Ngày 4 và 5 tháng 9 năm 1998 là hai ngày đặc biệt đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Châu Âu bởi đây là ngày nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ Lý Hồng Chí, đã đến Geneva giảng Pháp.

Năm nay đánh dấu 25 năm kỷ niệm sự kiện kéo dài hai ngày này. Ngày đầu tiên, Sư phụ giảng Pháp tại một hội trường của Văn phòng Liên Hiệp Quốc. Buổi sáng ngày thứ hai, các học viên cùng nhau luyện công tại sân vận động ở Thônex. Vào buổi chiều, họ chia sẻ tâm đắc thể hội và lắng nghe Sư phụ giải đáp câu hỏi.

Cuối buổi sự kiện, mỗi học viên ra về với một cuốn Chuyển Pháp Luân bản dịch tiếng Pháp để về nhà tự học.

Đối với nhiều học viên Châu Âu, đây là cột mốc chính trong quá trình tu luyện và giúp họ nhận thức sâu hơn về Pháp Luân Đại Pháp. Nhiều người vẫn còn ấn tượng sâu sắc về khoảng thời gian đó, từ bài giảng Pháp của Sư phụ đến sự thiện lương, nhân hậu của các đồng tu, cho đến bầu không khí trang nghiêm trong hội trường giảng Pháp.

Con đường phản bổn quy chân

Bà Corine sống ở Thụy Sỹ, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997. Bà nhớ lại lúc đó nhiều học viên từ Geneva, các thành phố khác của Thụy Sỹ và khắp nơi trên thế giới đã tề tựu tham gia bài giảng Pháp của Sư phụ. “Sư phụ giải thích cấu trúc phức tạp của vũ trụ. Thật may là bài giảng đã được xuất bản sau đó“, bà nói.

Nội hàm bài giảng Pháp rất thâm sâu rộng lớn, từ cấu trúc vũ trụ đến việc tu luyện tâm tính và mối liên hệ chặt chẽ giữa hai điều này. Từ lâu, bà Corine luôn thắc mắc về mục đích của sinh mệnh và tại sao con người phải trở thành người tốt. Sư phụ đã giải đáp tất cả những điều này. “Trước đây, tôi chỉ nghĩ rằng con người phải có mục đích sống hơn là lãng phí cả cuộc đời. Tôi đã thử nhiều thứ nhưng không hiệu quả”, bà Corine nói. “Tôi tìm thấy đáp án cho những gì tôi đang tìm kiếm khi nghe Sư phụ giảng vì bài giảng của Sư phụ đã khai sáng cho tôi“.

Sau khi nhận được cuốn Chuyển Pháp Luân tiếng Pháp, bà Corine quyết định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp một cách nghiêm túc. “Đối với tôi, cuốn sách này vô cùng tuyệt vời và tôi đã đọc xong trong vòng hai ngày. Tôi nhận ra Pháp Luân Đại Pháp vĩ đại biết bao và ngay lúc đó tôi thực sự bắt đầu bước trên con đường tu luyện”.

Bà Corine tham gia nhóm luyện công ở Thônex vào ngày hôm sau. Đa số các học viên phương Tây chưa từng tham gia nhóm luyện công với quy mô lớn như vậy và gặp khó khăn khi xếp hàng. Các học viên Đài Loan đã nhẹ nhàng hướng dẫn mọi người xếp thành hàng và cột. “Tôi ấn tượng trước khung cảnh trang nghiêm lúc đó“, bà Corine nói.

Trước đây, bà Corine nghĩ rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chỉ cần luyện các bài công pháp. Sau khi tham dự buổi giảng Pháp của Sư phụ và giao lưu với các học viên, bà hiểu rằng Pháp Luân Đại Pháp yêu cầu học viên tu luyện và đề cao tâm tính, cố gắng trở thành một người tốt và hiểu được những Pháp lý thâm sâu cao tầng của vũ trụ. “Cầm sách Chuyển Pháp Luân trong tay, tôi biết đây chính là Đại Pháp, Đại Đạo”, bà nói.

Những thắc mắc trong cuộc sống đã được trả lời

Một học viên khác, bà Catherine cũng tham gia sự kiện vào năm 1998. Bà lớn lên trong gia đình theo đạo Thiên Chúa nên bà thường xuyên đến nhà thờ. Nhưng bà có rất nhiều câu hỏi mà tôn giáo không thể trả lời và nhìn thấy hành xử của một số người dường như đi ngược lại với những gì được giảng trong Kinh thánh.

Một hôm sau khi tham dự các buổi lễ nhà thờ vào năm 1996, bà Catherine cầu nguyện: Nếu có một nhóm người thật sự thuần tịnh và đang cứu thế giới thì con muốn đi đến đó. Không lâu sau, một người bạn nói với bà về Pháp Luân Đại Pháp nhưng bà không bước vào tu luyện mãi cho đến năm 1997.

