Có Đức có thể làm giàu, có Đức có thể đẩy lùi kẻ địch
Người xưa coi trọng phẩm đức, luôn lấy tiêu chuẩn cao để yêu cầu bản thân, bởi vì có Đức mới có thể sinh ra tài phú, mới có thể vượt qua khốn cảnh.
Tuân Cự Bá trọng nghĩa đẩy lùi được kẻ địch
Tuân Cự Bá là người thời Đông Hán, một lần nọ ông đến một thành phố xa xôi để thăm một người bạn đang bị ốm. Lúc đó, tình cờ bị một toán cường đạo người Hồ tấn công, người trong thành đều sợ hãi chạy trốn.
Người bạn liền nói với Tuân Cự Bá rằng: “Cường đạo chẳng mấy chốc sẽ tiến vào thành, hôm nay xem ra ta không thoát được cái chết rồi, đệ mau chạy đi!“. Tuân Cự Bá nói: “Đệ từ xa tới để thăm huynh, sao huynh lại bảo đệ rời đi? Đệ sao có thể làm loại chuyện vì cầu mạng sống mà bại hoại đạo nghĩa như vậy được?“
Quân Hồ sau khi vào thành liền hỏi Tuân Cự Bá rằng: “Đại quân của ta đến, cả thành đều chạy trốn cả rồi, nhà ngươi là ai mà dám ở lại đây?”. Tuân Cự Bá nói: “Ta là Tuân Cự Bá, vì bạn thân đang mang trọng bệnh, không người săn sóc, nên xa xôi ngàn dặm tới thăm. Ta không đành lòng bỏ huynh ấy ở lại, ta muốn đổi mạng của ta lấy mạng của huynh ấy”.
Quân Hồ vô cùng sửng sốt, bàn luận với nhau: “Chúng ta làm việc bất nghĩa, sao có thể mạo phạm đến cướp bóc ở nơi coi trọng đạo nghĩa như vậy chứ?”. Sau đó, họ lập tức rút quân, nhờ vậy mà cả thành đã được bình an.
Mặc dù Tuân Cự Bá không phải là một người giữ quan ải có võ thuật xuất chúng hơn người, nhưng vì bằng hữu, tinh thần nghĩa khí không sợ sinh tử và nguyện ý hy sinh bản thân vì người khác lại đã hóa giải được tai họa, chuyển nguy thành an.
Lỗ Tông Đạo trung thực được Hoàng đế trọng dụng
Lỗ Tông Đạo là một vị quan nổi tiếng thời Bắc Tống, ngay thẳng chính trực. Một ngày nọ, sau khi đi làm trở về nhà, ông mặc thường phục cùng người bạn cũ đến quán rượu gần đó để uống rượu và ăn cơm. Lúc đó Tống Chân Tông gấp rút triệu kiến ông vào cung. Khi ông trở về nhà, sứ giả trong cung phụng mệnh truyền chỉ đã đứng đợi ở trước cửa nhà của ông rất lâu rồi.
Sứ thần lo lắng hỏi ông: “Nếu như Hoàng Thượng trách tội vì chậm trễ, thì nên trả lời thế nào?”. Lỗ Tông Đạo nói: “Ngài chỉ cần nói sự thật”. Sứ giả nói: “Nếu ông nói sự thật, ông có thể đắc tội với Hoàng Thượng.”
Lỗ Tông Đạo nói: “Uống rượu và ăn cơm là những chuyện hết sức bình thường, không nói sự thật là phạm trọng tội lừa dối Hoàng Thượng!“. Sau khi sứ thần hồi cung, Hoàng đế Chân Tông truy hỏi về lý do Lỗ Tông Đạo chậm trễ, sứ thần đã nói thẳng ra tất cả những lời mà Lỗ Tông Đạo đã nói.
Sau khi Lỗ Tông Đạo vào cung, Chân Tông lại chất vấn ông, ông liền giải thích: “Thần có một người bạn cũ từ nông thôn đến, do nhà nghèo không có chén đĩa nên mới đến quán rượu để dùng cơm.” Nhờ đó, Chân Tông tin rằng ông trung thành và đáng tin cậy, nên đã trọng dụng ông.
Lỗ Tông Đạo biết rằng, ông vì việc riêng mà ảnh hưởng đến việc công sẽ đắc tội Hoàng Thượng, nhưng ông tin rằng nói sự thật, trung thực và không lừa dối là cách cư xử phải đạo. Chính biểu hiện trung thực này đã làm Tống Chân Tông cảm động và coi ông như một hiền tài hiếm có.
Ngũ Bỉnh Giám dựa vào Đức trở nên giàu có
Ngũ Bỉnh Giám là một thương nhân thời nhà Thanh, đã làm ăn buôn bán với nước ngoài trong thời gian dài. Có một đối tác của ông là một thương nhân đến từ Boston, Hoa Kỳ, do kinh doanh không tốt nên đã nợ Ngũ Bỉnh Giám hơn 70.000 USD, ông mãi vẫn không có khả năng hoàn trả và cũng không có cách nào trở về Hoa Kỳ.
Sau khi Ngũ Bỉnh Giám biết được điều này, chẳng những ông không lợi dụng lúc đối phương gặp khó khăn để đến tận nhà đòi nợ hay gây khó dễ cho đối phương; mà thay vào đó, ông nhờ người làm thuê tìm ra tờ giấy ghi nợ, sau đó xé nát chúng trước mặt vị thương nhân này và tuyên bố sẽ xóa nợ cho ông. Đối phương có thể về nước bất cứ lúc nào, đồng thời an ủi vị thương nhân này: “Ông là đối tác làm ăn tốt nhất của tôi, chỉ là nhất thời không may mắn mà thôi.”
Hành động hào phóng và rộng lượng của Ngũ Bỉnh Giám nhanh chóng nổi tiếng khắp Hoa Kỳ và được truyền bá trong nửa thế kỷ. Ngũ Bỉnh Giám cũng nhờ vậy mà kinh doanh ngày càng thuận lợi, trở thành người giàu có bậc nhất. Ông đã dựa vào đức mà có thể tạo ra phú quý như vậy.
Các bậc hiền triết đã nói: “Chiến thắng nhỏ phụ thuộc vào kỹ năng, chiến thắng trung bình phụ thuộc vào trí tuệ, và chiến thắng lớn phụ thuộc vào đức hạnh“. Cho dù là coi trọng nghĩa khí của Tuân Cự Bá, lòng trung thực của Lỗ Tông Đạo, hay là lòng tốt của Ngũ Bỉnh Giám, tất cả đều cho thấy rằng “đức” không đồng nghĩa với “không có tài”, “không hành động” và “không có lợi”. Mà ngược lại, người có đức sẽ có tất cả, là trí tuệ cao nhất để thành công trong cuộc sống, mang lại hạnh phúc và giàu có.
Theo Vision Times