Rửa oan cho cao tăng, vị quan được Thần linh bảo hộ
Vị quan thanh liêm kiên quyết chấp pháp công bằng, đòi lại công lý cho vị cao tăng bị vu oan, cuối cùng lại được Thần linh bảo hộ thoát khỏi nguy nan.
- Nhân quả báo ứng: Vị quan thanh bần vì sao lại đoản mệnh?
- Nhân quả báo ứng: Vì một lần vô lễ với Đức Phật, chịu quả báo ma đói 9 vạn năm
Nội dung chính
Cao tăng bị người khác hãm hại
Vào thời Võ Tắc Thiên (nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử trung hoa) triều đại nhà Đường, hòa thượng Tịnh Mãn trong chùa Lộc Tuyền ở Hằng Châu rất tuân thủ giới luật, phẩm hạnh cao thượng. Ai ngờ việc này lại làm cho phần đông hòa thượng lười biếng ở trong chùa gièm pha. Họ cảm thấy như đó là cái gai trong mắt. Họ cho rằng hòa thượng Tịnh Mãn như vậy thì họ sao có thể nổi danh được nữa; sao có thể được người khác cúng dường nữa. Hơn nữa họ nghĩ, chẳng lẽ tất cả hòa thượng trong chùa đều phải tu khổ hạnh giống như hòa thượng Tịnh Mãn hay sao?
Vì lòng ghen ghét này, họ quyết định phải diệt trừ hòa thượng Tịnh Mãn. Họ muốn làm cho ông mất hết danh dự; như vậy thì họ mới giải được mối hận trong lòng.
Người xưa cho rằng ‘trong vạn điều ác thì dâm là đứng đầu’; hòa thượng mà phạm sắc giới thì chính là điều dơ bẩn nhất. Mấy hòa thượng ác độc này cũng biết điều đó, vì vậy mà dày công tạo ra ‘vật chứng’: Họ lén mang một bức tranh giấu vào tủ đựng kinh sách trong phòng của hòa thượng Tịnh Mãn. Bức tranh vẽ một thiếu nữ ở trên lầu ánh mắt đa tình, hòa thượng Tịnh Mãn thì ở dưới lầu mê đắm giương cung bắn tên. ‘Chứng cứ’ này cho thấy hòa thượng Tịnh Mãn đang viết thư tình để dụ dỗ con gái nhà lành.
Ngụy tạo bằng chứng, vu oan giá họa
Tiếp theo họ lại bịa đặt ra ‘nhân chứng’: Họ xúi giục một đồ đệ bất tài đến triều đình hãm hại Tịnh Mãn. Người đồ đệ này tự xưng là rất thân thiết với Tịnh Mãn, có thể tiết lộ ‘ẩn tình gian dâm với phụ nữ’ của Tịnh Mãn.
Sau khi Võ Tắc Thiên nhận được ‘tin báo’ thì giận tím mặt, lập tức bắt giam Tịnh Mãn vào ngục; cũng ra lệnh cho ngự sử Bùi Hoài Cổ phụ trách vụ án này.
Sau khi điều tra vụ án thì Bùi Hoài Cổ phát hiện ra Tịnh Mãn bị người ta vu oan giá họa, nên quyết định thả Tịnh Mãn ra; đồng thời trừng trị những hòa thượng hãm hại Tịnh Mãn. Võ Tắc Thiên sau khi nghe kết quả phán quyết của Bùi Hoài Cổ thì vừa sợ vừa giận, sắc mặt biến đổi. Bà không ngờ kết quả phán quyết lại vượt ngoài suy đoán của mình. Võ Tắc Thiên đã nghiêm nghị trách cứ Bùi Hoài Cổ là chấp pháp bất công, buông tha cho tội phạm; lệnh cho vệ sĩ giam ông vào ngục để trị tội.
Vị quan thanh liêm kiên quyết chấp pháp công bằng
Bùi Hoài Cổ vẫn kiên quyết giữ kết quả phán quyết của mình mà không chịu sửa đổi. Lý Chiêu Đức đứng ở gần liền đó liền bước ra hòa giải: “Tiểu thần cho rằng Bùi Hoài Cổ thẩm tra vụ án cẩu thả, xin bệ hạ lệnh cho ông ta phúc thẩm”.
