Phải dùng đến roi vọt để dạy trẻ là việc bất đắc dĩ, nhưng có người cho rằng tuyệt đối không nên đánh trẻ, quan điểm này liệu có đúng? 

“Đánh trẻ” đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội ngày nay, khi mà nhiều vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra, có khi là cha mẹ đánh con cái, hoặc là cô giáo mầm non đối xử thô bạo với trẻ. Trước tình trạng này, có người cho rằng, thầy cô tuyệt đối không được đánh học trò, chỉ được truyền dạy kiến thức, nhưng tuyệt đối hóa như vậy liệu có đúng hay không? Chúng ta hãy cùng bàn luận một chút về chủ đề nhạy cảm này.

Kỳ thực, đây không phải là câu chuyện quá mới mẻ bởi từ hàng chục năm trước, học giả Nguyễn Hiến Lê đã có một bài đăng trên “Tạp chí Bách khoa số 26”. Ông kể rằng:

“Mươi năm trước, có lần tôi được gặp một nữ giáo viên rất lưu tâm tới Tân Giáo Dục, đã du học Âu Mỹ về. Cô hoạt bát, hiếu khách, nên câu chuyện kéo dài khá lâu. Tôi để ý nhận xét thì thấy cô chưa có kinh nghiệm gì riêng cả, toàn là lặp lại ý kiến của người. Tôi đã lễ phép ba lần xin cáo từ, chủ nhân đã đưa tôi ra tới cổng mà câu chuyện cũng vẫn thao thao chưa dứt. 

Đột nhiên ở bên hàng xóm có tiếng đàn ông quát tháo, rồi có tiếng roi quất, có tiếng trẻ khóc. Nữ giáo viên nọ mặt đương tuơi bỗng sầm lại. Cô bỏ dở câu chuyện mà thốt ra câu này tới nay tôi vẫn còn nhớ: ‘Đồ dã man! Con nít chứ phải là thú vật đâu mà đánh nó!’ Cặp môi son của cô tru ra khi cô dằn vào tiếng thú, cặp lông mày kẻ chì của cô cau lại, tôi thấy sao mà dữ thế. Bao nhiêu cái duyên của cô biến đi đâu mất hết, và tôi chỉ còn thấy trên mặt cô toàn những nanh cùng mỏ.”

Bàn về chuyện đánh trẻ: Phải chăng tuyệt đối không nên?
Có nên giáo dục con trẻ bằng cú đấm, cái tát? (ảnh minh họa Adobestock)

Ông định đáp lại nữ giáo viên đó một câu nhưng lại thôi vì ngại phiền hà, ông định nói rằng: “Bên Tây bên Mỹ ra sao tôi không biết, chứ trong xã hội Việt Nam này, cha mẹ nào mà không có lần đánh con? Ngay như chúng mình đây, hồi nhỏ ai mà khỏi bị đòn? Không lẽ tất cả những cha mẹ đó đều là dã man, đều coi con như loài thú vật”.

Nói về chuyện đánh học trò, tục ngữ xưa có câu: “Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn”. Nhà văn Toan Ánh trong tác phẩm “Nếp xưa” nói rằng: 

“Một ông đồ phải hay chữ, điều đó đã đành, nhưng muốn học trò được tấn tới, lại cần phải dữ đòn. Ngọn roi mây là yếu tố thúc đẩy để các trò nhỏ chăm học.

Đánh một trò xong, thầy học bao giờ cũng nhắc lại: ‘Đã đi học thì phải chăm học, không chịu học phí công thầy dạy, lại còn tốn tiền của cha mẹ, chẳng thà ở nhà đi chăn trâu còn hơn’”.

Tuy đánh vậy, nhưng cũng không có học trò nào dám oán thầy, mà chỉ thấy là mình sai, lười biếng và cần phải chăm chỉ hơn. Theo lễ nghi xưa, vua, thầy, rồi mới đến cha, ông thầy dạy học còn hơn cha sinh dưỡng. Cha mẹ học sinh thường rất kính nể các ông đồ, vì sự học vấn cũng như vì sự dạy dỗ con cái họ; còn tình thầy trò thì cũng khăng khít như tình cha con.

