Sách Nữ Giới: làm một người phụ nữ đúng nghĩa
Ban Chiêu được xem là “Khổng phu tử trong phái nữ”, những lời dạy bảo của bà trong cuốn sách Nữ Giới vẫn còn giá trị cho tới ngày nay.
- Nam kiên cường xốc vác, nữ thùy mị đoan trang
- Cổ nhân dạy “Đàn ông có đức chính là tài, phụ nữ vô tài chính là đức” nghĩa là gì?
Nội dung chính
Sách Nữ Giới của Ban Chiêu
Ban Chiêu là con gái của nhà văn Ban Bưu thời Đông Hán, là em gái của Ban Cố – người biên soạn sách Tiền Hán Thư. Xuất thân trong một gia đình gia giáo, bà là người có phẩm hạnh đoan trang và giỏi văn chương.
Ban Chiêu được Đặng Thái Hậu triều Hán rất coi trọng, nên đã mời bà vào cung làm vị Nữ Sư, ban tặng cho danh xưng Đại Gia. Hoàng hậu và các quý nhân của triều Hán đều xem bà là thầy mà phụng sự.
Bà năm 14 tuổi đã được gả vào nhà họ Tào. Hơn 40 cần mẫn, lao tâm lao lực, tuy làm việc vất vả nhưng không oán than lấy một lời. Ngay khi con trai đã trưởng thành, bà có phần nhàn nhã hơn, nhưng lại lo lắng cho các nữ nhân nhà họ Tào. E rằng họ không sớm biết lễ nghi thì khi gả về nhà chồng sẽ dễ bị mang tiếng xấu. Vì vậy mà bà đã viết cuốn sách Nữ Giới (lời khuyên bảo dành cho nữ nhân), dùng phương pháp huấn dụ để bảo ban các nữ nhân trong nhà.
Cuốn sách đưa ra những quy tắc đạo đức cho người phụ nữ trong lập thân, xử thế, được người đương thời sôi nổi truyền tụng và học tập; trở thành sách vỡ lòng cho nữ giới qua từng triều đại Trung Quốc cho đến những năm đầu Quốc Dân. Ban Chiêu cũng được người đời ca tụng là “Khổng phu tử trong phái nữ”.
Nữ giới đẹp ở vẻ nhu mì
Ban Chiêu dạy bảo người phụ nữ phải khiêm hạ, nhẫn nhường. Khi gặp việc tốt thì nhường người lên trước, còn mình lùi lại đằng sau. Bản thân làm được việc tốt cũng không được khoe khoang; khi mắc sai lầm thì không được thoái thác trách nhiệm.
Bà cho rằng, phụ nữ nếu có thể chu toàn được ba điều: Khiêm nhường với người, chịu thương chịu khó, kế thừa tế tự, vậy thì tiếng xấu sẽ không thể đến thân.
Đại Đạo có âm dương, con người phân thành nam nữ, sách Nữ Giới viết rằng: “Âm dương có đặc tính khác nhau, nam nữ có phẩm hạnh khác nhau. Dương lấy cương làm chủ, âm lấy nhu làm chủ. Nam giới quý ở đức cương cường; nữ giới đẹp ở vẻ nhu mì”.
Vợ chồng nếu như bất hòa thì sẽ không còn ân nghĩa đạo đức, sách viết rằng: “Chồng không hiền đức thì không dẫn dắt được vợ. Vợ không hiền hậu thì không hỗ trợ được cho chồng. Chồng không quản giáo được vợ thì mất đi sự uy nghiêm. Vợ nếu như không phụng sự chồng thì sẽ mất đi đạo nghĩa”.
Cử chỉ đoan trang, nội tâm thanh khiết
Người phụ nữ xưa đa số đều không tham gia vào việc xã hội, mà chỉ làm chủ gia đình mình. Vì vậy Ban Chiêu cho rằng người phụ nữ cần thức khuya dậy sớm, siêng năng, chăm lo việc nhà; chuyên tâm may vá dệt vải, nấu ăn ngon tiếp đãi khách.
Trong nhà phải giữ gìn lễ nghĩa, cử chỉ đoan trang, thanh khiết. Tai không nên nghe điều không nên nghe, mắt không nên nhìn thứ không nên nhìn. Ra ngoài không nên trang điểm diêm dúa, ở nhà không đầu bù tóc rối.
Khiêm hạ và nhu thuận là 2 đức tính quan trọng của người phụ nữ
Về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, sách Nữ Giới nói rằng: “Mẹ chồng cho điều này là không tốt, bạn cảm thấy điều này tốt, bạn vẫn nên nghe theo mẹ chồng. Mẹ chồng cho là tốt, bạn cảm thấy không tốt, bạn càng phải thuận theo mẹ chồng mà đi làm; nhất định không được xung đột, tranh biện đúng sai”. Nếu làm được như vậy thì làm sao còn mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu được nữa; phận làm con dâu thì nhất định phải thuận theo.
Không những cha mẹ chồng, mà ngay cả anh chị em của chồng cũng phải sống hòa thuận; không được tỏ ra ngạo mạn, cậy mình làm chị dâu mà kiêu căng tự đại với em chồng. Sách Nữ Giới viết rằng, nếu không chung sống hòa thuận với anh chị em của chồng mà lại muốn được lòng cha mẹ chồng thì thật là hồ đồ.
Ban Chiêu nhìn nhận, khiêm hạ là cái gốc của đức hạnh, nhu thuận là hành vi chuẩn tắc của phụ nữ. Nếu có thể làm được hai điều này thì cũng đủ để gia đình hòa thuận rồi.
Cho dù thời đại có nhiều biến đổi, thì cuốn sách Nữ Giới vẫn là bài học quý giá đối với người phụ nữ đương thời; có thể xem sách Nữ Giới tại đây.
Theo Chánh Kiến