Thiền định nâng cao đạo đức của con người
Thiền định là phương pháp được chứng minh có lợi cho sức khoẻ thể chất và tinh thần, nhưng liệu thiền định có nâng cao đạo đức con người hay không?
- Lợi ích của thiền định: Giảm căng thẳng, tăng hiệu suất làm việc
- 9 loại thiền định phổ biến: Phương pháp nào dành cho bạn?
David Desteno là giáo sư tâm lý học tại Đại học Northeastern và là giám đốc của Social Emotions Group, trong một bài viết, ông đã nói về tác dụng nâng cao đạo đức của thiền định. Dưới đây là những ý chính trong bài viết của ông:
Thiền định đang nhanh chóng trở thành một biện pháp hiệu quả để cải thiện tâm trí của bạn. Sự quan tâm đến những lợi ích thiết thực của nó ngày càng tăng khi ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc thực hành thiền định có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo, trí nhớ và điểm số trong các bài kiểm tra trí thông minh tiêu chuẩn.
Tất cả điều này đều rất tốt, nhưng nếu bạn dừng lại và suy nghĩ về điều đó, sẽ có một chút khác biệt giữa việc theo đuổi những lợi ích này (hoàn toàn đáng khen ngợi) và mục đích ban đầu của thiền định. Đạt được lợi thế cạnh tranh trong các kỳ thi và tăng tính sáng tạo trong kinh doanh không phải là mối quan tâm hàng đầu của Đức Phật và các thiền sư thời kỳ đầu khác.
Như bản thân Đức Phật đã nói: “Ta chỉ dạy một điều: khổ đau và chấm dứt khổ đau”. Đối với Đức Phật và nhiều nhà lãnh đạo tinh thần hiện đại, mục tiêu của thiền chỉ đơn giản như vậy. Thiền định có thể nâng cao khả năng kiểm soát suy nghĩ của một người và mục đích ban đầu của nó là giúp những người tu luyện nhìn thế giới theo một cách mới và từ bi hơn, giải phóng họ khỏi việc đối xử tách biệt với mọi người (chúng ta/họ, bản thân/cái khác).
Nhưng thiền định có hiệu quả như vậy không? Hiệu quả dự kiến của nó là giảm bớt đau khổ thì có được chứng minh thực tế không?
Để chứng thực vấn đề này, phòng thí nghiệm của tôi do nhà tâm lý học Paul Condon dẫn đầu, cùng với nhà thần kinh học Gaelle Desbordes và một vị Lạt-ma bên Phật giáo, đã cùng tiến hành một thực nghiệm sẽ được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý. Chúng tôi đã tuyển 39 người từ khu vực Boston sẵn sàng tham gia một khóa thiền kéo dài 8 tuần (họ chưa từng tham gia bất kỳ khóa học nào như vậy).
Sau đó, chúng tôi chỉ định ngẫu nhiên 20 người trong số họ tham gia các lớp thiền hàng tuần và yêu cầu họ thực hành tại nhà bằng cách sử dụng các bản ghi âm có hướng dẫn. 19 người còn lại được thông báo rằng họ nằm trong danh sách bổ sung cho các khóa học trong tương lai.
Sau 8 tuần giảng dạy, chúng tôi mời những người tham gia đến phòng thực nghiệm để thực hiện một thí nghiệm với mục đích để kiểm tra lại trí nhớ, sự chú ý và các khả năng nhận thức liên quan của họ. Nhưng như bạn có thể dự đoán, điều chúng tôi thực sự quan tâm là liệu những người thường xuyên thiền định có thể hiện thiện tâm lớn hơn khi đối mặt với đau khổ hay không. Để tìm được câu trả lời, trước khi những người tham gia biết rằng thí nghiệm đã bắt đầu, chúng tôi đã dàn dựng một tình huống nhằm kiểm tra hành vi của họ.
