Năm 59 tuổi, bà Lương mắc bệnh lạ, người teo rút, co quắp một bên thân. Bệnh ấy người ta hay bảo chỉ còn mong Trời Phật thương thôi. Vậy mà có Trời Phật giúp thật! Bà khỏi bệnh, rồi cuộc đời rẽ sang trang mới: Về nối nghề làm mắm, thứ nước mắm cốt đượm hồn của biển ‘nếm ba thìa đã say” cho đến tận giờ.

Dáng người dong dỏng, nhanh nhẹn, hay cười, bà Cao Thị Lương (số nhà 12B Bế Văn Đàn, phường Trường Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa) trông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi tự giới thiệu “tôi sinh năm Ất Mùi, 1955”. Cùng có mặt, anh Hưng con trai bà, cũng là người hay chuyện, kể: “Mẹ em về vui thú điền viên, quay lại giữ nghề truyền thống muộn. Chứ nghề làm nước mắm gia đình được truyền lại từ lâu lắm…”

Bà Lương (bên trái) với câu chuyện về nghề làm nước mắm gia truyền (ảnh: Nguyện Ước).

Thoạt nghe mấy từ “vui thú điền viên, giữ nghề”, thấy nhẹ tênh! Nhưng rồi ngồi thêm với hai mẹ con anh, khi câu chuyện trong cái sân thoáng đãng bình dị lẫn chút phong lưu đã đến hồi sâu lắng, mới thấy để quay lại bảo tồn cái nghề quý ấy, bà Lương nước mắm cũng phải qua lắm nỗi đoạn trường.

Khi người chẳng chọn nghề

Câu chuyện của hai mẹ con bà đưa thời gian trở lại quãng 60 năm trước. Sầm Sơn khi ấy có những gia đình làm nghề mắm gia truyền, tuy thương hiệu không ồn ã đến độ trứ danh, nhưng nước mắm họ làm ra đã mang theo phong vị xứng là đặc sản quê hương. Bà Lương đến giờ vẫn còn nhớ rõ những mẻ ướp cá thủ công mà cụ thân sinh ra bà ‘chăm’ những năm 1960 ấy. Thấy con gái thích nghề, ông cụ dặn ‘nghề này cần thật thà, chỉn chu, thì mới làm ra nước mắm được thuần chất’.

Bí quyết chăm mắm của bà Lương được truyền lại từ ông cụ thân sinh và bà cô ruột (bên chồng).

Ông cụ vốn tài hoa, lại say nghề tổ truyền, nhưng phải tội biết nhiều nghề quá. Ở đời, biết nhiều thứ quá, vùng vẫy quá có khi cũng thành một thứ tội nợ, nên ông chẳng thể đạt đến cái chí nguyện ‘nhất thân vinh” trọn vẹn với một nghề. Đó là chuyện cụ thân sinh. Bên nhà chồng bà cũng có nghề. Bà cô ruột sở hữu bí quyết nghề mắm. Thời còn sung sức bà đã đem cái bí quyết và sự đam mê với nghề vào tận trong Phan Thiết, gây dựng được lò mắm ngon nức tiếng cấp cho cả Nha Trang đến Sài Gòn. Rồi cũng chính người cô ấy, sau năm 1975, đã trở ra Thanh Hóa đem những tinh hoa trong nghề truyền cho bà Lương.

Tưởng như hội đủ lòng đam mê và bí kíp làm nghề, bà Lương sẽ thành người kế tục. Nhưng cũng giống cụ thân sinh, thông minh lại thạo, thành ra đời bà cũng bươn chải lắm phen. Bà chọn đi buôn. Tính hào phóng, lại giao thiệp rộng, bà được nhiều bạn hàng quý, việc kinh doanh cũng theo đó mà thuận lợi. Đỉnh điểm đầu những năm 2000, nghề ốc mỹ nghệ đạt đến thời thịnh, mỗi chuyến hàng nhập về bà lãi vài ba chục triệu. Lãi lớn thì ham, lại thêm gánh nặng lo kinh tế cho cả nhà, bà cứ kinh doanh mà chẳng tính đến ngày dừng.

Sóng to ập đến

Thực ra, những người  sinh ra trong nhà làm nghề sẽ chẳng bao giờ bạc bẽo đến độ không xót xa nếu thấy nghề gia truyền thất lạc. Bỏ nghề, bà Lương cũng tiếc lắm. Ngay đến anh Hưng, dù không giàu ký ức như mẹ, nhưng ấn tượng về những mẻ mắm ngoại làm khi anh còn lũn cũn cũng khiến anh thao thiết.

“Em vẫn còn nhớ lần đầu tiên được nếm mắm ông ngoại làm. Nếm một thìa, hai thìa, rồi đến thìa thứ ba thì say nước mắm. Hương vị của nó, hoàn cảnh đó nó khắc sâu trong em như một ký ức tuổi thơ đẹp”.

