6 điều hạnh phúc của đời người theo quan điểm của Khổng Tử
Trong cuộc sống thường ngày, bạn thích làm gì nhất? Điều bạn thích làm nhất thì có thể là điều khiến bạn hạnh phúc nhất. Khổng Tử có nói về 6 việc khiến con người hạnh phúc, thử xem bạn đã làm được bao nhiêu việc trong đó nhé.
- Khổng Tử: Cảnh giới cao nhất của tu dưỡng là gì?
- Khổng Tử: “Thiên hạ có 5 điều đáng lo ngại”, ngày nay điều nào đang phổ biến?
Nội dung chính
1. Niềm vui học tập
“Luận ngữ . học nhi” viết: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ!”. Câu này ý tứ là: Nếu có thể ôn đi ôn lại những kiến thức đã học thì chẳng phải là rất thú vị sao.
Muốn có tri thức thì phải học tập không ngừng. Trong quá trình học tập có thể sẽ có lúc cảm thấy buồn khổ, nhưng đồng thời cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc và thú vị. Học tập phải kiên trì, chúng ta không thể nào phá tan màn sương mù và tìm thấy chân lý chỉ trong một đêm, nó đều phải trải qua quá trình tiếp thu, lĩnh ngộ, thực hành, thì mới có thể chuyển hóa những kiến thức đã học thành trí tuệ của bản thân. Đến lúc đó thì những hạnh phúc thông thường sẽ không thể nào so sánh được.
2. Niềm hạnh phúc kết giao
“Luận ngữ . học nhi” viết: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ!”. Nghĩa là: Có bằng hữu từ phương xa tới thăm, chẳng phải là rất vui mừng hay sao?
Sẽ có những bằng hữu mà bạn cảm thấy rất vui khi gặp mặt, chỉ cần có vài người như vậy trong đời cũng là rất hạnh phúc rồi. Bạn bè không nhất định lúc nào cũng ở gần nhau, nhưng có thể thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau, thành tâm đối đãi với nhau. Bạn bè lâu ngày không gặp, cùng nhau uống trà, chia sẻ những chuyện đã trải qua, cũng là một thú vui của đời người.
3. Thưởng thức âm nhạc
“Luận ngữ . Thái bá” viết: “Thành vu nhạc”. Ý tứ là: Yêu thích âm nhạc.
Khi Khổng Tử ở nước Tề có may mắn được thưởng thức nhạc vũ “Đại thiều”. Sau khi thưởng thức xong thì lòng khoan khoái, ba tháng ròng ăn thịt mà không thấy mùi vị. Khổng Tử cảm thán rằng: “Không ngờ nhạc lại có thể đạt đến cảnh giới cao siêu kỳ diệu như thế này!” Khổng Tử cho rằng, việc yêu thích âm nhạc có thể dần dần bồi dưỡng một nhân cách hoàn mỹ, bởi vì âm nhạc là thiện và mỹ kết hợp.
4. Niềm vui giáo dục
“Luận ngữ . thuật nhi thiên” viết: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”. Nghĩa là: Học không biết chán, dạy không biết mệt.
Người ta hay nói “danh sư xuất cao đồ”, “hậu sinh khả úy”, những người thầy vĩ đại thường đào tạo được những học trò phi thường. Theo “Sử ký”: “Khổng tử viết: ‘ ‘Thụ nghiệp thân thông giả thất thập hữu thất nhân’, giai dị năng chi sĩ dã.” Khổng Tử đã dạy hơn 70 đệ tử, và mỗi người đều có chỗ ưu tú và nổi bật của riêng mình. Những đệ tử này có thể có tiếng tăm lừng lẫy từ xưa đến nay cũng là nhờ có thầy là Khổng Tử, ông đã không ngừng học tập và truyền thụ tri thức cho họ.
5. Thưởng ngoạn sơn thủy
“Luận ngữ ung dã” viết: “Tri giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”. Nghĩa là: Người sáng suốt thích nước, người nhân đức thích núi.
Thử nghĩ một chút, núi non hùng vĩ và dòng nước êm dịu, hòa vào nhau như âm dương, bổ sung cho nhau; con người đứng trước non sông tươi đẹp như vậy, ai lại không cảm động và vui thích trong lòng?
6. Niềm vui ăn uống
“Luận ngữ hương đảng” viết: “Thực bất yếm tinh, quái bất yếm tế”. Nghĩa là: Lương thực không chê giã quá kĩ, thịt cá không chê xắt quá nhỏ.
Khổng Tử rất để ý đến việc ăn uống, gia vị không vừa miệng không ăn, cắt khó coi không ăn, thịt cúng để quá 3 ngày không ăn… không chỉ vậy, còn có “ăn không nói, ngủ không nói”. Vì vậy một số nhà nghiên cứu cho rằng Khổng Tử là người sành ăn, ăn uống rất tinh tế, biết ăn như thế nào cho ngon. Ăn uống là việc mà ngày nào chúng ta cũng phải làm, nếu đồ ăn vừa ngon miệng mà vừa đẹp mắt nữa thì chẳng phải rất cao hứng hay sao?
Theo Vision Times