Khi cuốn sách Pháp Luân Công bản tiếng Pháp được xuất bản vào năm 1998, bà Catherine lập tức đọc và chấp nhận mọi điều trong sách. Những điều Sư phụ giảng đã giải khai những thắc mắc trong tâm của bà bấy lâu nay, ví như, tại sao con người lại khó trở thành người tốt như vậy. Cảm giác này cũng xuất hiện khi bà tham dự buổi giảng Pháp ở Geneva và trong lúc đọc sách Chuyển Pháp Luân.

Tuy nhiên, khi đọc đến mục “Tu luyện phải chuyên nhất“ (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân), bà Catherine do dự. Trong tâm, bà thầm nói: “Thưa Sư phụ, con đã đi theo Chúa Giêsu cả đời rồi nên không thể làm đệ tử của Ngài”.

Ngay lúc đó, bà ngạc nhiên khi nghe thấy câu trả lời: “Nếu chư vị chọn làm đệ tử của tôi thì đừng quay đầu lại, chư vị phải hết sức nghiêm túc“.

Cuối cùng bà Catherine quyết định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Suốt 25 năm qua, bà đã chiểu theo các Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp và Chân – Thiện – Nhẫn để hành xử. Bản thân bà đã cải biến từ trong ra ngoài.

“Pháp Luân Đại Pháp đã cho tôi sự tự do thật sự. Tôi không còn tranh cãi với người khác và bây giờ tôi có được sự nhẫn nại, thiện lương và bao dung”. Những người xung quanh bà cũng nhận thấy điều này. Trước đây bà dễ dàng nổi giận và mọi người tránh nói chuyện với bà. “Sau khi tôi bắt đầu tu luyện, mọi người nói tôi đã thay đổi rất nhiều, ngay cả những người tôi không biết rõ cũng nói tôi thiện lương, đáng tin và họ muốn kết bạn với tôi“, bà nói.

Đức tin mạnh mẽ

Bà Myriam sống ở vùng nói tiếng Pháp của Thụy Sỹ và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997. Ngay khi biết tin Sư phụ sẽ đến Thụy Sỹ, bà lập tức thu xếp mọi việc để tham gia. Bà cho biết mọi người từ khắp nơi trên thế giới có mặt ở đó và bầu không khí rất trang trọng và thiêng liêng, không thể tưởng tượng được.

Bà Myriam nói đã ngộ ra nhiều Pháp lý thông qua bài giảng Pháp của Sư phụ. Bà cảm thấy sự khẩn cấp của việc tu luyện cá nhân và mong muốn ngộ được tất cả những điều Sư phụ đã giảng cho học viên vào buổi giảng Pháp hôm đó.

“Trong khi lắng nghe, tôi hoà tan vào lời giảng của Sư phụ. Bài giảng rất logic, mạch lạc và thâm sâu, tôi xúc động sâu sắc trước sự bao la, vĩ đại của Pháp Luân Đại Pháp và sự kỳ diệu của Tạo Hoá”, bà nói. Những điều Sư phụ giảng đã tăng cường tín tâm của bà vào Sáng Thế Chủ.

Khi lắng nghe chăm chú, bà Myriam có thể cảm nhận sự từ bi của Sư phụ. Mặc dù bài giảng có nhiều khái niệm mới đối với người phương Tây như bà, nhưng Sư phụ đã giải thích cặn kẽ và bà không gặp khó khăn gì để hiểu được những khái niệm này.

“Tôi có nhiều khái niệm cần hiểu: thời gian và không gian, nghiệp lực, duyên phận, tu luyện, hiểu biết về Chúa Giêsu, Phật Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử và những điều khác“, bà nhớ lại. “Nhưng tất cả đều được giải thích rõ ràng, minh bạch đến mức tôi không cần phải theo lối tư duy thông thường được dạy trong xã hội người thường nữa. Tôi hoàn toàn tiếp thu bài giảng của Sư phụ và không hoài nghi điều gì”.

Thông qua bài giảng của Sư phụ, bà Myriam càng minh bạch rõ tầm quan trọng của việc đọc đi đọc lại nhiều lần sách Chuyển Pháp Luân. Đọc sách giúp bà có những thể ngộ sâu hơn. Kể từ hôm đó, bà biết Pháp Luân Đại Pháp là con đường chính đạo và quyết tâm tu luyện.

“Tôi thực sự đã tìm thấy con đường của mình. Đó là con đường phản bổn quy chân. Tôi cũng ý thức được bản thân phải nỗ lực thật nhiều để loại bỏ đi nhiều chấp trước, bao gồm chấp trước tự ngã“, bà Myriam nói. “Con xin cảm tạ Sư phụ. Tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các học viên đã tổ chức thành công Pháp hội Thụy Sỹ này”.

Theo Minh Huệ Net