Tưởng như nghề sẽ thất truyền, thì một việc xảy đến làm thay đổi mọi tính toán. Bắt đầu từ cú đánh của số phận giáng xuống bà Lương khiến bà tê liệt, đúng theo nghĩa đen. Bà kể, năm ấy 59 tuổi, sau một trận ốm thì bị liệt nửa thân. Các gân cơ co rút lại, mặt nhăn nhúm biến dạng, người đau nhức kinh khủng cả ngày lẫn đêm không ngủ được. Từ một người nhanh nhẹn hoạt bát, bà thành phế nhân lử khử co rúm ngồi nhà. Cố lết đi các nơi khám chữa, được phát thuốc, nhưng về uống mãi không đỡ.

Cái bệnh ấy, người ngoa miệng sẽ bảo bị Giời (Trời) hành, đến y học hiện đại cũng bó tay. Muốn khỏi thì chỉ mong Trời Phật thương thôi. Nhưng biết Giời Phật ở đâu để mà kêu?!

Lúc ấy, con trai bà đang tu luyện Pháp Luân Công, giục: Mẹ luyện đi, đây là Phật Pháp, tốt lắm. Bà kể, lúc đó cũng chưa hiểu Pháp Luân Công với Phật Pháp là gì. Nhưng được cái từ bé bà không thuộc dạng người cố chấp hay định kiến hẹp hòi.

Có lẽ, cũng nhờ sự dễ tin thuần chất còn giữ, nên dù chưa hiểu lắm, bà vẫn tin Pháp Luân Công là tốt. Thế là bà vào học. Đọc sách của thầy Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Công), rồi luyện công; bà không ngờ thân thể của bà chuyển biến kỳ diệu thế!

Kể ra thì như chuyện cổ tích. Bà bảo, hàng ngày luyện công xong, đến đêm nằm thấy thấy toàn thân giống như có điện xung, cứ giật từ mắt xuống tay, rồi cả cơ thể giật giật theo. Người bà đang từ co rút cứng đơ, giờ cơ thể giãn ra như dây cao su. Cánh tay bị liệt đã cử động được. Chỉ một thời gian ngắn tu luyện Pháp Luân Công, bà đã đi lại được, rồi khỏe mạnh bình thường. Không chỉ thoát liệt, các chứng bệnh trước kia như sợ lạnh, sợ gió cũng biến mất. Kể từ đó, đã 10 năm qua, bà khỏe mạnh mà không cần uống thuốc hay đi viện.

Bệnh thì khỏi, nhưng nó đem đến một sự chuyển biến lớn trong tâm. Vốn đang đi buôn, đùng một cái ngã bệnh, lộ trình cuộc đời đứt phăng trước mắt. Lúc yếu đau ngồi một chỗ, người ta hay hoài niệm. Bà nhớ, thương, và tiếc lắm cái nghề làm nước mắm đã gắn bó suốt thời thơ ấu. Bà ước, nếu Trời Phật còn thương cho mình sức khỏe trở lại, bà sẽ vui thú điền viên và nối lại nghề xưa.

Trở lại nghề cũ

Sức khỏe ổn định, bà quyết định dừng việc kinh doanh. Bà bắt đầu đi mua chum, chọn nơi đổ cá tươi chất lượng và nguyên liệu tốt làm nước mắm v.v để dựng dão lại nghề. Bí quyết làm mắm ngon thì bà đã được truyền, sức khỏe cũng đủ tốt để ngày ngày chăm mắm; nhưng có điều bà vẫn phân vân: Giờ mình là người tu luyện Pháp Luân Công, làm gì cũng cần phải theo Chân Thiện Nhẫn. Thế thì giờ làm nước mắm như thế nào cho tốt?

Bà nhớ ra, không riêng nhà mình, mà trong vùng cũng còn có những gia đình làm ra thứ nước mắm gia truyền ngon tuyệt. Nước mắm mỗi nhà mỗi vị, không thể nói là ai hơn ai được, mà tùy theo khẩu vị mỗi dạng thực khách rồi thành đặc sản. Nghĩa là, cái ‘ngon’ của mỗi dòng nước mắm cũng đa dạng và khác nhau nhiều. Nhưng cái nguyên lý cơ bản để tạo ra sản phẩm chất lượng, thì chẳng phải vẫn chung quy tắc là gì?

Chẳng phải cá làm mắm ngon đều phải chọn cá tươi, không qua tẩm ủ hóa chất hay ướp đá. Ủ cá tươi thì chỉ tháng trước tháng sau là cá đã rã, thân ra thân, xương ra xương nên mắm có vị ngọt tự nhiên. Nếu làm không chân chính, tham lợi mà chọn cá ướp đá cho rẻ, thì nước mắm sẽ có vị đắng, ai sành ăn sẽ thấy ngay. 

