Người sáng suốt phải thủ vững 3 điều: Thủ ngu, thủ tĩnh, thủ nhu
Những người có trí tuệ sáng suốt, phẩm đức cao thượng, lại thường tỏ ra rất bình thường, đây cũng là một cảnh giới nhân sinh.
- Quân tử như ngọc quý, ôn hòa mà sáng suốt
- Bậc quân tử như hoa mai đỏ trong tuyết lạnh, như tùng bách xanh tốt quanh năm
Thủ ngu: Quân tử phẩm đức cao thượng, dung mạo dường như ngu ngốc
Triết học của Lão Tử là triết học khiêm tốn, ông chủ trương không đấu tranh: “Làm nhụt bén nhọn, tháo gỡ rối rắm, pha trộn ánh sáng, hòa mình cùng bụi bặm”.
Những người thông minh không bao giờ dễ dàng phô trương và thể hiện sự khác biệt của họ. Họ che giấu ánh quang huy của bản thân, hòa mình cùng đại chúng.
Trong “Sử ký” có viết, Khổng Tử khi còn trẻ đã tìm đến Lão Tử để xin thỉnh giáo đạo lý, Lão Tử đã nói ra một câu kinh điển: “Người buôn bán giỏi thì ẩn sâu như không có gì; quân tử phẩm đức cao thượng thì dung mạo dường như ngu ngốc”.
Người giỏi buôn bán, tiền bạc có nhiều, nhưng lại thường tỏ ra như không có gì. Bởi vì họ biết nếu đi khoe khoang thì sẽ gây sự chú ý của đạo tặc; cũng là tự chuốc phiền toái cho chính mình.
Bậc quân tử phẩm đức cao thượng lại thường tỏ ra ngu ngốc. Bởi vì người thông minh thường bất tri bất giác mà gây ra tranh đấu, rất dễ biến mình thành đối tượng đả kích; cho nên phải ẩn tài năng của mình đi.
Lão Tử nói với Khổng Tử, phải dẹp bỏ tâm kiêu ngạo và tham vọng đi, như vậy mới có thể trở thành Thánh nhân. Đây cũng gọi là “Đại trí nhược ngu” (người đại trí dường như ngu ngốc). Cũng giống như trong “Luận ngữ” có khen Nhan Hồi: “Có như không, thực như hư”.
Thủ tĩnh: Khi gặp chuyện lớn phải giữ được sự tĩnh lặng
Lão Tử nói: Ai có thể làm cho đục thành trong? Chỉ có tĩnh thì mới từ từ trong.
Một ly nước đục ngầu, chỉ có từ từ lắng xuống, mới có thể trở nên trong suốt. Tâm con người cũng như vậy; tâm trạng không yên, giống như nước đục ngầu, cái gì cũng nhìn không được rõ, lý nói ra cũng không thuận.
Nước trong cũng giống như một tấm gương, chiếu rọi vạn vật. Tâm của chúng ta phải thanh tỉnh thì mới có thể nhìn rõ sự tình.
Trong Đạo đức kinh có nói, “Tĩnh vi táo quân” (tĩnh là chủ của xao động). Tĩnh có thể khắc phục tính nóng trên người, khiến con người từ từ khôi phục lý trí.
Thời xưa, trên mũ của Hoàng Đế đều có chuỗi ngọc buông xuống. Đây là một trang sức quan trọng giúp cho Hoàng Đế giữ được phong thái, bảo trì trạng thái tĩnh tại, không gấp gáp.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Tâm tĩnh tắc thể sát tinh, khắc trì diệc tỉnh lực”. Ý tứ là, chỉ có tâm tĩnh thì mới có thể quan sát tỉ mỉ sự vật, phát hiện sự vật, chỗ tinh vi của sự tình; như vậy thì khi có chuyện xảy ra, mới có thể làm ít được nhiều, tiết kiệm sức lực.
Thủ nhu: Mềm yếu thắng cương cường
Tương truyền, trong ngày mừng thọ 80 tuổi của Lão Tử, rất nhiều người đến chúc mừng. Mọi người đều hỏi Lão Tử về bí quyết trường thọ.
Lão Tử không nói gì, ông chỉ mở miệng cho mọi người xem, mọi người cảm thấy khó hiểu. Sau đó Lão Tử giải thích: Răng cứng không còn, nhưng lưỡi mềm thì còn nguyên. Đây chính là đạo lý mềm yếu thắng cương cường.
Lão Tử ca ngợi nước, trẻ nhỏ, phụ nữ (giống cái), chủ yếu là vì ông thấy được sức mạnh của sự hiền dịu và dẻo dai.
“Cứng cỏi thì chết, mềm mại lại sống”. Mềm yếu là đại trí tuệ của sinh mệnh. Một cái cây khô rất dễ bị gió thổi gãy; một cái cây có sức sống mãnh liệt thì lại biết đung đưa theo gió. Người và cỏ cây cũng như nhau, khi còn sống thì đều mềm mại, khi chết rồi sẽ trở thành cứng ngắc.
Nước chảy đá mòn. Mềm mại có một sức mạnh rất lớn. Trên thế gian không có gì mềm yếu hơn nước, nhưng nước lại có thể khắc chế cương cường.
Bởi vì vật mềm có thể biến hóa, cho nên có thể thích ứng với những biến hóa của thế giới bên ngoài. Mà những thứ cương cường lại thiếu sự linh hoạt. Đây cũng chính là đạo lý ‘vô hình thắng hữu hình’ trong “Binh pháp Tôn Tử”.
Cuộc sống vốn rất đơn giản, những người sáng suốt sẽ chọn cách sống đơn giản nhất, tuy nhìn rất bình thường nhưng lại vô cùng trí tuệ.
Theo Vision Times
Xem thêm video: