Truyện dân gian Ấn Độ: Giữ tâm thanh tỉnh để nhìn nhận vấn đề
2 câu truyện dân gian Ấn độ về sức mạnh của tin đồn và sự vội vàng khi không đủ tĩnh tâm quan sát toàn cảnh để lại một bài học quý giá.
Xin chia sẻ tới bạn đọc hai câu chuyện dân gian của Ấn Độ. Câu chuyện đầu tiên được lấy từ tập truyện Jataka – tuyển tập truyện nổi tiếng về đức hạnh của Đức Phật Gautama trong tiền kiếp. Câu chuyện thứ hai xuất phát từ Panchatantra, một tuyển tập truyện ngụ ngôn cổ xưa của Ấn Độ.
Sức mạnh của tin đồn
Ngày xưa, có một chú thỏ rừng đang nghỉ ngơi dưới bóng cây đa mát mẻ. Đột nhiên, một ý nghĩ xuất hiện trong đầu nó: “Mình sẽ ra sao nếu Trái đất vỡ tan thành từng mảnh?”
Khi nó đang suy nghĩ tìm câu trả lời, một tiếng động ầm ầm vang lên trong không trung, khiến con thỏ nhảy dựng lên vì sợ hãi.
“Nó đang xảy ra, Trái đất đang tan vỡ!” Con thỏ hét lên và chạy đi một cách điên cuồng như muốn giành lấy mạng sống.
Hoảng sợ trước tiếng kêu của thỏ rừng, những con thỏ khác cũng bắt đầu tán loạn chạy theo nó. Hàng ngàn con thỏ rừng thi nhau chạy trong rừng. Đúng là một tai họa được gieo rắc bằng trí tưởng tượng.
Trâu báo cho voi, voi báo cho hổ, hổ nói cho khỉ. Chẳng bao lâu sau, sự hoảng loạn bao trùm toàn bộ khu rừng.
Lúc đó, sư tử đang đứng trên đỉnh đồi, chứng kiến cảnh tượng này, nó lao tới ngăn cản đám đông đang hoảng loạn.
“Có chuyện gì vậy?!” Nó gầm lên một tiếng khiến tất cả phải im lặng trước sự hiện diện đầy quyền uy.
“Trái đất đang vỡ thành từng mảnh!” Một con vẹt nhanh nhảu đáp.
Sư tử hỏi nó: “Không có dấu hiệu nào cho thấy Trái đất đang sụp đổ, làm sao các ngươi lại đi đến kết luận như vậy”.
Những con khỉ nói rằng hổ đã báo cho chúng, hổ lại nói rằng chúng đã được voi truyền tin, voi lại chỉ sang trâu. Hết loài này đến loài khác, các loài động vật cuối cùng cũng truy ra được kẻ đã tung tin đồn: đó chính là thỏ rừng.
Khi hổ hỏi thỏ tại sao lại nói trái đất đang vỡ ra, thỏ trả lời rằng chính tai nó đã nghe thấy âm thanh vỡ vụn. Sau khi điều tra, sư tử phát hiện âm thanh ầm ầm đó là do một quả dừa to rơi xuống đống đá và gây ra một vụ lở đất nhỏ.
Vô số loài động vật cảm thấy xấu hổ vì đã mù quáng tin vào lời đồn đại. Sư tử đã cho chúng một lời khuyên chân thành: “Đừng bao giờ tin, và đừng vội phản ứng với một tin đồn mà không kiểm tra tính xác thực của nó trước.”
Cầy Mangut dũng cảm nhưng bị hiểu lầm
Ngày xưa, ở một ngôi làng Ấn Độ, có hai vợ chồng người Bà La Môn, họ đều là những người rất sùng đạo và tín Thần. Cặp đôi sống rất hạnh phúc và có với nhau một bé trai kháu khỉnh.
Một ngày nọ, người chồng chợt nghĩ đến việc mua thú cưng cho con trai – một con vật trung thành không chỉ bảo vệ đứa trẻ mà còn là người bạn đồng hành với nó. Sau khi chia sẻ suy nghĩ này với vợ, cô cũng đồng ý với ý kiến này.
Hôm sau, người chồng đã đi khắp làng để tìm kiếm một con thú cưng cho cậu bé. Cuối ngày, người chồng trở về nhà với một con cầy mangut trên tay. Người vợ có phần ngạc nhiên trước sự lựa chọn kỳ quặc này của chồng, nhưng cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó như một thành viên trong gia đình.
Một hôm, vợ chồng họ phải đi làm việc ngoài đồng cả ngày. Họ hơi do dự vì đây là lần đầu tiên họ giao con mình cho chú cầy mangut. Tuy nhiên, họ rất sùng đạo và sau khi cầu nguyện với Thần, họ yên lòng rời đi.
Ngay sau khi họ rời đi, một con rắn hổ mang khổng lồ bò vào nhà. Chú cầy mangut quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của mình. Nó đứng trước chiếc nôi để đối mặt với sự tấn công của con rắn. Con rắn dù rất to, nhưng cầy mangut lại vô cùng nhanh nhẹn. Sau cuộc chiến dữ dội, con cầy trung thành đã giành chiến thắng.
Khi hai vợ chồng trở về nhà, người vợ mở cửa ra và nhìn thấy con cầy mangut dính đầy máu, cô lập tức cho rằng nó đã làm hại con mình. Vô cùng tức giận, người phụ nữ vội vàng ném một chiếc hộp nặng vào nó khiến nó mất mạng.
Nhưng sau khi phát hiện con trai đang nằm ngủ ngon trong nôi và một con rắn lớn chết trên sàn nhà, cô hiểu mình đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Nỗi buồn và sự tiếc nuối tràn ngập trái tim cô, cô ước mình đã dành thời gian suy nghĩ trước khi hành động.
Kể từ đó, người vợ Bà La Môn kia đã biết học cách lắng nghe, quan sát cẩn thận và giữ cái đầu tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh. Cô hiểu rằng, khi quyết định hành động thì phải dùng lý trí chứ không phải là cảm xúc.
Hai câu chuyện trên đã giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc giữ một cái đầu tỉnh táo, như vậy mới không mắc phải những sai lầm không thể sửa chữa.
Theo Vision Times