Làm thế nào để giáo dục con cái cho tốt? Đây vẫn luôn là nỗi trăn trở của các bậc làm cha làm mẹ. Khi con vừa chào đời thì ai cũng tràn đầy nhiệt huyết, muốn giáo dục con thật tốt để sau này trở thành nhân tài. Nhưng khi bắt đầu chăm sóc con thì mới nảy sinh ra nhiều vấn đề khiến cha mẹ phải đau đầu.

Khi con trẻ phá phách, nghịch ngợm, nhiều cha mẹ không thể chịu được mà phải đánh con mình. Nhưng các bậc cha mẹ đều nên biết rằng, khi giáo dục con cái thì hạ sách nhất là đánh con.

Mẹ đánh chết con gái chỉ vì nghi ngờ

Khi nói đến việc đánh con nhiều, các bậc cha mẹ cho rằng đánh con là vì lợi ích của con; là một biện pháp để giáo dục con cái. Tuy nhiên họ lại không nghĩ rằng việc này sẽ gây ra các tổn hại về tâm lý cho trẻ; thậm chí còn có thể gây tổn hại về thân thể cho con cái.

Trước đây, có một người mẹ ở Trung Quốc đã lỡ tay đánh chết con gái của mình khiến xã hội xôn xao. Hóa ra người mẹ bị mất 28 nhân dân tệ (NDT). Cô nghi ngờ con gái của mình đã lấy trộm nhưng đứa bé không thừa nhận. Người mẹ tức giận đã lấy một cây gậy nhựa để đánh con mình. Không may người con bị mất máu quá nhiều và qua đời.

Khi đó con gái của cô mới 12 tuổi. Nhiều cư dân mạng cho rằng người mẹ này quá tàn nhẫn, chỉ vì 28 NDT mà nỡ đánh chết con gái của mình. Người mẹ này chắc hẳn cũng rất hối hận; hành động lúc đó chẳng qua cũng chỉ là một phút không kiềm chế được bản thân mà thôi.

Nếu thường xuyên đánh chửi con cái thì sẽ gây ra tác hại gì?

Thường xuyên đánh chửi sẽ để lại những thương tổn tâm lý cho trẻ
Thường xuyên đánh chửi sẽ để lại những thương tổn tâm lý cho trẻ (ảnh Aboluowang)

1. Gây tổn hại tâm lý trẻ

Trẻ em bị cha mẹ đánh chửi thường xuyên sẽ làm cho chúng mất cảm giác an toàn. Theo tâm lý học, những trẻ như vậy sẽ thường có cảm giác sợ hãi và bị ám ảnh bởi hình bóng của cha mẹ. Việc này rất không tốt cho sự phát triển tâm lý và thể chất của trẻ. Thậm chí có trẻ dùng cả đời để hàn gắn vết thương bị cha mẹ đánh chửi khi con thơ ấu; có trẻ còn bị biến dạng tâm lý.

2. Con cái bị ảnh hưởng bạo lực

Cha mẹ như thế nào thì con cái cũng giống như vậy. Nếu cha mẹ thường xuyên dùng bạo lực đối với con cái thì rồi con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Khi gặp vấn đề thì trẻ sẽ có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết nó. 

Nói chung những đứa trẻ như vậy có khả năng kiểm soát cảm xúc rất kém, tính khí hung bạo nên cũng không có nhiều bạn bè. Chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi bạo lực đến hết đời, một cuộc sống thật là bất hạnh.

3. Phá hủy mối quan hệ cha mẹ và con cái

Trên đời không cha mẹ nào là không yêu thương con cái, nhưng khi giáo dục con trẻ thì nhiều người lại rất tàn nhẫn. 

Việc đánh đập thường xuyên sẽ phá hủy mối quan hệ cha mẹ và con cái. Con cái sẽ nghi ngờ tình thương của cha mẹ dành cho mình. Khi lớn lên chúng sẽ dễ tự ý bỏ nhà ra đi và đối xử thờ ơ với cha mẹ.

Đánh đập con cái là hạ sách, vậy thượng sách là gì?

Thường xuyên giao tiếp sẽ giúp cha mẹ hiểu con cái hơn, từ đó mà có cách giáo dục cho hợp lý
Thường xuyên giao tiếp sẽ giúp cha mẹ hiểu con cái hơn, từ đó mà có cách giáo dục cho hợp lý (ảnh Aboluowang)

1. Cha mẹ nâng cao tố chất của chính mình

Chúng ta đều biết rằng cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Muốn dạy con cho tốt thì cha mẹ cũng phải có những phẩm chất cao; trong quá trình dạy con cũng phải không ngừng học hỏi. Làm cha mẹ cũng không đơn giản một chút nào.

Đôi khi cha mẹ hay trách con học không tốt, vậy bạn có bao giờ tự xem lại bản thân đã làm gương tốt cho con chưa? Chỉ khi cha mẹ nâng cao tố chất của mình thì mới có thể ảnh hưởng tốt đến con cái được.

2. Đừng gây áp lực cho trẻ

Nhiều bậc cha mẹ thích ép buộc con cái, và họ cũng đổ lỗi cho việc trẻ không nghe lời. Vậy bạn có nghĩ đến những nguyên nhân khiến trẻ không nghe lời chưa? Chẳng phải là cha mẹ đã luôn áp đặt những mong muốn của mình lên con cái và ép chúng phải làm những điều chúng không thích hay sao?

Vì vậy, muốn con ngoan ngoãn thì đừng lúc nào cũng cưỡng ép; hãy giao tiếp nhiều hơn với trẻ để có thể biết được con mình thực sự mong muốn điều gì.

3. Khen thưởng con

Các bậc phụ huynh ngày nay thường có yêu cầu rất cao đối với con cái của mình. Họ muốn con mình ngoan ngoãn, học giỏi, đỡ đần cha mẹ, giúp cha mẹ việc nhà… Họ muốn con mình trở thành một đứa trẻ toàn năng. 

Kỳ thực, đôi khi thay vì mắng chửi, bạn hãy thử khen ngợi con của mình xem sao. Việc này có thể giúp nâng cao sự tự tin của trẻ, đồng thời cũng giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. 

Theo Aboluowang