Chữ Nho (儒) gồm chữ Nhân (人) nghĩa là người, và chữ Nhu (需) nghĩa là cần thiết, tổ hợp thành. Chỉ một chữ này đã nói rõ sứ mệnh của Nho gia: Quy phạm đạo lý làm người, làm người quân tử. Một người quân tử là người có phẩm chất gì?

Đức Khổng Tử – Nhà khai sáng Nho gia

Trước thời Xuân Thu, nhà Nho được gọi là “Sĩ”, chuyên học văn chương và lục nghệ để góp phần trị vì đất nước. Đến Khổng Tử, ông đã hệ thống hóa những tư tưởng và trí thức trước đây thành học thuyết gọi là Nho học hay Nho giáo. Bản thân Khổng Tử không viết sách lập ngôn; những lời ông nói là do các đệ tử đời sau chỉnh lý, ghi chép lại.

Mọi người nói Khổng Tử không đề cập đến ‘quái lực loạn Thần’; cho rằng Khổng Tử không tín Thần. Trên thực tế, không nói không có nghĩa là không tín, chỉ là không nói ra mà thôi! Khổng Tử coi trọng thờ tế tổ tiên, đối với các Thánh vương thượng cổ, ông hiểu rất rõ và vô cùng sùng kính. 

Khổng Tử cũng vô cùng kính ngưỡng đối với đức Lão Tử tu Đạo, làm sao ông không biết sự Thần thông quảng đại của tiền nhân? Nhưng ông biết rõ, Đạo đức con người đã bại hoại nên sẽ không thể phân biệt được rõ sự khác biệt giữa chính Thần và tà linh quỷ quái loạn thần; vì vậy rất dễ lầm đường lạc lối, bước vào đạo tà ma, thậm chí là dùng các thứ thuật loại để làm việc xấu.

Nho gia quy phạm đạo đức con người thế gian

Khổng Tử hiểu rằng con người đã không thể khinh suất khi tiếp xúc với những thứ này, thế là ông giữ im lặng, không luận thuật và cũng không tiếp xúc đến. Đây cũng là sự an bài đã chú định: Chữ Nho (儒) vốn có hàm nghĩa là: Khi đạo đức con người tương lai trượt dốc, giáo dục ở tầng thứ nhân loại này ắt sẽ hình thành lý luận mà ‘con người cần’; Khi đó Nho học chính là thứ mà con người ắt phải cần đến. Còn những thứ của Thần thì không thể khinh suất triển hiện cho con người thấy nữa.

Vì vậy, đức Khổng Tử đã giáng sinh xuống thế gian để hoàn thành sứ mệnh của ông: Quy phạm Đạo đức và tri thức liên quan mà con người cần; từ đó định ra trọng tâm giáo dục và nội dung tài liệu giáo dục cho con người; trở thành nguồn chính thống giáo dục cho hậu thế. Điều này tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên. 

Làm con người nơi thế gian thì phải giữ cho được 'nhân, lễ, nghĩa, trí, tín"
Làm con người nơi thế gian thì phải giữ cho được ‘nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” (ảnh kongzishidiao)

8 câu nói khái quát tinh hoa tư tưởng của Nho gia 

1. Việc học là để làm sáng tỏ phẩm đức cao thượng

“Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ vu chí thiện” – Trích Đại học 

Dịch nghĩa: Mục đích của đại học, ở chỗ làm sáng tỏ phẩm đức cao thượng, khiến mọi người từ bỏ những thói quen cũ, đạt tới cảnh giới cao nhất của Thiện. Người quân tử cần hiểu việc học của mình là mục đích gì.

2. Là người quân tử, phải cẩn trọng khi ở một mình

“Sở vị thành kỳ ý giả, vô tự khi dã, như ác ác xú, như hảo hảo sắc, thử chi vị tự khiêm, cố quân tử tất thận kỳ độc dã” – Trích Đại Học

Dịch nghĩa: Cái gọi là ý niệm thành thực, chính là nói không nên tự lừa gạt chính mình; giống như ghét mùi thối, giống như yêu thích sắc đẹp, cũng giống như yêu chuộng thiện lương; như vậy mới có thể nói là yên dạ yên lòng. Bởi thế người quân tử khi chỉ có một mình thì nhất thiết phải hết sức cẩn thận.

‘Trên đầu ba thước có Thần linh’, con người làm việc xấu đừng tưởng là không ai biết. Người quân tử thì lại càng phải cẩn trọng khi ở một mình. Con người trước sau như một, dù là trước mặt hay sau lưng người khác đều giữ vững thái độ hành vi, đó mới thực là một bậc chính nhân quân tử.

3. Người quân tử phải giữ tâm chân thành

“Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn, cố quân tử tất thành kỳ ý” – Trích Đại học

Dịch nghĩa: Tài phú có thể trang sức cho nhà cửa; đạo đức sửa chữa tâm và thân mình, lòng dạ khoan dung rộng rãi có thể khiến tâm và thân thể thảnh thơi thanh thản, thoải mái. Cho nên người quân tử nhất định phải làm cho ý niệm mình được chân thành.

4. Yêu ghét phân minh, xấu tốt phân định rõ ràng

“Nhân mạc tri kỳ tử chi ác, mạc tri kỳ miêu chi thạc” – Trích Đại học.

Dịch nghĩa: Người ta không có ai biết được điểm xấu của con mình; không có ai biết được lúa má trong đám ruộng nhà mình là tốt tươi.

Chính là vì con người ta đối với những người thân yêu của mình thường có sự thiên lệch; đối với những người mình kính sợ thường có sự nể nang; đối với những người mình thương xót thường có sự thương cảm; đối với những người mình coi thường thì sẽ có định kiến. Cho nên yêu thích ai mà thấy được chỗ xấu của người ấy; ghét bỏ ai mà thấy được chỗ tốt của người ấy, là điều hiếm có trong thiên hạ vậy.

Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác
Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác (ảnh noteos)

5. Là người quân tử, phải tự mình làm gương

“Quân tử hữu chư dĩ, nhi hậu cầu chư nhân” – trích Đại học.

Dịch nghĩa: Người quân tử đều là tự mình làm được, rồi sau mới yêu cầu người khác làm.

6. Đạt mức trung hòa, trời đất tự an ổn

“Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi trung, phát nhi giai trung tiết, vị chi hòa. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” – Trích Trung dung.

Dịch nghĩa: Những cảm xúc hỉ nộ ai lạc không được biểu hiện ra, gọi là trung; biểu hiện ở mức độ thích hợp, gọi là hòa. Đạt đến mức độ trung hòa, trời đất tất tự ở vị trí của mình; vạn vật cũng vì thế mà sinh trưởng.

7. Luôn suy nghĩ cho người khác

“Thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi vu nhân” – trích Trung dung

Dịch nghĩa: Việc không muốn người khác làm cho mình thì chớ làm cho người.

Trước khi làm việc gì đều tự đặt mình vào vị trí của người khác; để xem nếu là mình thì có chịu được không, có bị thương tổn gì không; cũng chính là luôn biết suy nghĩ cho người khác, như vậy thì trong giao tiếp giữa người với người sẽ không dễ mà xảy ra mâu thuẫn.

8. Từng bước sửa mình để trở thành người nhân đức

“Hảo học cận hồ tri, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng hồ” – trích Trung dung 

Dịch nghĩa: Ham học thì gần trí tuệ, nỗ lực hành thiện thì gần nhân đức; biết ô nhục thì gần dũng cảm.

Theo Secret China