Vì sao có lúc cảm giác thời gian trôi qua quá nhanh?
Bạn có bao giờ cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh so với bình thường? Có nhiều yếu tố, nhưng yếu tố tâm lý cũng góp phần quan trọng.
Khi chúng ta đứng đợi ở lối dành cho người đi bộ, có cảm giác thời gian đèn đỏ như “vĩnh viễn”. Còn khi tới cuối năm, chúng ta lại kinh ngạc phát hiện ra thời gian trôi quá nhanh, làm sao mà một năm đã lại kết thúc rồi? Mặc dù mọi người đều biết thời gian là cố định, nhưng nhận thức của mỗi người về thời gian lại rất khác nhau.
Người xưa dùng “Thời gian như mũi tên, năm tháng như thoi đưa” hoặc “một ngày dài như một năm”, để chỉ thời gian trôi nhanh hay chậm. Những trải nghiệm về nhanh và chậm gộp lại thành cuộc sống của chúng ta; vậy chúng ta nên nhìn nhận mối quan hệ giữa thời gian và cuộc sống như thế nào?
Trên thực tế, không ai vừa mới sinh ra đã có thể hiểu về thời gian. Trẻ sơ sinh thường đảo lộn ngày đêm, làm rối loạn thời gian làm việc nghỉ ngơi của cha mẹ; nhưng cuối cùng bé cũng phải học được cách điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình phù hợp với người lớn. Đến ngay chúng ta khi đi đến những nơi khác hoặc đi du lịch nước ngoài, cũng sẽ gặp phải vấn đề chênh lệch thời gian; cơ thể chúng ta phải thích ứng với việc chênh lệch thời gian.
Michael Flaherty, giáo sư xã hội học tại Đại học Illinois, Hoa Kỳ, đã dành hơn 30 năm thu thập dữ liệu để nghiên cứu các quan điểm sau:
Nội dung chính
Cảm giác “Thời gian trôi qua thật chậm”
1. Chịu đựng cơn đau dữ dội như bị tra tấn, hoặc khoái cảm mãnh liệt. Kỳ thực, loại cảm xúc mạnh mẽ như vui sướng không nhất định sẽ làm cho chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua nhanh chóng.
2. Ở trong hoàn cảnh bạo lực hoặc nguy hiểm. Giống như các binh sĩ ở trong trận chiến, sẽ có cảm giác thời gian trôi qua rất chậm.
3. Tình huống mà mọi người quen thuộc nhất đó là chờ đợi nhàm chán; lúc này cũng sẽ có cảm giác thời gian trôi qua chậm. Phạm nhân ở trong tù chờ ngày được ra tù là một ví dụ; hoặc khi đứng ở quầy chờ khách hàng đến.
4. Khi ý thức không rõ ràng. Ví dụ như dưới ảnh hưởng của thuốc ảo giác, cũng sẽ cảm thấy thời gian trôi qua rất chậm.
5. Sự tập trung cao độ hoặc thiền định có thể ảnh hưởng chủ quan đến thời gian trôi qua. Ví dụ nhiều vận động viên sẽ cảm thấy thời gian trôi qua chậm trong khi thi đấu; và những người ngồi thiền cũng sẽ cảm thấy thời gian trôi qua chậm.
6. Khi sợ hãi và gặp phải sự việc mới lạ. Ví dụ khi bạn học một kỹ năng mới hoặc khi bạn chưa đến đích trong lúc đi du lịch, bạn sẽ có cảm giác thời gian trôi đi rất chậm.
Cảm giác thời gian trôi chậm lại, thông thường là khi không có gì xảy ra; nhưng cũng có thể là khi có nhiều sự việc xảy ra cùng lúc. Nó có vẻ mâu thuẫn và phức tạp.
Lý do cảm thấy “thời gian quá chậm”
Từ góc độ đồng hồ hoặc là lịch, mỗi đơn vị thời gian là cố định; 24 giờ trong ngày, 60 phút trong một giờ và 60 giây trong một phút. Tuy nhiên, theo Flaherty, đơn vị thời gian thay đổi tùy theo “mật độ kinh nghiệm” của con người. Nói cách khác, lượng thông tin khách quan và chủ quan được mang theo bởi mỗi đơn vị thời gian là khác nhau, và cảm nhận về thời gian cũng sẽ khác nhau.
Khách quan mà nói, một người lính có rất nhiều chuyện xảy ra trong trận chiến, và “mật độ kinh nghiệm” trong đơn vị thời gian sẽ cao. Tuy nhiên, một tù nhân bị mắc kẹt trong phòng giam hiển nhiên không có chuyện gì xảy ra, nhưng mật độ kinh nghiệm của anh ta lại cao, tại sao? Đó là vì về mặt chủ quan, hoàn cảnh trước mắt và tình huống của chính anh ta chỉ toàn là “khoảng thời gian trống rỗng”; anh ta sẽ suy nghĩ nhiều về tình huống tồi tệ này, hy vọng sẽ được ra tù; thậm chí ý thức của anh ta có thể hoàn toàn tập trung vào việc thời gian trôi qua chậm rãi như thế nào.
Vì vậy, câu trả lời cho câu đố này nằm trong mối quan hệ giữa hoàn cảnh và sự chú ý của chúng ta. Hoàn cảnh càng bất thường, chúng ta càng tập trung chú ý, “mật độ kinh nghiệm” của đơn vị thời gian sẽ càng cao; kết quả là thời gian trôi qua càng chậm.
Thời gian như tia chớp
Ngược lại, nếu “mật độ kinh nghiệm” trên một đơn vị thời gian quá thấp, cảm giác về thời gian sẽ đặc biệt nhanh. Ví dụ, “nén thời gian” xảy ra khi chúng ta nhớ lại các sự kiện gần và xa.
Thông thường quá trình nén thời gian này xảy ra trong hai trường hợp.
1. Thời gian trôi qua khi làm những việc quen thuộc sẽ rất nhanh. Ví dụ khi học lái xe, chúng ta sẽ cảm thấy thời gian trôi qua rất chậm. Nhưng khi chúng ta đã quen hơn thì việc lái xe trở thành một thói quen. Lúc này thời gian trở nên rất nhanh. Học các kỹ năng mới và làm quen với công việc mới cũng vậy. Bạn càng quen thuộc, thì trải nghiệm đáng nhớ trên mỗi đơn vị thời gian càng ít và mật độ trải nghiệm càng thấp.
2. Thứ hai là sự xói mòn của “ký ức tình tiết” (episodic memory). Điều này thường xảy ra với tất cả mọi người. Những ký ức của chúng ta về những công việc hàng ngày sẽ mờ dần theo thời gian. Ví dụ, bạn có nhớ bạn đã làm gì vào ngày 18 tháng trước không? Trừ khi có điều gì đó đặc biệt xảy ra vào ngày hôm đó, nếu không thì e rằng bạn sẽ không nhớ gì cả. Đơn vị thời gian không thay đổi, nhưng “mật độ trải nghiệm” đã bị “ký ức tình tiết” bào mòn, và thời gian bị nén lại đến mức gần như không tồn tại.
Làm thế nào để tận dụng tốt thời gian?
Nếu bạn quý trọng thời gian, cách tốt nhất để tận dụng nó là tập trung vào những việc có ý nghĩa. Như vậy bạn sẽ cảm thấy mình còn nhiều thời gian để làm được nhiều việc.
Nếu bạn bận rộn không mục đích mỗi ngày và để thời gian trôi qua, vậy thì bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh.
Theo Epoch Times