Bàn về chuyện đánh trẻ: Phải chăng tuyệt đối không nên?
Thời xưa tình thầy trò khăng khít như tình cha con (ảnh: Wikipedia)

Có người cho rằng, thời nay mà còn đánh trẻ như thế thì quá lạc hậu, nhưng học giả Nguyễn Hiến Lê lại cho rằng việc đánh trẻ chỉ như là một lẽ tự nhiên, vì không phải đứa trẻ nào cũng ngoan hiền, dễ bảo. Ông nói rằng: 

“Dù văn minh tới mấy, có giáo dục tới mấy mà chưa tới được cái trình độ minh triết của Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca, Ki Tô… thì ai cũng có những lúc gắt gỏng bất công hoặc hung dữ mà cha mẹ hóa ra khe khắt với con cái, con cái hóa ra vô lễ với cha mẹ. Tới một mức nào đó cha mẹ có thể bỏ qua cho con được; quá cái mức đó thì phải trừng trị, mà trong lúc giận dữ có đi quá cái lẽ phải cũng là chuyện thường. Còn con cái thì phải nhịn cha mẹ, nếu quá một mức nào đó, không thể bình tĩnh được nữa thì tạm lánh mặt đi, như vậy mới là phải Đạo”.

Cũng như Lão Tử từng giảng: “Đạo mất rồi sau mới có Đức; Đức mất rồi sau mới có Nhân; Nhân mất rồi sau mới có Nghĩa; Nghĩa mất rồi sau mới có Lễ”. Do đó khi dạy dỗ một đứa trẻ, việc chúng ta mềm mỏng hay nghiêm khắc là tùy thuộc vào chúng có Đức, Nhân, Nghĩa hay là Lễ. Nhưng nếu như đến cả Lễ chúng ta dạy mà trẻ cũng phá bỏ thì buộc cha mẹ hoặc thầy cô phải có biện pháp mạnh hơn, ở đây chính là dùng roi vọt, như thế cũng là phù hợp với Đạo.

Giáo dục muốn có hiệu quả thì phải coi trọng tôn ti trật tự, trẻ phải kính sợ cha mẹ của mình, học trò phải tôn trọng thầy cô, nếu không thì sự giáo dục rất khó mà có hiệu quả. Cũng như việc chúng ta dùng ấm trà rót nước vào tách trà, ấm trà phải để lên cao hơn thì nước mới có thể đổ vào tách trà được. Nếu trẻ không tôn trọng người dạy dỗ mình thì làm sao có thể giáo dục được, cũng như việc đặt tách trà ngang bằng hoặc cao hơn cả ấm trà vậy.

Bàn về chuyện đánh trẻ: Phải chăng tuyệt đối không nên?
(ảnh minh họa Adobestock)

Thỉnh thoảng chúng ta lại thấy một video lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy học trò nói chuyện rất hỗn với thầy cô, nhưng thầy cô cũng đành bất lực mà không làm gì được, vì chỉ cần hơi ‘động thủ’ một chút thì rất có thể sẽ bị kiện cáo. Còn đâu câu nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn”… trách nhiệm dạy dỗ làm người của thầy cô cũng bị giảm đi ít nhiều, mà giờ chỉ chú trọng vào dạy kiến thức, còn đạo đức của trò như thế nào thì để cho gia đình chịu trách nhiệm chính.

Có thể nói, không ai muốn phải dùng roi vọt cả, nhưng sự tình nó đến mức phải làm như thế, vậy thì cũng không thể nói là sai. Học giả Nguyễn Hiến Lê nói: 

“Vậy đánh trẻ mà chúng sợ, biết sửa lỗi, lại không oán mình, không hóa ra mất hẳn cá tính, thì là việc không có gì đáng trách cả trong xã hội hiện tại.

Nếu đánh mà chúng vẫn không chừa, hoặc sinh ra oán mình hoặc hóa ra sợ sệt giả dối, thì là không có công hiệu, là vô ích, phải sửa đổi lối dạy, giao cho người khác hoặc một cơ quan nào đó trông nom, uốn nắn chúng. 

Còn như giận cá chém thớt, vì có điều gì bực mình mà trút sự bực mình lên đầu đứa trẻ, đánh nó không phải là để sửa lỗi cho nó mà chỉ để cho hả cơn tức của mình, thì nhất định là một hành động xấu xa rồi”.

Có thể thấy, dù là đánh trẻ hay không đánh trẻ, nếu đi vào hướng cực đoan thì cũng là điều không tốt. Hy vọng mọi người sẽ lựa chọn được cách dạy con phù hợp nhất cho mình.