Mỗi ý niệm đều có báo ứng
Con người một ngày sinh ra không biết bao nhiêu ý niệm ở trong đầu, có cái tốt, có cái xấu, và không ngờ rằng tất cả đều có báo ứng.
- Tận mắt chứng kiến ‘thiện ác báo ứng’ cách nhau 16 năm
- Báo ứng của người xấu khi nào tới? Hãy nghe Diêm Vương trả lời
Bị quỷ binh bắt xuống âm phủ
Vệ Trọng Đạt là một vị quan trong Hàn Lâm Viện dưới triều Tống. Một hôm trong giấc mộng, linh hồn của ông đã bị quỷ binh bắt xuống âm phủ.
Phán quan chủ thẩm âm phủ ra lệnh cho thủ hạ thư biện (thư ký phụ trách quản lý công văn) đưa lên 2 quyển sổ về những việc thiện và việc ác mà ông đã làm trên dương gian. Khi những cuốn sổ được đem đến, những quyển sổ ghi lại việc làm xấu xa của ông nhiều đến nỗi chất đầy khắp sân. Trong khi chỉ có một quyển sổ ghi lại những việc làm tốt của ông.
Quan chủ thẩm ra lệnh đem cân lên, những quyển sổ ghi việc ác chất đầy khắp trong sân kỳ thực lại rất nhẹ, cuốn sổ mỏng ghi việc thiện ngược lại rất nặng.
Vệ Trọng Đạt trò chuyện cùng Phán quan chủ thẩm
Vệ Trọng Đạt hỏi: “Tôi chưa đến 40 tuổi, làm sao có thể phạm nhiều sai lầm và tội ác đến như vậy?”
Quan chủ thẩm trả lời: “Chỉ cần một ý niệm trong đầu bất chính thì chính là một sơ suất hoặc một tội ác và đều sẽ được ghi lại trong sổ. Ví dụ như khi nhìn thấy nữ sắc và có một ý nghĩ xấu thì đã phạm tội ác và sẽ được ghi lại”.
Vệ Trọng Đạt hỏi lại: “Thế còn sổ chép việc thiện trong đó ghi chép những gì?”
Quan chủ thẩm đáp rằng: “Hoàng thượng từng muốn xây dựng một công trình lớn, đó là tu sửa một cây cầu đá ở khu Tam Sơn. Lúc đó, ngươi đã khuyên hoàng thượng không nên thực hiện. Bởi vì nơi này ít ai lui tới, để tránh việc lãng phí tài nguyên và sức người. Những gì được ghi lại ở đây là bản thảo tấu chương do ngươi viết”.
Vệ Trọng Đạt nói: “Tuy tôi đã viết bản tấu chương này, nhưng hoàng thượng đã không nghe theo. Nên cuối cùng công trình đó vẫn được khởi công xây dựng. Bản tấu chương này cũng không có tác dụng ngăn cản sự việc đó xảy ra. Thế tại sao bản tấu chương này lại có được sức nặng lớn như vậy?”
Quan chủ thẩm giải thích rằng: “Tuy rằng hoàng thượng không tiếp thu kiến nghị của ngươi. Nhưng ý kiến của ngươi rất chính đáng và chân thành. Mục đích dù sao cũng là để giúp cho bá tánh trăm họ miễn đi lao dịch vô nghĩa. Nếu hoàng thượng chấp nhận ý kiến của ngươi, thì công đức của ngươi sẽ càng lớn hơn. Đáng tiếc ngươi có quá nhiều ác niệm, cho nên sức nặng của việc thiện đã giảm đi một nửa, chức quan vốn có thể thăng đến Thừa tướng, hiện tại đã không có hy vọng thăng lên chức Thừa tướng nữa rồi”.
Hối hận nhưng đã muộn màng
Vệ Trọng Đạt vô cùng chấn động liền tỉnh dậy.
Kể từ đó, Vệ Trọng Đạt thường dùng sự việc này để giáo dục người thân trong gia đình và con cái, chú ý đến suy nghĩ đoan chính, bài trừ các loại ác niệm dâm tà.
Về sau, chức quan của Vệ Trọng Đạt quả nhiên chỉ làm đến Lại bộ thượng thư, chứ không phải là Thừa tướng.
Điều ác mà Vệ Trọng Đạt phạm phải chỉ là một ác niệm vô nghĩa mà thôi, ông thậm chí còn chưa thực hiện, nhưng phúc báo trong đời của ông đã bị hao tổn. Còn điều thiện của Vệ Trọng Đạt chỉ là lời nói can gián, còn không được hoàng đế chọn dùng. Nhưng lực lượng của việc thiện này lại vượt qua lực lượng của việc ác được ghi trong những quyển sổ chất chồng khắp sân.
Từ ví dụ này, chúng ta có thể biết rằng, mỗi thiện niệm hay ác niệm của chúng ta đều có ghi chép và báo ứng tương ứng. Ý niệm khởi lên mỗi ngày của chúng ta chính là cửa vào của phúc và họa. Do đó, chúng ta cần chú ý quy chính nhất tư nhất niệm của bản thân mình.
Cổ ngữ có câu: “Nhân sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri, thiện ác nhược vô báo, càn khôn ắt hữu tư.” Có ý rằng, con người sinh một niệm, thiên địa đều biết tường tận, nếu không có quả báo thiện ác, càn khôn ắt có tư tâm. Từ đó, răn dạy con người tu tâm sửa tính, tích đức hành thiện.
Theo Vision Times