Thứ Bảy , 25 Tháng Năm 2024

Kinh nghiệm giáo dục trẻ trong những năm đầu đời

01/01/24, 08:00 Văn hóa truyền thống
 Phương pháp kỷ luật trẻ nhỏ chi tiết và hiệu quả

Mỗi độ tuổi trẻ lại có biểu hiện khác nhau, cha mẹ nên thuận theo tâm sinh lý của trẻ ở từng lứa tuổi để giáo dục cho phù hợp.

Ở mỗi độ tuổi, trẻ em sẽ có một nét tính cách đặc trưng riêng: từ 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi là giai đoạn các bé cần được chăm sóc một cách an toàn; từ 2 tuổi, các em bắt đầu quan tâm đến người khác; từ 2 tuổi rưỡi là giai đoạn đầu của sự nổi loạn; từ 3 tuổi, trẻ thích chia sẻ với người khác; từ 3 đến 4 tuổi rưỡi bất an; từ 4 đến 4 tuổi rưỡi trẻ thích khoe khoang; từ 4 tuổi rưỡi, trẻ không thể phân biệt thực tế với tưởng tượng; từ 5 tuổi đến 5 tuổi rưỡi các bé trở nên rất đáng yêu; từ 5 tuổi rưỡi đến 6 tuổi trẻ tự cho mình là trung tâm của cuộc sống.

Từ 1 đến 2 tuổi: trong nhà xuất hiện một nhân vật phản diện, quyền lực và lợi hại

Các biểu hiện nổi bật nhất của trẻ lúc này bao gồm: sự phụ thuộc toàn phần vào cha mẹ, nhưng không có nghĩa là bạn muốn làm gì chúng cũng được. Chúng tự cao tự đại, thích sở hữu, ích kỷ và độc đoán. Thực chất những hành vi này chỉ là do trẻ đã bắt đầu có ý thức, ý chí tự chủ của bản thân. Nhưng rõ ràng con không biết cách diễn đạt; thậm chí chúng vẫn chưa thể hiểu được dụng ý của chính mình.

Khó tính nhưng không xấu tính

Trẻ nhỏ không có ý niệm xấu xa và chúng không có ý hành hạ cha mẹ hay cố ý tỏ ra vô lý. Đối với một đứa trẻ còn quá nhỏ như vậy, các kỹ năng kỷ luật được giới thiệu trong những cuốn sách – nếu thực hiện theo sẽ chỉ khiến người lớn trở nên bận rộn vì quá kiểu cách.

Giáo dục trẻ em; giáo dục trẻ mầm non; giáo dục trẻ sơ sinh
(ảnh: Chanhtuoi)

Về thực chất, chúng ta chỉ cần tạo cho con cảm giác an toàn. Em bé cần được chơi bằng cách chạm vào những thứ con nhìn thấy. Bạn có thể cất giữ hoặc di dời những vật dụng dễ vỡ, dễ làm tổn thương đến con và những vật dụng có thể bị con phá vỡ.

Cha mẹ có thể lợi dụng bộ não cá vàng dễ quên

Từ 1 đến 2 tuổi, khi đói, khát, mệt mỏi, buồn ngủ hoặc buồn chán, trẻ nhỏ có xu hướng mất bình tĩnh. Bạn nên tìm hiểu về sinh hoạt của trẻ và có biện pháp xử lý thích hợp như: cho trẻ tự ngồi ăn một mình, cho đi ngủ, đưa đi nơi khác chơi để chuyển hướng sự chú ý của chúng. Vì còn quá nhỏ, trẻ rất nhanh quên, bạn có thể tận dụng điều này.

Chẳng hạn, nếu bạn bế trẻ ngồi ăn trên ghế ăn, chúng nhất định không chịu ngồi, bạn không cần phải nài nỉ. Thay vào đó, dỗ trẻ bằng một miếng cà rốt hay mẩu bánh ăn dặm. Khi trẻ đã quên đi câu chuyện của 3 giây về trước, bạn hãy đặt chúng vào ghế ăn. 

“Không có khán giả, diễn viên không vui”.

Khi một đứa trẻ lăn lộn ăn vạ, cha mẹ không nên làm khán giả trong lúc đó. Hãy bỏ đi và làm kế hoạch của chúng bị phá sản.

