Truyền thống đánh bắt cá bằng chim cốc của người xưa
Trên vùng nước cổ xưa của sông Lệ Giang, có một truyền thống đánh bắt cá bằng chim cốc rất thú vị. Khi hoàng hôn buông xuống, trên những chiếc bè tre, các lão ngư dân đầu đội nón vành, râu tóc bạc phơ, khoác áo tơi, bên cạnh là những chú chim cốc đã tạo nên một hình ảnh nên thơ có một không hai.
Những ngư dân trên những chiếc thuyền tre khuấy tung mặt nước, những chú chim cốc với bộ lông đen nhanh chóng lặn xuống, đuổi theo những con cá với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Trong suốt hơn 1.300 năm qua, người và chim đã cộng tác cùng nhau duy trì kỹ thuật đánh cá truyền thống. Trước khi các công cụ đánh cá hiện đại ra đời, sự hợp tác bền bỉ giữa con người và động vật này là phương thức tối ưu cho các ngư dân có thể kiếm sống và là cơ hội để những chú chim cốc có được người chủ để nương tựa.
Nội dung chính
Nguồn gốc của nghề đánh bắt cá bằng chim cốc
Đánh bắt cá bằng chim cốc được nhắc đến lần đầu trong “Tùy Thư”, một cuốn sách lịch sử được viết vào triều đại nhà Tùy (581- 648) và được hoàn thành dưới thời nhà Đường.
Điều thú vị là cuốn sách miêu tả hoạt động đánh bắt này được viết bởi người Nhật chứ không phải người Trung Quốc. Vậy nên, nguồn gốc thực sự của kỹ thuật này vẫn luôn được tranh cãi. Điều chắc chắn là kỹ thuật này đã được ứng dụng rộng rãi vào thời nhà Tống (960-1279) và rất phổ biến ở nhà Minh.
Kỹ thuật đánh cá bằng chim cốc cũng đã xuất hiện ở phương Tây như Hy Lạp và Bắc Macedonia, phương pháp này được một số cựu chiến binh sử dụng. Anh và Pháp cũng từng dùng kỹ thuật này, nhưng không phải để mưu sinh mà đơn giản chỉ là để giải trí; đặc biệt là đối với Hoàng gia châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ XVI-XVII.
Có bằng chứng cho thấy việc đánh bắt bằng chim cốc đã được thực hiện trong nhiều thế kỷ ở Peru. Trên thực tế, người Uru ở Peru từ lâu đã huấn luyện và thuần dưỡng một loài chim cốc được gọi là chim cốc neotropical (Nannopterum brasilianum), loài chỉ có ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ.
Trong khi đó, người Nhật sử dụng chim cốc Nhật Bản (Phalacrocorax capillatus), một loài chim mỏ vàng sinh sống phổ biến ở các khu vực từ Đài Loan, về phía bắc qua Hàn Quốc, Nhật Bản và Viễn Đông Nga.
Ở Trung Quốc, ngư dân truyền thống trên sông Lệ Giang ưa chuộng loài chim cốc lớn (Phalacrocorax carbo). Loài này có nhiều kích thước khác nhau, chủ yếu có màu đen và sinh sản ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Á, Úc, bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ.
Chim cốc – loài chim thông minh và khéo léo
Chim cốc là loài chim nước có kích thước trung bình đến lớn, cơ thể thích nghi với việc bơi ở trong nước hơn là bay ở trên trời. Đôi cánh ngắn kết hợp với những ngón chân có màng giúp chúng trở thành những tay bơi lội cừ khôi.
Chúng là loài săn cá với chiếc mỏ dài và mỏng, cùng với tốc độ rẽ nước xuất sắc, cho phép chúng bắt con mồi với độ chính xác cao.
Tùy thuộc vào loài, một số loài chim cốc có thể lặn ở độ sâu đáng kinh ngạc (lên tới 45 mét) với thời gian tới năm phút.
Những con chim này cũng là cao thủ trong việc bắt cá trong đêm tối, điều này cho thấy chúng không chỉ phát hiện con mồi thông qua thị giác thông thường. Không giống như hầu hết các loài chim, lông chim cốc không hoàn toàn chống thấm nước, điều này giúp chúng lặn và bơi dễ dàng hơn. Khi lên bờ, chúng dang rộng đôi cánh để hong khô, một cảnh tượng độc nhất ở loài này.