Bùi Hoài Cổ tức giận lớn tiếng nói: “Bệ hạ ban bố pháp luật không có phân biệt thân sơ; trong khắp thiên hạ đều nên theo một tiêu chuẩn đồng nhất. Bệ hạ vì sao lại ép thần phải giết người vô tội; như vậy thì chẳng phải là đi ngược lại với pháp luật mà bệ hạ đã ban hành hay sao? Giả sử Tịnh Mãn thực sự có hành vi vi phạm pháp luật, thì thần làm sao có thể tha cho ông ta được.
Tiểu thần căn cứ theo pháp luật công bình mà chấp pháp, chỉ mong không có oan uổng cho người tốt, không lạm dụng pháp luật. Cho dù gặp phải họa sát thân thì thần cũng sẽ không hối hận!”
Võ Tắc Thiên lúc này đã hiểu ra, liền tha cho Bùi Hoài Cổ.
Trong mộng được Thần linh chỉ điểm
Bùi Hoài Cổ về sau đảm nhiệm chức phó sứ của Diêm Tri Vi, ông đi sứ đến Đột Quyết (dân tộc thiểu số thời cổ) để hòa hiếu kết giao. Người Đột Quyết đã bắt cóc sứ giả, ép Diêm Tri Vi làm ‘Nam Diện Khả hãn’, lại bức bách Bùi Hoài Cổ phải tiếp nhận ngụy chức (chức vị không hợp pháp).
Bùi Hoài Cổ không chịu đầu hàng, ông nói rằng: “Vì cầu được sống mà hủy hoại danh tiết, chi bằng giữ lòng trung thành mà chết. Hãy cứ chém đầu ta đi”. Người Đột Quyết không giết Bùi Hoài Cổ mà cầm tù ở trong quân.
Khi người Đột Quyết xuôi xuống phía Nam xâm lấn Triệu Châu, Định Châu, thì Bùi Hoài Cổ thừa cơ trốn thoát. Nhưng mà do gần đây cơ thể của Bùi Hoài Cổ suy yếu nên không cưỡi ngựa được, cứ đi bộ thế này thì sẽ nhanh chóng bị quân lính bắt kịp. Bùi Hoài Cổ liền cung kính hướng lên trời cầu nguyện, chỉ mong mình có thể được chết ở phía Nam của Đại Đường.
Bùi Hoài Cổ sức cùng lực kiệt và nằm ngủ gục ở trên đường. Trong mơ thì gặp một vị tăng nhân nhìn giống như là Tịnh Mãn. Người này nói với ông rằng: “Có thể đi theo con đường này”. Bùi Hoài Cổ sau khi tỉnh lại, cứ theo như đường được chỉ ở trong mộng để đi; tránh được con đường lớn mà quân lính đuổi theo. Sau quãng đường vất vả đi dọc khe núi thì cuối cùng cũng đến được biên giới Tinh Châu.
Người thiện lương sẽ được Thần linh bảo hộ
Lúc ấy Trường sử (tên chức quan) Tinh Châu là Võ Trọng Quy phóng túng cho binh lính tùy tiện sát nhân, giả mạo chiến công để lĩnh thưởng. Đội tuần tra nhìn thấy Bùi Hoài Cổ đi đến thì vội vàng bắt lấy. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy thì bỗng có một binh sĩ hô lớn: “Đây chẳng phải là ngự sử Bùi hay sao?” Bùi Hoài Cổ nhờ vậy mà thoát nạn trở về được Đại Đường.
Bùi Hoài Cổ gặp đại nạn mà có thể bình yên vô sự. Người thời ấy cho rằng, đây là nhờ Bùi Hoài Cổ đã giữ vững tiết tháo, hơn nữa còn tẩy oan cho hòa thượng Tịnh Mãn, nhờ vậy nên mới được Thần linh bảo hộ. Chuyện này đã được chép trong “Cựu Đường Thư” quyển 190 và “Tân Đường Thư”.
‘Chỉ cần sống tốt trời xanh tự có an bài’, người dám đứng lên bảo vệ chính nghĩa thì rồi lại được Thần linh bảo hộ, gặp nạn mà vẫn bình an.
Theo Vision Times