Có nợ phải trả: Đầu thai đòi nợ gấp 10 lần
Nhân quả công bằng, có nợ thì phải trả, tưởng rằng lừa gạt được người khác, nhưng ngờ đâu lại phải bù đắp gấp 10 lần.
- Luật nhân quả báo ứng công bằng: Vàng bạc tự tìm về chủ cũ
- Báo ứng của người xấu khi nào tới? Hãy nghe Diêm Vương trả lời
Nội dung chính
Gửi ‘rượu’ ở nhà bằng hữu
Câu chuyện xảy ra vào cuối thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh. Cách kinh thành Bắc Kinh mấy chục dặm có một thôn làng tên là Ngõa Gia Điếm. Ở trong thôn có một gia đình rất giàu có tên là “Tiền viên ngoại”. Cách nhà của họ hai dặm có một gia đình nông dân, người này họ Lý, mọi người hay gọi là “Lý lão nhị”.
Bởi vì Lý lão nhị biết một chút về nghề làm ngói nên thường hay đến nhà của Tiền Viên Ngoại để làm một số việc. Mỗi lần đến nhà của Tiền viên ngoại làm việc thì Lý lão nhị được trả tiền công cũng không phải ít. Vì thường xuyên qua lại nên hai nhà cũng trở nên thân thiết với nhau. Tiền viên ngoại gọi Lý lão nhị là ‘Lý lão đệ’. Lý lão nhị gọi Tiền viên ngoại là ‘Tiền đại ca’.
Một năm nọ, Tiền viên ngoại muốn cùng cả gia đình đến phương Nam buôn bán, phải vài tháng sau mới trở về. Tiền viên ngoại tìm đến Lý lão nhị và nói: “Lý lão đệ, chúng ta qua lại bấy lâu nay cũng rất tốt, huynh có chút việc muốn nhờ đệ, không biết đệ có đồng ý cho không”.
Lý lão nhị nói: “Tiền đại ca, huynh có việc gì thì cứ nói, việc gì đệ có thể làm được thì nhất định sẽ dốc hết sức để làm”. Tiền viên ngoại nói: “Huynh có một chút rượu ngon, sợ khi đi xa sẽ bị gia nhân trong nhà uống trộm mất; muốn nhờ đệ bảo quản giúp, không biết ý đệ thế nào”.
Vò rượu mà lại không có rượu
Lý lão nhị nói: “Chút chuyện nhỏ này, đệ còn tưởng là có việc đại sự gì. Huynh cứ yên tâm mà đi, đợi đến khi huynh trở về, đệ sẽ giao nguyên xi lại cho huynh”.
Vậy là Tiền viên ngoại đã cho người mang 30 vò rượu đến nhà của Lý lão nhị. Lý lão nhị mang số rượu này để trong gian phòng phía Tây, dùng khóa để khóa kín cửa lại.
Thoáng chốc mà Tiền viên ngoại đã đi được 2 tháng, nhưng không thấy có tin tức gì. Một ngày nọ, Lý lão nhị tự nhiên lại nhớ đến mấy hũ rượu mà Tiền viên ngoại gửi, liền mở cửa phòng ra xem thử một chút.
30 vò rượu ngon đều dùng giấy tốt dán kín miệng lại. Trên miệng bình có dán một tờ giấy đỏ, trên đó có viết một chữ “Rượu” thật lớn. Lý lão nhị cầm thử một bình rượu lên ngửi thử thì không thấy có mùi gì. Trong đầu thầm nghĩ: “Bình rượu này tuy đóng kín, nhưng ít ra cũng phải có chút mùi rượu chứ nhỉ?” Ông dùng hai tay lắc thử bình rượu thì cũng không nghe thấy tiếng gì.
Thấy kỳ lạ, Lý lão nhị mới nhất quyết mở một bình rượu ra để xem thử; nhưng khi vừa mở ra thì ông kinh ngạc: Ở trong bình toàn là bạc trắng. Ông liền mở tất cả các bình rượu ra xem xét, thì thấy tổng cộng có 3.000 lượng bạc. Đây quả là tiền từ trên trời rơi xuống!