Kỹ thuật thuần hóa chim cốc
Việc huấn luyện chim cốc thường bắt đầu khi chúng còn nhỏ, thông qua việc nhập bầy với những con lớn hơn hoặc thông qua việc thưởng-phạt khi chúng hợp tác nghe lời chủ.
Khi được bốn tháng tuổi, chúng đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tham gia đánh bắt cá cùng chủ nhân cho đến hết cuộc đời. Chúng có tuổi thọ khoảng 20 năm.
Trước khi chim cốc được phép xuống nước, ngư dân sẽ buộc dây quanh cổ chúng, đủ lỏng để chúng có thể nuốt những con cá nhỏ, nhưng đủ chặt để ngăn những con cá lớn hơn vượt qua thực quản. Mỗi khi bắt được một con cá lớn, theo bản năng nó sẽ quay trở lại thuyền hoặc bè, để cho chủ nhân lấy cá ra khỏi cổ họng và thưởng công cho sự nỗ lực của chúng.
Một con chim cốc có thể giúp chủ nhân của chúng thu hoạch được hàng chục con cá mỗi ngày.
Một người bạn đồng hành
Mặc dù việc buộc cổ những con chim và thưởng cho chúng một phần nhỏ so với số lượng chúng bắt được, nghe có vẻ tàn nhẫn và không công bằng; nhưng cả hai đều được hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác này. Con người vì mưu sinh, chúng vì sự bảo hộ và chăm sóc cơ bản, cả hai bên đều vì mục đích sinh tồn mà nương tựa lẫn nhau.
Sự tương tác này dựa trên niềm tin của người xưa về việc sống hài hòa với thiên nhiên. Trong bối cảnh đặc biệt của Trung Quốc cổ đại, nơi các triết lý Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đã định hình lối suy nghĩ và hành vi của xã hội, con người tôn trọng vạn vật. Tuy nhiên, họ cũng nhận ra vai trò của thiên nhiên đối với sự sống còn của con người, vì vậy họ không ngại sử dụng những nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban cho họ để phát triển sự sống.
Do chim cốc có tuổi thọ tương đối cao, thêm vào đó chúng được huấn luyện từ khi còn rất nhỏ. ngư dân đã quen với việc bầu bạn với những con chim của họ. Đối với một số ngư dân, nó giống như con của họ vậy.
Đây là lý do tại sao nhiều ngư dân Trung Quốc cổ xưa thường gọi con chim cốc của họ là “Dưỡng mệnh tử”. Dưỡng mệnh tử ý nói về một người con hiếu thuận, sống để nuôi cha mẹ. Họ yêu thương và tôn trọng chúng như một thành viên trong gia đình.
Truyền thống bị mai một và lãng quên
Hiện nay, truyền thống này đã bị mai một, rất ít ngư dân còn duy trì phương thức đánh bắt cá này. Các công cụ đánh cá hiện đại đã khiến kỹ thuật truyền thống này trở nên lỗi thời. Những người đàn ông đã cống hiến cả cuộc đời cho nghề này đôi khi vẫn tiếp tục làm điều đó, nhưng giờ đây chỉ là sự trình diễn trước đông đảo khán giả, do ngành du lịch thúc đẩy.
Trên dòng sông Lệ Giang đầy thơ mộng, những chiếc bè tre từng chở người và chim đi đánh cá giờ đây được những ngư dân trẻ đẩy đi, sẵn sàng cho buổi biểu diễn trực tiếp theo nhịp điệu của âm nhạc. Chim cốc vẫn đi cùng các bạn trẻ ra sông, nhưng chúng được xem như một diễn viên của một chương trình giải trí.
Mối quan hệ giữa người và chim không còn sự kề vai sát cánh như xưa. Thời buổi hiện đại hóa, nó chỉ là một thứ công cụ trình diễn, được cho là giúp tăng thu nhập hàng năm của ngư dân lên ít nhất từ 20 đến 30 nghìn nhân dân tệ. Tuy nhiên, có lẽ với những người trẻ hiện nay, họ đã không còn tôn trọng mối quan hệ giữa người và chim như tổ tiên của họ đã từng làm.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, truyền thống đánh bắt cá này vẫn còn được bảo lưu như một nét văn hóa, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Theo Vision Times