Khéo léo đưa trẻ nhỏ vào khuôn khổ

 Khi con 2 tuổi, nếu bạn hỏi “con có muốn đi tắm không?” thì câu trả lời chắc chắn sẽ là “không!” rồi. Bạn có thể đổi thành “con muốn chơi với vịt trong bồn tắm hay chơi với chiếc xô?”. Chúng ta không hỏi lũ trẻ có muốn làm một điều gì đó hay không, mà hãy cho chúng lựa chọn làm việc đó theo cách nào. Chúng ta sẽ hình thành cho chúng thói quen, chúng nhất định phải đi tắm hoặc ăn cháo…

Giáo dục trẻ 2 tuổi; giáo dục trẻ đặc biệt; giáo dục trẻ ở việt nam
Người mẹ cần được nghỉ ngơi thư giãn tránh căng thẳng mệt mỏi (ảnh: Leep)

Việc chăm sóc con nhỏ không dễ dàng, nhưng hãy thư giãn một chút. Khi bạn quá mệt mỏi, buồn ngủ hoặc đói, bạn cũng sẽ mất bình tĩnh giống như đứa trẻ của mình. Vậy nên, trước khi bản thân bước vào “vùng tâm trạng tồi tệ”, hãy đối xử tốt với bản thân và nạp năng lượng đầy đủ.

Trẻ 3 tuổi: hạnh phúc, thân thiện, điềm đạm, an toàn, dễ chấp nhận và sẵn sàng chia sẻ

Một đứa trẻ ồn ào lúc 2 tuổi rưỡi, sẽ đột nhiên trở nên trầm lặng và dịu dàng khi gần 3 tuổi. Chúng thường nói “dạ” hoặc “vâng ạ!”. Và cười nhiều hơn sau khi khóc, cũng như dễ dàng thỏa hiệp với các yêu cầu của người lớn hơn trước. 

Khi 3 tuổi, hầu hết trẻ em đã ổn định về thể chất và tâm lý, đặc biệt là về mặt cảm xúc, trạng thái. Lúc này, trẻ đã có ý thức tốt về bản thân và có quan niệm về bản thân khá vững chắc. Tất nhiên, quan niệm về bản thân của trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến cách người ta sẽ đối xử với chúng. 

Mở rộng các mối quan hệ

Thái độ từ chối của trẻ 3 tuổi đã giảm bớt, thay vào đó là sự chia sẻ hay phụ thuộc. Đứa nhỏ này cũng đã bắt đầu có trải nghiệm về sự trưởng thành của mình.

3 tuổi cũng là tuổi của “chúng ta” ; nghĩa là trẻ hay dùng từ “chúng ta hãy đến…(một nơi nào đó)”, “chúng ta hãy…(cùng làm điều gì đó).

Giáo dục trẻ em là gì; giáo dục trẻ em hiện nay; giáo dục trẻ em là việc của nhà trường;
(ảnh: Monkey)

Những đứa trẻ trước đây có vẻ tự lập, bây giờ chúng chuyển sang nói với mẹ của chúng rằng:“mẹ hãy làm (điều gì đó) cho con” hoặc “mẹ hãy làm (điều gì đó) cùng với con”.

Ở tuổi này, trẻ em thích chơi với những đứa trẻ khác, nhưng người chúng yêu thích nhất vẫn là mẹ của mình. Nhất là khi bạn ngồi xuống, tập trung vào con, kể chuyện cho con nghe, chơi trò chơi cùng với con hay ở bên con; sẽ luôn mang lại cho đứa trẻ những cảm xúc vui vẻ.

Trẻ em 3 tuổi đã khá thuần thục và thoải mái trong việc kiểm soát các chuyển động cơ thể. Bé có dáng đi đều, vững vàng, chạy uyển chuyển và rẽ ngoặt dễ dàng. Khi bước đi, hai tay bé đung đưa một cách tự nhiên và không cần phải duỗi tay quá mức để cân bằng trọng tâm cơ thể.

Khả năng ngôn ngữ phát triển lên một tầm cao mới

Ở giai đoan này, bé thích lắng nghe để có thể học thêm các từ mới. Ví dụ: của con, giật mình,… Khi bạn làm điều đó khiến đứa trẻ khóc, bạn có thể cứu vãn tình hình bằng cách nói vài từ như “bất ngờ chưa” hoặc“món quà” và bạn thực sự lấy món quà nhỏ này ra, một chiếc bánh quy cũng có thể khiến đứa nhỏ vui mừng vô hạn và quên đi chuyện không vui vừa rồi.

Nhưng thời gian đó không kéo dài lâu, khi bạn vẫn đang tận hưởng khoảng thời gian tốt đẹp này, thì thời gian đã lặng lẽ đưa con đến một giai đoạn trưởng thành khác.

