Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa – câu chuyện cảm động với bao người
Có một bức thư với những lời lẽ đầy quan tâm mà rất giản dị người vợ để lại khi chồng muốn ly hôn khiến tôi nhớ mãi. Người chồng khi đọc lá thư đó đã rất xúc động và quyết định đi tìm vợ mình. Cuối cùng anh cũng đã tìm được cô ấy khi cô đang chờ ở bến tàu để về quê, thay vì đến căn hộ mới mà người chồng đã mua cho cô khi quyết định ly hôn. Vợ chồng đâu phải chỉ có chữ tình yêu vốn là điều hư ảo, lúc tồn tại, lúc biến mất. Vợ chồng còn có ân nghĩa.
Nội dung chính
Có ai nghĩ đến ân nghĩa không khi quyết định ly hôn?
Câu chuyện kể rằng một người đàn ông sau những năm tháng bươn chải trên thương trường đã trở nên giàu có. Đi cùng với sự giàu có đó là những bữa tiệc làm ăn, những cô gái đẹp vây quanh. Khi về nhà nhìn thấy vợ mình không còn xinh đẹp, thân hình đã xồ sề, anh đã muốn ly dị. Nghĩ rằng sau khi ly dị, anh sẽ được tự do trong các mối quan hệ với các cô gái trẻ đẹp hơn.
Tuy nhiên anh cũng không phải là người bạc nghĩa. Anh đã mua một căn hộ khác cho cô ở trung tâm thành phố. Anh gửi một cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu mang tên cô. Anh cũng hứa với cô là sẽ giúp cô chuyển đồ đạc sang nhà mới vào ngày nào mà cô muốn.
Khi người vợ nghe chồng nói về việc ly hôn, về căn hộ mà anh ấy đã mua cho cô, về sổ tiết kiệm; thoạt đầu cô ấy có vẻ hơi ngạc nhiên, sau đó giữ im lặng. Cô ấy không bùng nổ giận dữ, đôi mắt vẫn dịu dàng như xưa. Chỉ có điều đôi mắt ấy dường như thêm một sự cam chịu.
Lá thư của người vợ để lại khi rời đi khiến chồng giật mình bừng tỉnh
Sau buổi nói chuyện chia tay đó, người vợ vẫn chăm sóc chồng như xưa và có vẻ như trầm tư nhiều hơn. Rồi một ngày khi đang ở công ty, người chồng bỗng có cảm giác bồn chồn khó chịu. Cảm giác đó mãi không hết nên anh quyết định về nhà.
Khi bước vào nhà, anh sững sờ khi nhìn thấy trên bàn là chiếc chìa khoá của căn hộ anh đã mua cho cô; sổ tiết kiệm mang tên cô cũng nằm ở đó; một lá thư cô để lại trên bàn. Chúng lặng lẽ như chính sự ra đi lặng lẽ của cô. Không thấy vợ đâu, anh mở tủ thì thấy tủ quần áo của cô đã rỗng không.
Những lời giản dị trong thư làm tim anh đau nhói…
Cô viết như là cô nói với anh, không một lời trách móc:
“Em đi đây, em về nhà mẹ. Chăn gối em đã giặt phơi khô rồi. Em cất ở ngăn cuối cùng bên trái tủ quần áo. Trời lạnh anh nhớ lấy ra đắp. Giày da trong tủ tất cả em đã đánh xi lại một lượt rồi. Đợt tới mà anh bận quá không tự mình đánh được thì anh mang đến chỗ ông Tư đánh giầy ở đầu ngõ nhé. Các áo sơ mi treo ở phía trên tủ em đã là rồi. Tất và thắt lưng của anh em vẫn để ở ngăn kéo phía dưới tủ.
Gạo ăn nhà mình vẫn hay ăn là gạo tám thơm của Thái Lan. Anh vào siêu thị mà mua. Mua bên ngoài anh không biết thì khéo lại mua nhầm. Em đã dặn bác giúp việc một tuần đến dọn nhà cho anh 2 lần. Cuối tháng anh gửi tiền cho bác ấy.
Thuốc dạ dày của anh em đã mua thêm và để trong tủ thuốc. Em đi rồi anh nhớ uống thuốc đều đặn. Thuốc em mua có lẽ cũng đủ dùng trong nửa năm. Em đã gửi một chìa khoá dự trữ căn nhà này ở chỗ bác bảo vệ. Nếu lúc nào quên chìa khoá thì qua đó lấy nhé. Buổi sáng anh nhớ đóng cửa sổ khi đi làm kẻo mưa tạt vào sẽ làm ướt nhà. Sáng nay em có nấu canh cá lóc – món mà anh thích em để ở trong tủ lạnh. Anh về hâm lại rồi ăn nhé.
