Đạo bất đồng bất tương vi mưu – không cùng cảnh giới không thể nói chuyện
Trong Luận Ngữ của Lão Tử có câu “Đạo bất đồng bất tương vi mưu”, nghĩa là những người không cùng chí hướng, tư tưởng quan niệm thì không thể cùng nhau đàm đạo được.
- Hoàng Đế cầu kiến tiên ông Quảng Thành Tử hai lần mới đắc Đạo
- ‘Tái Ông thất mã’ – câu chuyện ẩn chứa cảnh giới thâm sâu đời người
Nội dung chính
Hai tăng sĩ đấu Thiền với nhau
Chuyện kể rằng, theo truyền thống Thiền ngày xưa của Nhật Bản, các tăng sĩ khi đi vân du mà muốn ngủ nhờ qua đêm ở một ngôi chùa hay tịnh xá nào đó thì đều phải thắng trong cuộc tranh luận tay đôi với vị sư thường trụ ở đó. Nếu không thắng được thì vị du tăng đó nhất định phải rời đi.
Tại một ngôi chùa cổ ở phía bắc Nhật Bản. Quản lý ngôi chùa đó là hai nhà sư, hai người này vốn là anh em ruột của nhau. Sư anh rất thông tuệ, biện luận vô cùng sắc sảo; còn sư em lại có vẻ hơi khờ khạo, hơn nữa còn bị chột một mắt.
Một đêm nọ, có một vị du tăng (vị tăng nhân) đi ngang qua và muốn được nghỉ tạm qua đêm. Sư anh cảm thấy đã khuya rồi, và muốn để vị du tăng ấy được nghỉ trọ qua đêm. Vì vậy mới bảo sư em ra tiếp khách và tranh luận với vị du tăng theo truyền thống. Trước khi sư em ra ngoài, sư anh sợ người em nói những lời thô lỗ nên căn dặn trước:
– Này, đệ yêu cầu người ta tranh luận trong im lặng nhé. Đừng có nói gì hết, kẻo đấu không lại người ta đó.
– Huynh yên tâm đi, cứ để đó cho đệ.
Vị du tăng bái phục sư em
Một lát sau, vị du tăng xin gặp sư anh để chào từ biệt trước khi ra đi. Ông ta nói đã bị khuất phục trước tài hùng biện của sư em. Sư anh ngạc nhiên hỏi:
– Trước khi đi, xin ngài thuật lại cho tôi nghe cuộc tranh luận diễn ra như thế nào?
– Tuyệt vời! Này nhé, trước hết tôi giơ một ngón tay lên, ý là tượng trưng cho Đức Phật. Sư đệ của ngài đưa 2 ngón tay lên có nghĩa là Đức Phật và Phật Pháp. Tôi lại đưa 3 ngón tay lên, có ý nói là Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Sư đệ của ngài đưa nắm tay lên dứ vào mặt tôi, có ý nói rằng Tam Bảo đều quy về một. Một là tất cả, tất cả là một. Quả là tuyệt vời, quá hay, quá sâu sắc. Tôi thực sự bái phục!
Đạo bất đồng bất tương vi mưu – không cùng cảnh giới không thể nói chuyện
Vị du tăng cứ thế ra đi trong đêm nhưng lại rất vui vẻ, mặt mày hớn hở như đã học được một điều gì đó rất tuyệt diệu. Một lát sau, sư em vào gặp sư anh, dáng vẻ xem ra còn rất bực bội. Sư anh cười nói:
– Huynh biết là đệ đã thắng cuộc tranh luận này
– Thắng cái gì mà thắng, cái tên du tăng đó thật là thô lỗ hết sức. Nếu đệ không nhớ lời huynh dặn rằng phải nhẫn nại và lễ độ với khách thì đệ đã cho hắn một bài học thích đáng rồi.
– Sao lại như vậy? Đệ thuật lại cho huynh xem nào?
– Thế này, khi hắn ta vừa thấy đệ thì liền đưa một ngón tay lên, có ý chế giễu đệ bị chột một mắt. Đệ cố dằn cơn giận xuống mà đưa 2 ngón tay lên, có ý khen hắn có phước lắm nên mới có đủ 2 con mắt. Thế mà hắn lại còn tiếp tục trêu ngươi đệ, hắn đưa 3 ngón tay lên, có ý nói đệ và hắn 2 người nhưng chỉ có 3 con mắt. Lúc này đệ bực mình thực sự, mới giơ nắm đấm lên dứ vào mặt hắn, có ý là ‘này, vừa vừa phải phải thôi nha, thâm nho là ăn đấm đó’. Hắn chột dạ, có vẻ sợ đệ nên chào rồi rút lui. Thật là một tên du tăng thô thiển!
Sư anh nghe mà cứ tròn xoe mắt, không ngờ câu chuyện lại diễn tiến như vậy. Sư anh không nhịn được cười mà nói: “Quả là Đạo bất đồng bất tương vi mưu”, tư tưởng quan niệm khác nhau thì không thể cùng nhau bàn luận được.
Đạo bất đồng bất tương vi mưu
Câu “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” còn được hiểu theo một số cách như sau:
Những người không cùng chí hướng thì không thể cùng nhau bàn bạc làm ăn được. Cũng giống như câu ‘chim sẻ làm sao biết được cái chí của đại bàng’.
Những người có tư tưởng quan niệm khác nhau thì không thể cùng nhau bàn luận trao đổi được. Ví dụ như hai người ở hai tôn giáo khác nhau, tu tập theo các trường phái khác nhau thì khi nói chuyện sẽ có nhiều chỗ bất đồng với nhau.
Những người không cùng cảnh giới với nhau thì cũng khó có thể đàm đạo được. Ví dụ ở đây chính là câu chuyện ở trên, hai người tuy cùng tu Thiền nhưng cảnh giới lại khác biệt nhau quá xa, từ đó mà ông nói gà bà nói vịt; cuối cùng thì mỗi người hiểu theo một kiểu và đều cho rằng mình đúng.
Theo Vạn Điều Hay