Cổ nhân nói “Có đức mặc sức mà ăn”. Người hành thiện tất có phúc báo. Vì vậy, không trục lợi mà cuộc sống lại sung túc no đủ.

Xưa nay, những người buôn bán hầu như đều đặt lợi ích lên hàng đầu. Một số có thể vì lợi nhuận sẵn sàng lừa dối, làm hại khách hàng. Vậy nên, nhân gian mới đúc kết thành câu “mười người buôn, chín kẻ gian”. Tuy nhiên, có một thương nhân đã hành xử theo cách không trục lợi. Ông bán gạo để cho người mua tự đong. Mọi người thấy đây thật là chuyện lạ!

Tưởng rằng ông sẽ lỗ vốn, thậm chí có thể phá sản. Ai dè cuộc sống của ông lại sung túc no đủ. Theo ghi chép, cuối cùng nhờ đức hạnh của bản thân mà ông thăng thiên thành Tiên.

Để người mua gạo tự đong

Chuyện được ghi chép trên Minh Huệ Net, kể rằng Lý Giác là người Giang Dương, Quảng Lăng. Mấy đời sinh sống ở trong thành, làm nghề buôn bán lương thực kiếm sống. Tính tình Lý Giác đoan chính, cẩn thận, không giống như những người bình thường khác. Lúc 15 tuổi, cha ông chuyển đến địa phương khác, nên giao lại toàn bộ việc buôn bán lương thực cho ông coi sóc.

Khi có người đến mua gạo, Lý Giác đưa thăng (dụng cụ đong lương thực, bằng 1/10 đấu) và đấu cho họ, để họ tự mình đong. Bất kể giá cả lúc ấy như thế nào, mỗi đấu gạo ông chỉ lấy hai văn tiền lãi dùng để phụ cấp cho cha mẹ. Suốt khoảng thời gian dài, việc cơm áo của gia đình ông rất sung túc, no đủ.

Lý Giác bán gạo để người mua tự đong.
Lý Giác bán gạo để người mua tự đong. (Ảnh minh họa: Songdep).

Cha của ông cảm thấy rất kỳ lạ, liền hỏi ông đã có chuyện gì xảy ra. Ông kể sự thật cho cha ông nghe. Cha ông nói: “Thời gian cha buôn bán lương thực, những người cùng nghề đều là dùng thăng đấu không đồng nhất. Lúc bán ra thì họ dùng đấu nhỏ, lúc mua vào thì dùng đấu lớn để kiếm được nhiều tiền lãi hơn. Mặc dù hàng năm, hai mùa xuân thu đều có quan lại đến kiểm tra chỉnh sửa thăng đấu cho chính xác nhưng trước sau gì vẫn không thể ngăn chặn được tệ nạn ấy.

Ta chỉ dùng cùng một cái thăng đấu khi bán ra và mua vào; thời gian cũng rất lâu dài, tự cho mình làm không có gì sai trái. Con hiện lại đổi thành người mua tự mình đong. Cha vậy là thua kém con rồi. Thế nhưng, con để người mua tự mình đong mà vẫn có thể cơm áo sung túc. Chẳng lẽ là Thần linh trợ giúp con sao?”

Phúc báo sung túc no đủ cho người bán gạo

Về sau, cha mẹ ông đều qua đời. Mãi đến lúc Lý Giác 80 tuổi, ông vẫn không thay đổi nghề nghiệp của mình. Lý Giác sống đến 100 tuổi, thân thể vẫn vô cùng nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Ông đột nhiên nói với con cháu rằng: “Ta sống trên đời nhiều năm, mặc dù ta tự mình tu dưỡng chân khí, nhưng đối với các con cũng không có lợi ích.

Buổi tối một ngày nọ, Lý Giác ra đi. Ba ngày sau, quan tài của ông phát ra một tiếng nứt vỡ. Mọi người nhìn thấy, y phục mà ông mặc vẫn ở đó, nhưng dường như là hồn lìa khỏi xác, thân thể bay lên thành Tiên.

không những được cuộc sống sung túc no đủ mà Lý Giác cuối cùng đắc Đạo thành Tiên
Nhờ đức hạnh của bản thân, Lý Giác đã đắc Đạo thành Tiên. (Ảnh minh họa: Sohu).

Lời kết

Việc Lý Giác bán gạo để người mua tự đong là biểu hiện của vị tha, trái ngược với những người buôn bán thông thường vẫn tìm cách trục lợi cho bản thân. Hành động của Lý Giác đã gieo nhân lành, nên cuộc sống của ông sung túc no đủ chính là biểu hiện của thiện quả.

Có lẽ Lý Giác cũng đã hiểu rằng mệnh của mỗi người vốn được an bài từ trước. Cái gì của mình thì sẽ là của mình. Vì vậy, ông không đi tính toán so đo, không tranh đấu, chiếm đoạt. Kỳ thực, nếu dùng thủ đoạn để có được tiền tài thì khác nào cưỡng lại mệnh Trời mà tạo nghiệp. Kết quả của những việc làm sai trái là cái lợi đến ngay trước mắt; nhưng lâu dài phải hoàn trả nghiệp đầy thống khổ.

Hơn thế nữa, chuyện Lý Giác tu thành Tiên ngụ ý điều gì? Chúa Giê-su cho rằng, người giàu tu Đạo sẽ khó khăn. Người Trung Quốc xưa nay quan niệm rằng, người buôn bán khó tu Đạo. Việc Lý Giác tu thành Tiên đã minh chứng rằng hết thảy đều là ở tâm của mình chứ không phải nghề gì và giàu nghèo ra sao. Làm người tốt trong bất luận hoàn cảnh nào, đều sẽ có cơ hội tu thành đắc Đạo.

Chuyện Lý Giác bán gạo để người mua tự đong mà cuộc sống sung túc no đủ khiến người làm kinh doanh phải suy ngẫm.

Xem thêm: