Nếu bạn liên tục kiểm tra khóa cửa, khóa van bình gas, tắt bóng điện… trước khi ra ngoài, vậy thì có thể bạn đã bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. 

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder, viết tắt là OCD) là một loại bệnh thuộc về tinh thần, người bệnh sẽ có những hành vi kỳ lạ. Ví dụ như không ngừng rửa tay, liên tục kiểm tra xem cửa đã khóa kỹ chưa… Những hành vi này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian, năng lượng và ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc của họ.

Đồng thời, rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể mang đến nhiều cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, nội tâm bất an, khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu.

Trong thực tế, chúng ta có thể sẽ phát hiện những người xung quanh, hay thậm chí chính bản thân chúng ta cũng có thói quen này. Sau khi đã khóa cửa, bạn sẽ luôn nghĩ lại xem mình đã khóa cửa hay chưa.

Khi bạn đã đi cách nhà được một đoạn rồi nhưng vẫn cứ cảm thấy không yên tâm, vẫn phải nhiều lần xác nhận xem các biện pháp an toàn đã được thực hiện đúng hay chưa.

Trên thực tế, nhiều người biết hành vi của mình là vô nghĩa, trong vô thức đã khóa cửa rồi, không nhất định cứ phải kiểm tra lại, nhưng tại sao họ vẫn có hành vi cưỡng chế này?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một loại rối loạn tinh thần, trong đó người bệnh thường thực hiện một số hành vi lặp đi lặp lại, hoặc suy nghĩ quá mức về một điều gì đó, họ làm như vậy để hóa giải những bất an và lo lắng ở trong lòng.

Trong đó họ liên tục rửa tay, thân thể và các vật phẩm của mình, để loại bỏ đi những vi khuẩn hay vết bẩn trong tưởng tượng. Hoặc liên tục kiểm tra xem mọi thứ đã được thực hiện đúng chưa, chẳng hạn như xem cửa đã được khóa chưa.

Liên tục kiểm tra khóa cửa trước khi ra ngoài, bạn có thể đang bị bệnh
Liên tục rửa tay vì nghĩ tay bị bẩn (ảnh minh họa Adobestock)

Một tình huống nghiêm trọng khác là người bệnh sẽ có những suy nghĩ phi lý, hoang tưởng, dẫn đến trong lòng vô cùng lo lắng, sợ hãi.

Những người mắc chứng OCD trải qua cả hành vi cưỡng chế và chống lại hành vi cưỡng chế. Họ có thể biết rằng hành vi của họ là phi lý hoặc vô nghĩa, nhưng rất khó kiểm soát hành vi của họ, sự mâu thuẫn này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công việc hàng ngày và giao tiếp xã hội của bệnh nhân. 

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế đã tăng lên hàng năm, có khoảng 1 – 2% số người trên toàn thế giới mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế suốt đời. Xu hướng này có thể liên quan đến các yếu tố như tốc độ phát triển ngày càng nhanh của xã hội hiện đại và áp lực gia tăng.

Đặc điểm của người mắc chứng OCD 

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có những đặc điểm sau:

– Người bệnh sẽ có những suy nghĩ hoặc hành vi mất kiểm soát, những điều này không xuất phát từ những kích thích thực tại, mà là do ý thức chủ quan của người bệnh.

– Bệnh nhân sẽ sinh ra tâm lý mâu thuẫn, một mặt muốn ngăn chặn hành vi lặp lại, mặt khác lại khó mà xóa bỏ được nỗi lo lắng và bất an ở trong tâm, vậy nên cứ phải lặp lại hành vi đó.

Những suy nghĩ và xung động này thường sẽ diễn ra trong một thời gian dài, mang lại những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực cho bệnh nhân.

Các giai đoạn phát triển của chứng OCD

Nói chung sẽ có ba giai đoạn trong sự phát triển của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế:

– Giai đoạn tích lũy lo âu

– Giai đoạn suy nghĩ xâm chiếm

– Giai đoạn tăng cường

Liên tục kiểm tra khóa cửa trước khi ra ngoài, bạn có thể đang bị bệnh
(ảnh minh họa Adobestock)

Khi con người gặp phải một số điểm kích động trong cuộc sống hàng ngày thì sẽ khơi dậy sự lo lắng bên trong họ, những điểm khởi đầu này có thể đến từ những trải nghiệm trong quá khứ, không rửa tay và ăn uống, bị cha mẹ khiển trách, v.v.    

Ở giai đoạn này, khi sự trải nghiệm và tích lũy lo lắng đạt đến một mức độ nhất định, con người sẽ cố gắng loại bỏ sự lo lắng này thông qua một số hành vi hoặc nghi thức nhất định.

Những hành vi này thường không liên quan trực tiếp đến xuất phát điểm ban đầu, nhưng chúng được cho là có thể giải quyết vấn đề lo âu.Tuy nhiên, những hành vi và nghi thức thực sự không phải là cách chữa trị chứng lo âu, mà sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng, bất an của người bệnh.

Mặc dù những suy nghĩ và quan niệm trong đầu của bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế không có căn cứ thực tế, nhưng chúng sẽ không ngừng xâm chiếm ý thức của bệnh nhân.

Bạn không thể tìm ra cơ sở hay nguồn gốc, nhưng để giảm bớt lo lắng, bạn chỉ có thể làm điều gì đó lặp đi lặp lại. Bệnh nhân trong giai đoạn này tăng cường các hành vi cưỡng chế mà họ tin là cần thiết nếu không họ sẽ không thể kiểm soát cảm xúc của mình.

Theo thời gian, mức độ tăng cường trở nên nghiêm trọng, đến mức bệnh nhân không thể thoát khỏi sự trói buộc của hành vi cưỡng chế.  

Theo Sound of hope