Trẻ 3 tuổi rưỡi: nổi loạn

Ba tuổi là tuổi hợp tác, 3 tuổi rưỡi thì ngược lại. Nổi loạn là đặc điểm lớn nhất của giai đoạn từ 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi. Đứa trẻ 3 tuổi rưỡi thực sự muốn làm mọi thứ theo ý của chúng. Đây là độ tuổi hướng nội, lo lắng, bất an và ý chí mạnh mẽ. Đôi khi, chúng ta không khỏi nghĩ rằng sở dĩ con ngoan cố như vậy có phải là do con quá tự tin? Hoàn toàn không phải vậy, nó hoàn toàn ngược lại.

Đứa trẻ 3 tuổi rưỡi rất bất an. Ngay cả trong quá trình phát triển thể chất, sự bất an của trẻ cũng được biểu hiện như nói lắp, thường xuyên vật lộn và đôi khi run rẩy một cách lo lắng.

Trẻ em ăn vạ
Trẻ 3 tuổi rưỡi bồn chồn, bất an, hay khóc (ảnh: Suckhoecong)

Một mặt, đứa bé thiếu cảm giác an toàn, nhưng mặt khác, chúng lại muốn thống trị thế giới bên ngoài. Vì không kiềm chế được cảm xúc nên ngày nào chúng cũng vật lộn mưu sinh, như thể cuộc đời quá đỗi bất hạnh. Bé thường cố gắng kiểm soát thế giới bên ngoài để giảm bớt sự lo lắng và bồn chồn.

Ví dụ, đứa trẻ ra lệnh cho những người xung quanh không được nhìn hay cười. Nhưng chỉ cần người khác không để ý tới, đứa trẻ lập tức sẽ kêu gọi mọi người hãy chú ý tới mình. Chúng không cho mẹ nói chuyện điện thoại, không cho bố đọc báo, thậm chí không cho bố mẹ nói chuyện với nhau. Đứa trẻ đang trải nghiệm mối quan hệ của mình với người khác và cá tính của chính mình.

Lúc này, đứa nhỏ không còn quan tâm đến “chúng tôi” , “chúng ta” nữa. Đó là một trong những lý do khiến bé tự đưa ra quyết định. Chúng cảm thấy những cái nhìn vô tình của người khác đã vi phạm quyền tự chủ của mình. Ở 3 tuổi rưỡi, bạn bè rất quan trọng với trẻ. Là bởi vì chúng muốn ở bên bạn bè, hành vi của chúng cũng có biểu hiện tự hài lòng với chính mình.

Tâm trạng bất ổn định

Nhiều trẻ em ở độ tuổi này có những người bạn trong tưởng tượng, cả con người và động vật. Là cha mẹ, chúng ta phải hết sức cẩn thận khi đánh con 3 tuổi rưỡi. Dù đây là giai đoạn khiến bạn khó chịu nhưng trẻ không phải là kẻ thù của cha mẹ. Chúng không cố ý chống lại bạn mà chỉ đang ở trong tình trạng thể chất và tinh thần bất ổn; cuộc sống hàng ngày của trẻ đòi hỏi chúng ta phải dành nhiều tâm sức hơn để đối phó.

Chúng ta nên chấp nhận rằng, ở độ tuổi này, nguồn cảm xúc lớn nhất của đứa trẻ chính là mẹ của chúng. Và bạn nên dành thời gian để chơi với con trong khi đứa trẻ đang không có tâm trạng tốt.

Trẻ 4 tuổi: thích điều mới, nhưng vẫn nghe lời

Một đứa trẻ 3 tuổi có trái tim ngoan ngoãn, thì một đứa trẻ 4 tuổi có trái tim hoạt bát. Trẻ em 4 tuổi điển hình rất thích phiêu lưu, du ngoạn, thích sự phấn khích, thích bất cứ điều gì mới, gặp gỡ những người mà bé không biết, đến những địa điểm mới, trò chơi mới, đồ chơi mới, hoạt động mới và sách mới. Không ai hưởng ứng những ý tưởng giải trí nhiều hơn đứa nhỏ 4 tuổi.

(ảnh: Neverlandkinder)

Trẻ em ở độ tuổi này, cả bé trai và bé gái hầu hết đều vui vẻ, năng động, hoạt bát, hay cười, không gò bó, háo hức thử mọi thứ. So với tình huống hay gây gổ khi bạn ấy mới 3 tuổi rưỡi, thì sự thay đổi không nhỏ.

Bây giờ, đứa trẻ thường nói nhiều hơn một chút, cũng hơi ba hoa và đôi khi hơi độc đoán. Tất cả những điều này là do chúng đang bắt đầu bước vào lĩnh vực thể hiện bản thân, nguyên nhân là do sự tươi mới và quá phấn khích.