Gửi anh – người chồng của em“.
Ân nghĩa vợ chồng lớn biết bao, làm sao anh có thể là người phụ bạc?
Sau khi đọc xong lá thư của vợ, anh không kiềm chế được sự xúc động. Anh quyết định đi tìm vợ mình. Nghĩ rằng vợ sẽ ra bến xe để bắt xe về quê, anh vội vã lái xe đến đó. Bến xe đầy ắp người. Xe nọ xe kia nối nhau, người ra vào đông đúc. Anh phải kiễng chân lên nhìn ngó xung quanh rồi hỏi ra chỗ đỗ của xe tuyến về quê cô ấy.
Cuối cùng anh đã nhìn thấy vợ mình, đang ngồi im lặng ở một góc ghế trong nhà xe. Anh tiến đến vợ và nói đi về với anh, đừng về quê nữa. Cô ấy lại im lặng nhìn anh. Có lẽ ngay lập tức chưa hiểu ra được điều gì đã xảy ra. Người chồng nhìn thái độ của vợ. Anh khẽ nắm tay vợ. Anh bảo rằng anh đã sai rồi, mình về nhà thôi.
Câu chuyện đó làm tôi nhớ mãi. Tôi cũng không còn trẻ, cũng đã trải qua những năm tháng trong cuộc sống vợ chồng. Tôi hiểu được rằng giữa vợ chồng không phải chỉ có chữ “tình yêu”. Tình yêu vốn là điều gì đó hư ảo, lúc hiện diện, lúc biến mất.
Nguồn gốc câu ‘một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa đến từ đâu?
Theo các sách cổ, câu nói trên có từ một truyền thuyết dân gian kể về Đổng Vĩnh và Thất tiên nữ. Tương truyền, con gái thứ 7 của Ngọc Hoàng Đại Đế quyến luyến phàm trần. Nàng nảy sinh tình cảm với hiếu tử Đổng Vĩnh. Cô đã nhờ cây hòe lâu năm làm mai mối gả nàng cho Đổng Vĩnh. Đổng Vĩnh nói: “Cây sao lại có thể mở miệng nói chuyện được?”. Thất tiên nữ nói: “Đại thụ không mở miệng, hai chúng ta chia tay, nếu đại thụ mở miệng, hôn nhân này là trời tác thành”.
Sau đó, hai người liền quỳ lạy trước cây đại thụ. Chứng kiến câu chuyện tình cảm động này mà cây hòe đại thụ đã mở miệng nói. Nhưng không ngờ, do xúc động quá mà cây hòe nói sai một từ, “Trăm năm hòa hợp” thành “trăm ngày hòa hợp”, khiến cho Đổng Vĩnh và Thất tiên nữ chỉ có vỏn vẹn trăm ngày duyên phận. Câu tục ngữ: “Một ngày chồng vợ, trăm ngày ân nghĩa” cũng bắt nguồn từ đây.
Chữ ‘ân’ trong ân nghĩa vợ chồng có nghĩa là gì?
Trong cuốn Trung Dung của Khổng Tử có đoạn: “Đạo người quân tử khởi đầu từ vợ chồng, đến khi xử lý các mối quan hệ gia đình hoàn mỹ thì sẽ thông đạt được Đạo của trời đất” (Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cấp kỳ chi dã, sát hồ thiên địa). Theo quan niệm của cổ nhân, mối quan hệ vợ chồng là khởi điểm để người quân tử tu dưỡng bản thân. Cảnh giới cao nhất của nó lại là sự tương thông chính đạo của trời đất.
Thời gian trong câu nói “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân” từ “một ngày” đến “một trăm ngày”. Một ngày là chỉ thời gian ngắn ngủi. Còn “trăm ngày” không phải có ý là chỉ số lượng thời gian, mà biểu thị sự lâu dài. Do đó, thời gian không phải là trọng điểm. Cho dù là vợ chồng trong thời gian ngắn ngủi, ân nghĩa trong đó là “sâu như biển”. Điều cần nhấn mạnh ở đây là “ân”.
