Tiên lễ hậu binh, nghi lễ ôm quyền trong võ thuật
Cổ nhân có câu: “Tiên lễ hậu binh“, trước dùng lễ nghĩa, nếu không được mới dùng vũ lực. Trong võ thuật truyền thống, ôm quyền cũng là một nghi lễ được coi trọng.
- Hành trình tìm kiếm môn khí công trị bệnh tận gốc của thầy dạy võ
- Bí ẩn cơ thể người: Đằng sau bệnh tật có linh thể
Nội hàm võ đức trong võ thuật
Ngày nay, mọi người thường cho rằng võ thuật là hình thức dùng để chiến đấu, đánh nhau, phân tài cao thấp. Trên thực tế, võ thuật truyền thống chân chính không phải là một môn thể thao, cũng không phải là dùng để giải trí. Võ thuật xuất hiện từ hàng nghìn năm trước, sớm nhất là bắt nguồn từ thời cổ đại khi Hoàng Đế tạo ra vũ khí và chiến đấu chống lại Xi Vưu, để ngăn chặn cái ác và trấn áp bạo lực. Một bộ phận thân pháp của võ thuật đã phát triển thành vũ đạo, được sử dụng trong các cuộc tế lễ và ăn mừng.
Thời xưa, từ vua chúa cho đến thứ dân đều rất coi trọng võ thuật, bởi vì nó không chỉ dùng để dưỡng sinh, nâng cao sức khoẻ, mà còn có nội hàm đạo đức thâm sâu.
Võ thuật truyền thống nhấn mạnh võ đức. Võ nghĩa là ngăn chặn can qua, ngăn chặn chiến tranh, xung đột. Tức là ngăn chặn cái ác, hoằng dương cái thiện. Do đó, võ đức là đức hạnh ngăn chặn cái ác. Võ đức bao gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, nên có thể nói là hình ảnh đại diện cho văn hoá truyền thống Trung Hoa. Giới võ thuật thời xưa lấy đức làm tiêu chuẩn để đánh giá, người học võ coi trọng hành thiện, không lấy võ thuật để uy hiếp người khác, mà dùng để rèn luyện thân thể và phòng thân tự vệ.
Ôm quyền hành lễ
Ôm quyền, còn gọi là chắp tay, là một lễ nghi trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Lễ nghi này có rất nhiều ý nghĩa. Nó có thể ngăn chặn sự lây nhiễm lẫn nhau của một số vật chất xấu trên cơ thể con người. Thời xưa, đàn ông thường ôm quyền trước ngực, sau đó cúi người hành lễ, mọi người thường gọi là “ôm quyền thi lễ”. Phụ nữ thường đặt tay lên eo và ôm quyền chào, đầu gối hơi cong để hành lễ. Đây vừa là một phần của động tác võ thuật trong văn hóa Trung Hoa, cũng vừa được sử dụng như một hình thức lễ nghi.
Người bình thường không chú ý nhiều đến nghi lễ ôm quyền, nhưng những người luyện võ thời xưa thì lại đặc biệt quan tâm đến lễ tiết này. Thời xa xưa, các võ sĩ khi gặp nhau sẽ ôm quyền hành lễ, thể hiện sự kính nhường và khiêm tốn, không cần đến gần cũng không cần bắt tay, điều này có thể tránh được sự nghi ngờ vô căn cứ và những thủ đoạn bất chính của đối phương.
Một số môn phái võ thuật cũng đã có quy ước về các quyền lễ cụ thể, chẳng hạn như “Hợp quyền lễ” của phái Thiếu Lâm và “Trát y thế” của Nội gia quyền. Như vậy, khi mọi người gặp nhau, có thể không cần nói chuyện cũng có thể nhận ra ai là đồng môn của mình.
Có một loại ôm quyền phổ biến nhất trong giới võ thuật và không phân biệt giữa các môn phái: Người tập võ đưa tay trái và tay phải lên trước ngực, uốn cong ngón cái của bàn tay trái và đưa 4 ngón còn lại thành chưởng, tay phải tạo thành nắm quyền (hoặc cầm vũ khí), lòng bàn tay trái che nắm tay phải ôm lẫn nhau, hai cánh tay giữ tròn.
Văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa đề cao giá trị nội hàm, nghi lễ chắp tay này cũng có ý nghĩa vô cùng độc đáo. Bàn tay trước là chưởng, tượng trưng cho đức hạnh, văn chương, lý luận, lễ nghi, phòng thủ,… Bàn tay sau là quyền (hoặc vũ khí), tượng trưng cho võ thuật, pháp luật, binh lính, vũ khí, tấn công,… Hai tay bao nhau trước ngực tượng trưng cho “Đức võ kiêm tu”, “Văn võ song toàn”, “Pháp lễ bình đẳng”…
Đặt chưởng phía trước và quyền phía sau có nghĩa là “Quyền do lý mà đến”, “Võ lấy đức làm đầu”, “Lễ trước binh sau”, và “không vây hãm thì không phát binh”. Ngón cái của bàn tay phía trước bị cong về phía sau, điều đó biểu thị là người luyện võ không thể coi mình là “đứng đầu”. Hai cánh tay được giữ tròn để thể hiện rằng giới võ thuật trong thiên hạ đều là người một nhà, dùng võ thuật để kết bạn.
Trong giới võ thuật, ngoài nghi lễ ôm quyền còn có các nghi thức như Trì giới lễ, Đệ giới lễ, Tiếp giới lễ.
Nếu coi nghi lễ ôm quyền là quyền thức thì nó còn có chức năng là “Diệp để tàng hoa” (dấu hoa dưới lá) hay “Trửu để khán chủy” (dùng quyền bảo vệ khuỷu tay). Nếu thầy và trò ôm quyền hành lễ khi bắt đầu và kết thúc buổi tập võ thì có thể thể hiện mỹ đức truyền thống “Tôn sư ái sinh“ (tôn kính thầy, yêu thương trò).
Do đó, ôm quyền không những là một phần của động tác võ thuật trong văn hóa Trung Hoa, mà còn là hình thức lễ nghi, thể hiện sự kính nhường và khiêm tốn.
Theo Vision Times