Bậc quân tử phẩm đức cao thượng, không vì tình cảm cá nhân mà để ảnh hưởng đến việc chung, gạt bỏ vị tư tiến cử hiền tài cho đất nước.

Tiêu chuẩn tiến cử hiền tài của Lý Khắc

Đương thời, khi Quốc vương Ngụy Văn Hầu muốn lựa chọn Tể tướng, có hai ứng cử viên tên là Ngụy Thành và Địch Hoàng. Ngụy Văn Hầu nhất thời không thể đưa ra quyết định, bèn mời Đại tướng quân Lý Khắc đến bàn bạc, cùng nhau tuyển chọn một người.

Quân tử tiến cử hiền tài
Giữa hai bậc hiền tài, Ngụy Văn Hầu không thể đưa ra quyết định chọn ai làm Tể Tướng (ảnh minh họa Vandieuhay)

Ngụy Văn Hầu nói ra những chỗ khó của bản thân, Lý Khắc liền nói: “Thuộc hạ không tham gia vào việc của cấp trên, người ngoài không nên hỏi đến việc bên trong. Thần đảm nhiệm chức vụ bên ngoài triều đình, không dám bàn chuyện triều chính”. 

Sau khi Ngụy Văn Hầu không ngừng thỉnh cầu, Lý Khắc mới giải thích 5 nguyên tắc đánh giá nhân cách của một người, đó là: Khi bình thường thì xem người đó thân cận ai; Khi phú quý thì xem người đó học theo cái gì; Khi hiển hách thì xem người đó tiến cử ai; Khi lâm vào khốn cảnh thì xem người đó không làm cái gì; Khi nghèo hèn thì xem người đó không lấy cái gì. Từ 5 điều này này là đủ để đánh giá nhân cách cao thấp của một người. 

Lý Khắc không chỉ ra rõ ràng ai là người phù hợp hơn. 

Ngụy Văn Hầu nghe xong những lời của Lý Khác, trầm ngâm một lát rồi nói: “Mời tướng quân trở về phủ nghỉ ngơi, ta đã chọn được Tể tướng rồi”.

Lý Khắc bàn luận với Địch Hoàng xem ai xứng đáng làm Tể tướng

Trên đường trở về, Lý Khắc gặp Địch Hoàng. Địch Hoàng hỏi ông, “Quốc vương đã quyết định lựa chọn ai là Tể tướng chưa?” 

Lý Khắc nói: “Là Ngụy Thành”.

Địch Hoàng nghe vậy, sắc mặt lập tức thay đổi, tức giận nói: “Tôi từng tiến cử 5 vị Thần tướng với Quốc vương, trong đó có cả ông, Lý Khắc. Tôi làm sao có thể kém hơn Ngụy Thành chứ?”

Lý Khắc chậm rãi nói: “Ngài tiến cử tôi với Quốc vương, chẳng lẽ là vì muốn kết bè kết cánh để mưu cầu quan cao hiển hách sao? Hôm nay Quốc vương hỏi tôi ai nên làm Tể tướng, tôi chỉ nói một số nguyên tắc, chứ không nêu đích danh bất cứ người nào.

Sở dĩ tôi suy đoán Quốc vương sẽ chọn Ngụy Thành làm Tể tướng là bởi vì: Ngụy Thành tuy có rất nhiều bổng lộc, nhưng lấy ra 9 phần dùng để kết giao với hiền sĩ bên ngoài, còn lại 1 phần dùng cho bản thân. Do đó, Quốc vương đã có được những nhân tài như Bốc Tử Hạ, Điền Tử Phương và Đoàn Can Mộc. Ba người này được Quốc vương coi như bậc thầy. Còn 5 người mà ngài đề cập đều được Quốc vương bổ nhiệm làm bề tôi. Chỉ riêng điểm này, ngài sao có thể so sánh với Ngụy Thành? ” 

Sau khi nghe điều này, Địch Hoàng cẩn thận suy xét và cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Ông liên tục xin lỗi Lý Khắc và nói: “Tôi là một người khiếm nhã, những gì tôi nói vừa rồi thật là thất lễ! Tôi xin bái ngài làm thầy cả đời!” 

Phẩm đức của bậc quân tử

Sở dĩ Địch Hoàng rất không hài lòng với Lý Khắc là vì cho rằng Lý Khắc đã tiến cử người khác làm Tể tướng trước mặt Ngụy Văn Hầu. Địch Hoàng cho rằng, bản thân ông đã tích cực tiến cử nhân tài cho Ngụy Văn Hầu, bao gồm cả Lý Khắc. Vì vậy Lý Khắc có thể có được địa vị cao như vậy toàn bộ là nhờ sự tiến cử của Địch Hoàng. Nhưng Lý Khắc tại sao không muốn báo đáp lòng tốt của người tiến cử mình trước kia? Lại nói giúp đối thủ cạnh tranh của Địch Hoàng là Ngụy Thành?

Quân tử tiến cử hiền tài
(ảnh minh họa cafef)

Kỳ thực, Lý Khắc xuất phát từ chí công vô tư, chẳng qua là dưới sự yêu cầu mạnh mẽ của Ngụy Văn Hầu mà nói ra những tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách cao thấp, cũng không nói cho Ngụy Văn Hầu biết ai nên làm Tể tướng. Tuy nhiên, Địch Hoàng lại nhận định rằng Lý Khắc chắc chắn đã ca ngợi Ngụy Thành và nói xấu mình trước mặt Ngụy Văn Hầu. Đây là lý do thực sự khiến Địch Hoàng tức giận. Khi biết được chân tướng sự tình, ông liền chân thành xin lỗi Lý Khắc. 

Phải nói rằng, Địch Hoàng, Ngụy Thành và Lý Khắc đều có thể được xem là bậc quân tử. Lý Khắc khi tiến cử người thì vô cùng công tâm, đây quả thực là hiếm thấy. Ngụy Thành đã sử dụng phần lớn bổng lộc của bản thân để kết giao với hiền sĩ, đây là người thực sự có tấm lòng nhân từ. Địch Hoàng tuy có tư tâm, nhưng rất hiểu đại nghĩa, biết sửa sai, khi ông đã nói rằng: “Tôi xin bái ngài làm thầy cả đời!”, thật trang nghiêm, cung kính và cảm động làm sao! Vì thế, Địch Hoàng cũng là một bậc quân tử.

Theo Vision Times