Động lòng tham, lừa người chiếm bạc
Lý lão nhị động lòng tham, ông ta vắt hết óc suy nghĩ diệu kế để có thể lấy được số bạc này. Cuối cùng ông nghĩ ra một chiêu thâm độc. Ông ra phố mua một ít rượu ngon rồi đổ vào trong mấy vò rượu đó. Sau đó lại đóng các vò rượu lại như cũ; còn 3.000 lượng bạc kia thì ông đem chôn ở trong hầm trú ẩn của nhà mình.
Mấy tháng sau, Tiền viên ngoại trở về, Lý lão nhị liền đem 30 vò rượu trả lại cho Tiền viên ngoại. Chờ Lý lão nhị đi rồi, Tiền viên ngoại mở hũ rượu ra xem thì thấy bạc trắng đã biến thành rượu trắng. Tiền viên ngoại lập tức hiểu ra: “Tích cóp cả đời của mình đã bị Lý lão nhị lấy mất rồi”.
Tiền viên ngoại muốn đi báo quan kiện Lý lão nhị, nhưng rồi lại nghĩ: “Lúc đầu nhờ ông ta giữ hộ rượu, bây giờ ông ấy trả lại thì đúng là rượu, thật không biết kiện cáo ra sao”. Tiền viên ngoại đành phải nén giận mà bỏ qua, nhưng tức khí trong lòng thì không hết được. Nửa năm sau, cũng bởi vì ưu sầu mà qua đời.
Lý lão nhị thấy Tiền viên ngoại đã qua đời, mà cũng không thấy ai tìm đến ông kiện tụng gì; vì vậy đã dùng bạc của Tiền viên ngoại mua đất, xây nhà, lại lấy thêm mấy tiểu thiếp. Cuộc sống nhộn nhịp vui tươi không sao kể hết.
Giấc mơ kỳ lạ, dự báo điềm dữ
Không lâu sau, một tiểu thiếp của ông có thai và sắp sinh con. Bởi vì vợ ông không thể sinh con, nên lần này ông rất vui mừng. Một ngày nọ, ông đột nhiên mơ thấy mình đang ở trong một phòng trà, cửa đột nhiên mở ra. Từ bên ngoài có một người đi vào, ông nhìn kỹ một chút thì đó chính là Tiền viên ngoại. Tiền viên ngoại vác trên vai một bao tiền, cười nói với Lý lão nhị rằng: “Ta đến để đòi nợ đây”. Lúc này Lý lão nhị đột nhiên tỉnh lại, mồ hôi lạnh toát cả người.
Ngay lúc đó, một nữ hầu đi vào nói rằng người thiếp kia đã sinh cho ông một đứa bé mập mạp, khỏe mạnh. Vốn là chuyện vui, nhưng vì giấc mơ tối qua mà Lý lão nhĩ cảm thấy bất an. Ông cứ nghĩ miết là liệu giấc mơ kia và con trai của ông có liên quan gì hay không. Vì vậy ông vẫn luôn phòng bị với đứa bé này.
Nhưng đứa con trai này lại vô cùng hiếu thuận. Đến tuổi đi học, Lý lão nhị liền mời mấy thầy giáo về dạy cho cậu. Đứa bé này học cũng rất khá, cái gì đã đọc rồi là sẽ nhớ mãi. Các thầy giáo cũng thường khen cậu là kỳ tài, tương lai có thể ra làm quan.
Người con trai tài giỏi nhưng tiêu tốn rất nhiều tiền
Một thời gian sau, Lý lão nhị cũng dần quên đi giấc mộng đòi nợ đó. Đến năm 18 tuổi thì con trai của Lý lão nhị vào kinh đi thi, quả nhiên là cậu đã thi đậu và được làm quan thất phẩm. Lý lão nhị treo lồng đèn đỏ, mở tiệc ăn mừng, bạn bè thân hữu đều đến chúc mừng.