Vợ chồng tương kính như tân
Thời cổ đại, vợ chồng tương kính như tân, ân ái yêu thương quan tâm chăm sóc nhau. Cái gọi là “ân ái” vợ chồng, chữ “ân” đặt lên hàng đầu, kính trong yêu thương nhau, tương kính như tân là phía sau.
Cổ nhân biết rằng, ý trời là không thể làm trái. Có thể trở thành vợ chồng, là duyên phận thiên định, là ân đức của thượng thiên, không có sợi dây se duyên của nguyệt lão, kiếp này có làm thế nào cùng không thể trở thành vợ chồng.
Đồng thời, vợ chồng còn có sự tri ân cảm ơn cha mẹ, không có sự lo lắng của họ, tìm người mai hối tác hợp, tổ chức hôn lễ để mọi người công nhận, vợ chồng sao có thể có chỗ đứng tại nhân gian?
Chữ “nghĩa” trong nghĩa vợ chồng là như thế nào?
Chữ “Nghĩa” (義) gồm bộ Dương (羊 – con dê), bộ Ngã (我 – cái tôi). Loài dê hay sống thành bầy đàn, chúng ăn cỏ và rất lương thiện. Chữ “Dương” đứng trên chữ “Ngã” thể hiện rằng luôn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân mình. Chữ “Nghĩa” (義) là quên đi cái tôi vị tư, là vị tha, luôn nghĩ tới người khác, duy trì đạo nghĩa, đạo lý, lợi ích tập thể của những người khác.
Hàm ý của chữ “Nghĩa” giữa vợ chồng thể hiện ở trách nhiệm sống giữa hai người, không vì những khó khăn vất vả, không vì ‘trăng hoa tuyết nguyệt’ vui thú bên ngoài mà chia tay, mà ruồng bỏ nhau, cùng nhau sống tới đầu bạc răng long.
Lưu Đình Thức trọn đạo vợ chồng với người vợ mù lòa
Khi Lưu Đình Thức còn chưa thi đậu tiến sĩ, ông từng đính hôn với một cô gái ở quê nhà, chỉ là chưa đưa sính lễ thành thân. Sau khi ông thi đậu tiến sĩ và làm quan, được những người nổi tiếng như Tô Đông Pha mến mộ thì tiền đồ của Lưu Đình Thức được xem là tươi sáng vô cùng. Nhưng lúc này, cô gái kia ở quê nhà lại lâm trọng bệnh, dẫn đến hai mắt bị mù.. Cha mẹ cô gái là nông dân, chỉ làm ruộng, gia cảnh bần hàn, vì thế không còn dám nhắc đến chuyện hôn nhân với nhà họ Lưu nữa.
Trong số bạn bè của Lưu Đình Thức có người khuyên rằng: “Cô gái kia đã bị mù lòa hai mắt, vì chính tiền đồ và hạnh phúc tương lai của mình, anh hãy lấy người khác đi! Nếu như nhất định phải giữ hôn ước với nhà họ thì lấy em gái của cô ấy cũng tốt hơn”.
Thời gian có thể trôi đi nhưng tấm lòng chân thành vẫn luôn còn mãi
Lưu Đình Thức trả lời: “Năm đó, ta đính ước với cô ấy là đã hứa giao tình cảm chân thành cho cô ấy rồi. Nay tuy cô ấy bị mù nhưng tấm lòng của cô ấy vẫn như xưa. Giờ nếu ta làm trái lại với tâm nguyện trước đây, nghĩa là cái tâm của ta đã bị biến thành xấu xa. Hơn nữa, ai rồi cũng đến tuổi già, khi vợ già hương sắc tàn phai, chúng ta cũng không thể nào bỏ đi lấy cô gái trẻ đẹp được đúng không? Con người cần giữ thành tín, không thể thay lòng đổi dạ”.
Về sau, hai người đã kết hôn như lời hẹn ước. Sau khi kết hôn, Lưu Đình Thức luôn hết lòng chăm sóc người vợ mù lòa của mình. Hai vợ chồng sống hòa thuận vui vẻ, tình cảm đằm thắm, sinh hạ và cùng nhau nuôi dưỡng mấy người con.
Sau khi biết sự việc này, Tô Đông Pha vô cùng cảm phục Lưu Đình Thức. Ông nói: “Lưu Đình Thức thật là người có tình cảm chân thành, cao thượng!”. Vì sao Lưu Đình Thức có thể làm được như thế? Thực ra, đó là vì quan điểm hôn nhân của người thời xưa khác xa với quan điểm hôn nhân của người hiện đại ngày nay.
Theo Secret China