Trước 4 tuổi rưỡi, nhiều trẻ đã được cha mẹ cho ra ngoài chơi mà không cần giám sát, kiểm tra. Tuy nhiên, đứa trẻ muốn biết mình có thể chơi ở đâu trước khi người lớn gọi đến tên của chúng. Vì vậy, nhiều đứa trẻ 4 tuổi thích những hạn chế bằng lời nói “xa đến cái cây, xa đến cái cửa”.

Thậm chí, nếu bạn nói với chúng rằng, con nên hay không nên làm điều này, chúng sẽ tuân theo các quy tắc này rất tốt.

Kỹ năng hòa đồng với trẻ 4 tuổi

1. Cùng trẻ chia sẻ và sáng tạo.

2. Chấp nhận sự khoác lác của chúng.

3. Cho trẻ thời gian riêng.

4. Đưa ra các tiêu chuẩn bằng lời nói.

5. Thảo luận với chúng.

6. Cố gắng tránh rắc rối.

7. Ngừng trò chuyện qua điện thoại (trẻ nhỏ ghét mẹ của chúng nói chuyện điện thoại).

8. Hướng dẫn trẻ theo cách hài hước và khẳng định.

9. Sử dụng những từ bí mật.

10. Nói chuyện với trẻ một cách tận tâm.

11. Chọn các chương trình truyền hình một cách cẩn thận, phù hợp, không bạo lực.

Trẻ 5 tuổi: vui vẻ và hoạt bát

Đứa trẻ 5 tuổi giống như ánh mặt trời, ấm áp và tươi sáng. Một đứa trẻ 5 tuổi là sự hoàn thành tâm nguyện của người mẹ, cha mẹ cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm.

Thời kỳ hoàng kim

Hãy thoải mái tiếp nhận tình yêu thương trở lại từ đứa trẻ 5 tuổi của bạn. Kẻ gây rắc rối đó cuối cùng đã trở nên hợp lý. Bạn ấy hết lòng muốn trở thành một đứa trẻ ngoan và làm hài lòng mẹ của mình; thế giới của bạn ấy xoay quanh mẹ của bạn ấy. Trái tim nhỏ bé của bạn ấy tràn đầy tình yêu thương dành cho mọi người, mọi vật, thậm chí cả ông trời và các vị Thần.

(ảnh: Brandee Hanes)

Chúng luôn mở to mắt, tò mò học hỏi, tiếp thu một cách tham lam và tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống.

Một đứa trẻ 5 tuổi đã có thể tự tránh được rắc rối. Chúng đã phát triển một khả năng kỳ diệu là đánh giá khá chuẩn xác những gì chúng có thể và những gì chúng không thể làm.

5 tuổi là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cả bé và bố mẹ. Đứa trẻ vui vẻ, thanh thản, thân thiện, bao dung và thích vâng lời cha mẹ. Hơn nữa, mẹ của chúng là trung tâm thế giới của chúng, làm mẹ vui là niềm hạnh phúc của đứa trẻ 5 tuổi.

Sau thời kỳ hoàng kim tươi đẹp, đứa trẻ bước vào thời kỳ nổi loạn thứ hai của cuộc đời giông bão: 6 tuổi

Thời kỳ nổi loạn này được đặc trưng bởi một ví dụ cụ thể thế này: đứa trẻ có khả năng ghét bỏ những thứ mà chúng thích bằng cả trái tim chỉ trong nháy mắt. Hơn nữa, trung tâm thế giới của trẻ không còn là người mẹ, mà là bản thân chúng.

Bé luôn muốn làm theo ý mình trong mọi việc, nên thường “không vâng lời và thậm chí bất kính” với cha mẹ. “Con không muốn thế! Con muốn như thế này!” .

Đứa nhỏ có thể là một học sinh gương mẫu ở trường nhưng ở nhà lại bất cẩn. Vì tính cách phân cực, việc trẻ 6 tuổi viết các nét chữ hoặc số ngược là điều rất phổ biến.

6 tuổi là một lứa tuổi khá nổi loạn (ảnh: Afamilycdn)

Trẻ cạnh tranh trong mọi thứ và không thể chịu đựng được bất kỳ thất bại nào. Chúng bướng bỉnh, tự phụ và vô lý. Trên thực tế, đứa nhỏ làm điều này chỉ để thiết lập và nâng cao cảm giác an toàn của chính mình. Bởi vì, hiện tại chúng đang ở thời kỳ nhạy cảm rất dễ bị tổn thương. Chúng không chỉ đặc biệt dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc, mà cơ thể, tóc và da dường như đặc biệt nhạy cảm với nỗi đau.

