vết nứt, có thể hỏng bất cứ lúc nào”. Phú ông nghe xong liền lập tức đổi ý, sau đó đi vào nhà và đóng cửa lại, Vương Bảo Nhất gõ cửa nhiều lần cũng không ai trả lời.
Thấy trời đã tối, Vương Bảo Nhất không biết làm sao, đành phải cùng con trai khiêng vò lên thuyền, không ngờ con trai ông đã sẩy tay khiến cái vò rơi xuống đất và bị vỡ. Vương Bảo Nhất tức giận đến mức nhặt mảnh bình ném vào con trai mình khiến con trai anh tử vong.
Trở về nhà, mẹ và vợ của Vương Bảo Nhất đang dựa vào cửa chờ đợi Vương Bảo Nhất mua gạo nấu cơm. Thấy Vương Bảo Nhất trở về tay không, bèn hỏi: “Vò gạo đã bán được chưa?” Vương Bảo Nhất đáp: “Đã bán rồi”
“Con trai đi đâu rồi?” Vương Bảo Nhất nói: “Nó đang ngủ trên thuyền vẫn chưa tỉnh dậy.” Thấy sắc mặt chồng biến sắc, người vợ vội chạy đến xem thì thấy con trai đã chết và vò gạo đã bị vỡ. Người vợ quá đau lòng đã gieo mình xuống nước tự vẫn. Vương Bảo Nhất cởi đồ nhảy xuống nước cứu, phải một lúc lâu sau anh mới vớt được vợ lên, nhưng người vợ đã không thể cứu được nữa.
Anh không chịu nổi lạnh, liền chạy vào nhà nói mẹ đốt lửa sưởi ấm, nhưng không ai trả lời, anh lại nhìn thấy mẹ mình cũng đã treo cổ tự tử rồi. Mọi chuyện xảy ra quá bất ngờ, Vương Bảo Nhất tuyệt vọng nên đã dùng dao làm bếp cắt vào cổ tự sát. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả 4 người trong gia đình đều chết bất đắc kỳ tử, vô cùng thê thảm. Vậy mà bất hạnh chỉ bắt đầu từ vài lời nói của người hàng xóm.
Lời nói sắc như dao, có thể vô tình làm hại người khác mà không biết, vậy nên phải rất cẩn trọng khi định nói điều gì đó, đặc biệt là những lời phán xét ác ý về người khác thì chớ nên nói ra. Họa từ miệng mà ra, đừng để đến khi hậu quả xảy ra rồi thì có hối hận cũng đã muộn màng.
Theo Sound of hope