Khi một người tham gia bước vào khu vực chờ của phòng thí nghiệm của chúng tôi, người đó sẽ nhìn thấy 3 chiếc ghế, trong đó có 2 chiếc đã có người ngồi. Rất tự nhiên người đó sẽ ngồi trên chiếc ghế còn lại. Trong khi người đó chờ đợi, người thứ 4 là người phụ nữ sử dụng nạng do bàn chân bị gãy bước vào phòng, cô còn thở dài đau đớn khi cúi người dựa vào tường một cách khó khăn.
Hai người còn lại trong phòng và người phụ nữ chống nạng, tất cả đều bí mật hỗ trợ cho thí nghiệm của chúng tôi, hai người này đều phớt lờ người phụ nữ, vì vậy những người tham gia phải đối mặt với một lựa chọn mang tính đạo đức. Liệu người đó sẽ tỏ ra đồng cảm và để cô gái ngồi vào ghế hay sẽ ích kỷ mà phớt lờ hoàn cảnh khó khăn của cô?
Kết quả thật đáng kinh ngạc. Chỉ có 16% những người không thiền đã bỏ chỗ ngồi của mình, phải thừa nhận một sự thật đáng buồn này, nhưng trong số những người đã thiền định, tỷ lệ này đã tăng lên 50%. Sự gia tăng này rất ấn tượng, không chỉ vì nó xảy ra chỉ sau 8 tuần thiền định, mà còn vì nó diễn ra trong bối cảnh này: Chứng kiến người khác phớt lờ một người không may mắn, các nhà tâm lý học gọi đây là Hiệu ứng người ngoài cuộc, hiệu ứng này thường làm giảm khả năng một cá nhân sẽ sẵn lòng giúp đỡ người khác. Mặc dù như vậy, thiền định đã nâng cao gấp 3 lần phản ứng tử tế.
Mặc dù chúng ta vẫn chưa biết tại sao thiền định lại có tác dụng này, nhưng một trong hai cách giải thích có vẻ phù hợp. Lời giải thích đầu tiên dựa trên khả năng thiền định để cải thiện sự chú ý, điều này có thể làm tăng tương đối khả năng cảm nhận nỗi đau khổ của người khác (thay vì chìm đắm trong suy nghĩ của chính mình). Nhưng lời giải thích yêu thích của tôi từ một khía cạnh khác của thiền định là: Nó có thể nuôi dưỡng con người phát triển quan điểm rằng tất cả mọi người đều có mối liên hệ với nhau.
Nhà tâm lý học Piercarlo Valdesolo và tôi phát hiện ra rằng, bất kỳ dấu hiệu kết nối nào giữa 2 người, ngay cả những điều nhỏ nhặt như vỗ vào tay nhau, đều khiến họ cảm thấy tử tế hơn với nhau khi họ cảm thấy chán nản. Khi đó, sự gia tăng lòng tốt của những người tu luyện có thể bắt nguồn trực tiếp từ năng lực mà thiền định mang lại, nhằm loại bỏ sự phân biệt xã hội ngăn cách chúng ta với nhau, sự phân biệt dựa trên sắc tộc, tôn giáo, hệ tư tưởng, v.v.
Những phát hiện gần đây khẳng định rằng, ngay cả khoá đào tạo tương đối ngắn về kỹ thuật thiền định cũng có thể thay đổi vùng não liên quan đến chức năng thần kinh của lòng trắc ẩn đối với sự bất hạnh của người khác, mức độ phản ứng của vùng não này cũng được điều chỉnh bởi mức độ kết nối mà một người cảm thấy với người khác.
Vì vậy, hãy can đảm lên. Lần tới khi bạn thiền định, hãy biết rằng bạn không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, mà còn cho hàng xóm, thành viên cộng đồng và những người xa lạ, bởi vì nó làm tăng khả năng bạn cảm nhận được nỗi đau của họ khi họ đang đau khổ và hành động để xoa dịu nó.
Theo Vision Times