Một bé gái 6 tuổi có thể hét lên vì đau. Một cậu bé 6 tuổi có thể khóc rất nhiều sau khi bị ngã khiến bạn tự hỏi làm thế nào mà cậu bé lại cáu kỉnh hơn trước nhiều như vậy?

Cơn ác mộng cũng khiến trẻ em 6 tuổi gặp nhiều rắc rối

Vấn đề lớn nhất là mối quan hệ của trẻ em 6 tuổi với mẹ cũng trôi dạt giữa hai cực. Đứa nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào mẹ mình, đồng thời cố gắng tự đứng lên, với tâm lý hy vọng rằng mình không cần phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Bởi vì chúng không có đủ cảm giác an toàn. Trẻ đang có nhu cầu tình cảm rất lớn, và chúng cần mẹ của mình liên tục hứa sẽ yêu mình. Tuy nhiên, trong một lúc khác, đứa nhỏ lại lấy mẹ mình ra làm bao đấm khi chúng không hài lòng.

Trên thực tế, càng ít được khen ngợi, đứa trẻ càng khao khát được khen ngợi và sự thất vọng của chúng sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Đứa trẻ 6 tuổi rất sẵn lòng làm một học sinh ngoan trước mặt giáo viên, và có ý thức lấy lời nói của giáo viên làm chỉ dụ. Thậm chí giáo viên càng nghiêm khắc, nó càng cảm thấy an tâm. Ngay cả khi mệt mỏi về thể chất và tinh thần sau một ngày lên lớp, đứa trẻ cũng hiếm khi trút bầu tâm sự với giáo viên. Bạn ấy sẽ về nhà và trút lên đầu mẹ của mình.

Sự nhạy cảm cũng khiến sức khoẻ trẻ 6 tuổi bị ảnh hưởng

Vì xung đột tâm lý, sức khỏe của trẻ cũng sẽ xuống dốc. Chúng có thể phàn nàn về đau tay, đau chân, đau bụng, đau cổ, hay bất cứ điều gì. Hơn nữa, các mô niêm mạc của bé giai đoạn này rất dễ bị nhiễm trùng, mũi, tai, mắt, họng và cả vùng kín của bé gái cũng dễ xuất hiện các triệu chứng viêm nhiễm hơn so với các độ tuổi khác. Bé cũng dễ mệt mỏi.

Ngoài ra, trẻ em ở độ tuổi này sẽ tỏ ra vụng về, thường xuyên bị ngã và bầm tím. Hơn nữa, chúng dường như đặc biệt nhạy cảm với những vết thương này. Chỉ cần rút ​​một chiếc gai nhỏ trên đầu ngón tay ra sẽ khiến trẻ kêu lên. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn các loại băng gạc tiện lợi để xoa dịu cho trẻ. Cha mẹ cũng nên quan tâm, chăm sóc sức khỏe của con nhiều hơn.

Bố mẹ nên kiên nhẫn và dành thời gian nhiều hơn cho con (ảnh: Dienmayxanh)

Ngoài ra, nếu phát hiện trẻ có biểu hiện căng thẳng về mặt cảm xúc (cắn móng tay, bẻ các khớp tay, vo viên gấu áo…), chúng ta nên tìm cách hạ thấp yêu cầu đối với trẻ để xoa dịu cảm xúc của con.

Còn những chuyện như: bàn ăn không tươm tất, vứt quần áo khắp nơi… cha mẹ có thể nhắm mắt làm ngơ cũng không sao, chúng ta hãy khoan dung hơn.

Trẻ 6 tuổi chưa rõ lắm về sự khác biệt giữa “đồ của mình” và “đồ của người khác”, nên việc lấy đồ của người khác mà trẻ thích là một hiện tượng phổ biến. Ngoài ra, trẻ em không phải lúc nào cũng nói sự thật. Chẳng hạn, bạn ấy sẽ phủ nhận việc đã làm vỡ bình hoa, mặc dù trong nhà chỉ có mình bạn ấy đang chơi.

Lúc này, nếu bạn hỏi cậu bé ấy: “Làm thế nào mà con với tới chiếc bình cao như vậy?”

Bạn ấy sẽ miêu tả chi tiết cách bản thân di chuyển chiếc ghế.

Sau khi hiểu được đặc điểm và biểu hiện của trẻ ở các độ tuổi khác nhau, mong rằng các bậc cha mẹ hãy kiên nhẫn hơn với con mình. Trưởng thành là như vậy, trên đường đi có gập ghềnh, có tiếng cười và nước mắt, sự yêu thương và bao dung của cha mẹ sẽ giúp con phát triển được toàn diện hơn.

Theo AboluoWang

x