Vào buổi trưa thì có một người nói rằng: “Tôi thấy Lý huynh cũng không thiếu tiền, chi bằng dùng tiền mua một chức quan lớn hơn cho con trai. Nếu huynh đồng ý thì tôi có thể giới thiệu người”. Mọi người quanh đó đều nói đây là ý hay.
Lý lão nhị nghĩ: “Mình chỉ có duy nhất một đứa con trai này, làm quan thất phẩm thì cũng hơi phí; mua một chức quan lớn hơn cũng được”. Vì vậy Lý lão nhị đã chi tiền để mua chức quan lớn hơn cho con. Mấy tháng sau, quả nhiên con trai của Lý lão nhị đã được đề bạt làm quan tứ phẩm.
Đây lại là một chuyện đáng mừng hơn nữa, Lý gia lại tổ chức ăn mừng linh đình. Lúc này người tới xin làm mối cho con trai cũng nhiều. Nhưng con trai lại chưa chịu đồng ý ai, mà nhất định đòi lấy một thiên kim tiểu thư, con một đại thần ở trong triều. Vì vậy Lý lão nhị phải bỏ ra rất nhiều tiền đưa lễ, mời người làm mai giới thiệu. Đằng nhà gái cuối cùng cũng đồng ý, nhưng lại đòi lễ vật rất lớn. Lý lão nhị lại đành phải cắn răng mà chi tiền.
Có nợ phải trả
Ngày cưới đã định là ngày 5 tháng sau. Một ngày nọ khi gần đến ngày cưới cho con trai, Lý lão nhị cao hứng uống mấy ly rượu rồi đi ngủ. Không ngờ giấc mơ 18 năm trước lại trở lại, Tiền viên ngoại cười ha hả nói với Lý lão nhị rằng: “Nợ ngươi thiếu ta, ta đã đòi 18 năm qua, cuối cùng phải trở về thôi, còn kiếm được một chút lời nữa”. Nói xong liền vỗ tay vào cái túi tiền trên vai. Quả nhiên khi tới thì túi tiền lép xẹp, nhưng bây giờ thì đã phình lên.
Tiền viên ngoại nói tiếp: “Nợ cũng đòi xong rồi, ta nên đi thôi”. Lý lão nhị đột nhiên tỉnh lại. Lúc này có một người hầu hốt hoảng chạy vào nói: “Lão gia, không xong rồi, công tử bị bệnh rồi, phải nhanh đi xem ngay”.
Lý lão nhị cuống cuồng chạy nhanh đến phòng con trai thì thấy cậu đã chết rồi. Lý lão nhị ngồi phịch xuống đất bất lực. Ông đã hiểu ra mọi chuyện: Tiền viên ngoại đã chuyển sinh thành con trai của ông để đòi nợ.
Nhân quả luân báo là có thật
Ông hồi tưởng lại: Từ khi con trai ra đời, phải mời thầy dạy, đi thi, mua chức quan, đính hôn… Con trai của ông ước chừng đã tiêu hết 30.000 lượng bạc? Cho nên Tiền viên ngoại trước khi đi mới nói là cũng kiếm được một ít lời.
Từ đó, tiền tài của Lý lão nhị cũng dần cạn kiệt. Ông cả ngày thất thểu ở trên đường như ăn xin, gặp ai ông cũng nói về việc lừa tiền hại người của mình; khuyên mọi người chớ có làm những việc thương thiên hại lý như vậy. Bởi vì thiếu nợ thì nhất định sẽ phải hoàn trả. Chỉ là mọi người đều cho rằng Lý lão nhị đã bị điên rồi…
Có nợ phải trả, đó là Thiên lý, tham lam hại người thì rồi cũng sẽ phải bồi thường, thậm chí là trả gấp nhiều lần.
Theo Epoch Times