Dọn dẹp tâm hồn
Đó là một ngày mùa hè, tiếng chim hót ríu rít, gió hiu hiu, và trời nắng như đổ lửa. Tôi học trong căn phòng trọ nhỏ mà mồ hôi nhễ nhại, bồn chồn. Không thể ngồi lâu hơn nữa, tôi đứng dậy dọn dẹp căn phòng, cũng là một cách xoa dịu cảm xúc của mình.
Dọn dẹp căn phòng giúp bạn biết mình cần gì?
Tôi bắt đầu với việc dọn giường. Khi cất đi chiếc chăn bông dày cộp của mùa đông đang đè nặng lên đệm, tôi cảm thấy tâm trạng cũng nhẹ nhàng theo.
Rồi đến lượt chiếc tủ quần áo, công việc mất nhiều thời gian chính là đây. Sau nhiều lần tỉ mỉ xem xét từng chiếc một, tôi phát hiện có quá nhiều quần áo, vật dụng chất thành đống lâu ngày.
Một số đã nhiều năm không sử dụng, thậm chí tôi đã quên mất sự tồn tại của nó. Một số vẫn còn nguyên mác, mới tinh, khiến tôi rơi cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Rõ ràng đây là kết quả của việc “muốn nhiều hơn mức cần thiết”. Trên thực tế, cái thực sự cần là rất ít, trong khi cái muốn lại quá nhiều, khiến tôi cảm thấy ân hận.
Làm sao để phân biệt “muốn” hay “cần”? “Cần” xuất phát từ thể xác, là một mức độ vật chất, rất đơn giản và có giới hạn như cơm ăn, áo mặc, nhà ở…
“Muốn” lại thuộc về khía cạnh tâm lý, nó vô tận, không có điểm dừng, ví như của cải, danh vọng, tình cảm…Vì vậy, khi “muốn” vượt quá “cần”, thì những lo lắng, muộn phiền sẽ nối tiếp nhau mà đến.
Dọn dẹp ngoài và trong, chính là dọn dẹp thân và tâm
Lần này thông qua việc dọn dẹp căn phòng, tôi có cơ hội phát hiện ra vấn đề ở bên trong mình. Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là một trải nghiệm nhỏ và nhất thời mà không phải là cách chữa trị vấn đề một cách triệt để. Dần dà theo thời gian rất có thể tôi sẽ lặp lại những sai lầm tương tự.
Thực ra để thay đổi tận gốc ngọn nguồn, tôi nghĩ cần phải điều chỉnh từ trong ra ngoài, nghĩa là cần chú trọng vào tâm hồn mình, vào suy nghĩ của mình. Cần bỏ đi những suy nghĩ không tốt, không có ích gì cho một cuộc sống bình yên.
Suy nghĩ không tốt ở đây có thể là cái nhìn tiêu cực về hoàn cảnh sống, về điều kiện sống hay về những người xung quanh. Bạn không thể cải tạo được ai ngoài thay đổi bản thân mình. Cũng giống như bạn không thể xông vào nhà họ mà dọn dẹp nhà họ. Bạn chỉ có thể dọn dẹp căn nhà của mình.
Nhìn rốt ráo tận gốc thì đó là cải biến tâm mình. Bởi vì, khi tâm một người bình yên, không nổi sóng, thì họ mới đủ tĩnh để chế ngự những mong muốn. Họ sẽ không bị mắc kẹt trong sự xáo trộn và rối loạn của ngoại cảnh.
Dọn dẹp “bên trong và bên ngoài” là để ổn định “thân và tâm”. Khi “thân tâm lắng lại” thì mới thực sự có được sự thư thái, tự do đúng nghĩa. Đó là bài học quan trọng nhất trong cuộc đời. Tất nhiên, không dễ mà đạt được. Bạn phải trải qua thử thách và rèn luyện mới có được điều đó.
Hiểu sâu sắc về bản chất vô thường của cuộc sống, người ta có thể thấy các nguyên tắc pháp lý đơn giản và dễ dàng. Bằng cách đối mặt với vấn đề, người ra sẽ tìm ra giải pháp.
Trong những năm tháng của cuộc đời, điều quan trọng là học cách tĩnh tâm, thanh thản nhìn nhận những gì xảy ra xung quanh. Có như vậy mỗi ngày sẽ là một ngày tốt lành!
Theo Epoch Times