Cha mẹ lúc nào cũng muốn con cái thật thà, không ăn gian nói dối. Nhưng điều trớ trêu là các bậc cha mẹ lại thường xuyên nói dối con mình, tuy được biện minh là muốn tốt cho con, nhưng điều đó có thực sự là tốt không? 

Vợ Tăng Sâm nói dối con

Chuyện kể về Tăng Tử, tên thật là Tăng Sâm, một trong những học trò xuất sắc của Khổng Tử. Ông nổi tiếng là người hiếu thảo. Bản thân ông do được hấp thụ một nền giáo dục chuẩn mực, nên đối với việc giáo dục con cái thì rất xem trọng.

Một lần nọ, vợ của Tăng Sâm có việc phải đi ra chợ. Đứa con nhỏ biết được nên cũng muốn đi theo mẹ. Vợ Tăng Sâm muốn con ở nhà nên mới nói với con rằng: “Con ở nhà ngoan nhé! Đợi mẹ về rồi mẹ sẽ mổ lợn cho con ăn”. Đứa bé nghe vậy thì liền ngoan ngoãn ở nhà và không đòi đi theo mẹ nữa.

Được một lát sau thì bà trở về, khi vừa mở cửa bước vào thì đã thấy chồng và đứa con đang đuổi bắt lợn ở trong nhà. Bà thấy vậy thì hốt hoảng nói với chồng: “Lúc nãy chẳng qua tôi nói đùa với con đó thôi, sao ông lại cho như thế là thật?”

Nói dối như cuội; Nói dối là gì; Nói dối không tin
Tăng Sâm giết lợn dạy con (ảnh Facebook)

‘Giết lợn dạy con’

Tăng Sâm thong thả nói: “Nói đùa trẻ con cũng phải liệu chừng mà nói. Không phải cứ hứng lên là nói bừa đi được. Con trẻ lúc nào cũng cho lời của người lớn là thật. Bởi vậy nó mới nghe lời cha mẹ và bắt chước theo những việc làm của cha mẹ. Nay bà lừa gạt nó, thực ra là bà đang dạy nó nói dối bà. Bà nghĩ xem dạy con như vậy thì có đúng không?”

Vợ ông nghe vậy thì lặng thinh không đáp lại được câu nào. Cuối cùng đành phải để cho Tăng Sâm giết thịt con lợn ấy. Cũng từ đây mà câu thành ngữ “giết lợn dạy con” ra đời, coi đó như là một cách để các bậc cha mẹ dạy dỗ con cái.

Các bậc cha mẹ thường hay nói dối con

Con nói dối bố mẹ; Con nói dối nhiều lần; Dạy con đúng cách
Cha mẹ nên là tấm gương cho con noi theo (ảnh Adobe Stock)

Một điều ngạc nhiên là các bậc cha mẹ thường xuyên dạy con phải trung thực nhưng chính họ lại nói dối con rất nhiều. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, rất ít cha mẹ mà một ngày không dối gạt con một lần. Khoảng 70% các bậc cha mẹ cho rằng nói dối là không chấp nhận được. Nhưng có đến 80% thừa nhận họ cũng nói dối hoặc nói những điều gần gần như vậy.

Nhiều bậc cha mẹ nói dối là để dỗ dành, an ủi, động viên hoặc là dọa nạt con mình. Ví dụ khi con đang khóc thì có thể dọa là: “Nếu con không nín thì các chú cảnh sát tới bắt con đấy!”. Hoặc khi trẻ không chịu ngủ, không chịu ăn uống đầy đủ, không nghe lời người lớn thì sẽ có những điều xấu xảy ra…

Nhà nghiên cứu Gail Heyman của đại học California nhận định, những lời dối trá sẽ khiến trẻ dần không tin vào cha mẹ nữa. Và từ từ chúng sẽ trở nên chây ì. Khi đó những lời nói của cha mẹ sẽ không còn đủ trọng lượng đối với chúng.

Cha mẹ phải làm gương cho con

Dạy con không đòn roi; Dạy con tuổi dậy thì; Trung thực là gì
Đừng vì mệt mỏi mà trả lời con qua loa cho xong (ảnh Adobe Stock)

Và điều đáng buồn hơn nữa là con cái sẽ học theo cha mẹ. Trẻ không quan tâm mục đích nói dối là tốt hay xấu. Chúng chỉ hiểu đơn giản, nếu những người lớn thường dạy chúng về đạo đức mà có thể dối lừa thì chúng cũng có thể làm như vậy.

Một khi đã cho nói dối là điều bình thường thì trẻ sẽ cho phép mình lừa dối và không quá quan tâm đến lời dối trá của mọi người xung quanh. Sau này lớn lên trẻ sẽ dễ trở thành người vô cảm với những bất công của xã hội, coi việc người này lừa dối người kia là việc có thể chấp nhận được.

Hơn nữa, trẻ thường xuyên có những câu hỏi ngô nghê và tò mò về rất nhiều thứ. Cha mẹ đôi khi vì quá mệt mỏi nên tìm cách trả lời qua loa cho xong, thậm chí là nói sai sự thật. Nhưng chính những điều này sẽ làm con cái dần mất niềm tin vào cha mẹ.

Vậy nên các bậc cha mẹ phải cố gắng làm gương cho con cái mà đừng nói lời không thật. Điều gì cảm thấy không nói được thì có thể nói tránh đi hoặc nói thẳng với con là chưa tới lúc để biết những điều đó. Đừng chỉ nói đại cho xong mà để lại những hậu quả khôn lường.

Tổng hợp