Một mẻ nước mắm ngon cũng cần lòng thiện; làm cho người khác ăn cũng giống như để bản thân và con cháu mình ăn. Giả dối sao đành? Rồi thì cái cơ cực vất vả để chăm một vại mắm cũng thật nhiều. Phải làm thính, phơi mắm, rồi bảo quản qua trăm nắng trăm mưa; sáng mở, tối đậy; nước nóng quá không được, cạn quá thì cũng hỏng. Toàn là những việc thủ công, ai không nhẫn, khó bề làm được. Đấy còn là chưa nói đến cái nhẫn khó hơn, khi thấy thiên hạ chạy theo thị trường, làm hàng kém chất lượng bán giá cao mà mình vẫn vững lòng làm hàng thật.

Như thế, làm ra được nước mắm ngon, chẳng phải đều cần đến Chân Thiện Nhẫn là gì! Bà Lương minh bạch ra, chỉ cần chiểu theo Đại Pháp Chân Thiện Nhẫn mà làm, thì việc nào cũng sẽ được ngay chính.

‘Xác định vậy, cái tâm tôi không nghĩ nặng việc kinh doanh nữa. Tôi chỉ muốn làm ra thứ nước mắm tốt để nhà ăn và bán cho những khách đã ăn quen vị’, bà kể. Cứ ‘tùy kỳ tự nhiên’, khi chỉ chú ý làm mắm ngon, chẳng quảng cáo; vậy mà người đến tìm mua nước mắm của bà ngày càng tấp nập. Song, bà cũng chẳng còn toan tính nhiều đến chuyện lãi lời.

“Tôi học Pháp hiểu ra cái gì của mình thì là của mình, còn nếu không phải của mình thì cố tranh giành cũng không được”, bà kể.

Hàng ngày chăm mắm, trong đó có việc phơi và vớt những lớp mỡ cá để đảm bảo thứ nước mắm thành phẩm phải thật thuần chất, giữ được vị truyền thống.

Chị Hậu, cô con gái út của bà, bảo, từ ngày tu luyện, không chỉ việc làm mắm, mà với mọi việc bà đều coi nhẹ vấn đề lợi ích thiết thân hay tiền bạc. 

Chị kể, mẹ mình có phần trong mảnh đất 600m vuông bị thành phố thu hồi. Những người có tên đều được nhận tiền đền bù, nhưng phải ‘chạy cửa sau’. Riêng phần mình, bà buông bỏ khoản đền bù tiền tỷ đó, vì không muốn việc ‘chạy cửa sau’ sẽ tạo nghiệp cho chính bản thân và những người có quyền chức.

Niềm vui mỗi ngày

Giờ đây, mỗi ngày với bà Lương tràn đầy năng lượng. Ngoài việc chăm mắm, bà dành thời gian học Pháp, luyện công cũng như giúp việc nhà cho con cháu. 

 “Tôi cảm thấy thân thể nhẹ nhàng như độ bốn mươi tuổi vậy”, người phụ nữ 68 tuổi kể.

Một ngày của bà bắt đầu từ 3h30 sáng, khi đến tham gia luyện công chung ngoài bãi biển. Điểm luyện công này được mọi người tạo dựng từ nhiều năm và đến tập rất đều. 

“Tôi chưa phải là người cao tuổi nhất ở đó đâu. Có một bà cụ 85 tuổi, ngày chưa tu luyện gọi là xác chết sống dậy, uống thuốc thay cơm.

Thế mà cụ tu luyện 7 năm nay, từ đó không thuốc không thang, không bệnh viện, đều đặn từ 3 giờ sáng ra bãi biển luyện công. Cụ đi luyện rất đều; và tham gia học Pháp chung cũng rất đầy đủ”, bà kể.

Học Pháp, luyện công hàng ngày giúp bà Lương có nhiều năng lượng để duy trì nghề làm nước mắm gia truyền cũng như chăm sóc con cháu; giúp đỡ mọi người biến đến môn tu luyện Pháp Luân Công.

Thấy mẹ không chỉ có sức khỏe dẻo dai để hàng ngày chăm những mẻ mắm mang đậm hồn cốt vị biển quê hương, các con của bà Lương cũng mừng vì mẹ mình tâm tính chuyển biến nhiều.

“Bà ngoại từ lúc tu luyện dễ tính hơn nhiều, làm hòa khí cả nhà tăng lên, thoải mái hẳn’, chị Hậu đùa.

Nước mắm càng ngày càng đậm đà, còn người làm ra nó càng ngày càng điềm đạm. Thế nên, những người đã quen bà Lương tròm trèm cỡ ba chục năm qua như cô Lê Hương (ở Sầm Sơn) cũng ngạc nhiên nhận xét: “Xưa bác nóng tính, nói nhiều, gặp chuyện thì giải quyết mạnh mẽ lắm. Nay thì bác ấy đã tốt hơn xưa nhiều lắm rồi!”