Hoàng Đế cầu kiến tiên ông Quảng Thành Tử hai lần mới đắc Đạo
Người đời phân ra địa vị cao thấp, giàu sang nghèo hèn, nhưng bậc thánh nhân lại chỉ xét cái tâm. Muốn làm Thần tiên thì chính những tiền bạc danh vọng lại phải buông bỏ đầu tiên. Câu chuyện Hoàng Đế Hiên Viên hai lần đi tìm tiên ông Quảng Thành Tử để cầu Đạo chính là một gợi ý cho thế nhân.
- Trở thành Thần tiên không khó, khó ở chỗ có thể kiên trì hay không
- Ông lão không thấy già đi, vốn là Thần tiên núi Côn Lôn
Nội dung chính
Hoàng Đế Hiên Viên đi cầu kiến tiên ông Quảng Thành Tử
Hoàng Đế Hiên Viên trị vì khoảng năm 2698 TCN đến 2599 TCN. Ông được coi là người đã sáng lập ra nền văn minh Trung Hoa và là thủy tổ của người Hán. Hoàng Đế nghe nói có một vị tiên nhân cổ xưa tên là Quảng Thành Tử ở núi Không Động (nay ở tỉnh Cam Túc) nên không quản ngại đường xa ngàn dặm tìm đến để cầu Đạo.
Lần đầu tiên khi tìm đến núi Không Động để bái kiến tiên ông Quảng Thành Tử thì Hoàng Đế đã 40 tuổi. Lúc đó ông làm vua đã được 20 năm. Khi đi ông đã dẫn theo cả một đoàn quân lính và tùy tùng rầm rầm rộ rộ.
Hoàng Đế ngồi trên lưng con voi lớn đi đằng trước; theo sau là nguyên phi Luy Tổ và đoàn nữ tiết ngồi trong xe gỗ lớn ở đằng sau. Bên ngoài còn có quan văn, quan võ, binh lính gồm hơn trăm người nhắm hướng núi Không Động mà đi.
Để thể hiện thành ý của mình, Hoàng Đế cho đốt cỏ thơm ở dưới chân núi. Phút chốc khắp nơi tràn ngập khói xanh và mùi cỏ thơm; quần thần đàn ca múa hát, âm thanh huyên náo chấn động cả sơn cốc.
Tâm phàm vẫn nặng khó thành Thần tiên
Bỗng từ trên cao, Quảng Thành Tử hiện thân ra trên đám mây và nói với Hoàng Đế những lời đầy ẩn ý: “Cái người trị vì thiên hạ kia, chưa nhìn thấy mây mà muốn thấy mưa; chưa đến mùa thu mà đã muốn thấy lá vàng rơi; như vậy thì làm sao bàn đến Đạo được?”. Nói xong hất cây phất trần lên và biến mất trong đám mây. Hoàng Đế thấy vậy, biết là không thể gặp được tiên ông nên đành dẫn đoàn người đi về.
Sau khi trở về nước, Hoàng Đế suy ngẫm lại những lời nói của Quảng Thành Tử, từ đó ông chăm lo việc nước việc dân, tuyển chọn hiền tài phục vụ cho đất nước. Ông trị quốc một cách sáng suốt, xây dựng nên một sự nghiệp vĩ đại. Tương truyền, chữ viết, cách nuôi tằm, giao thông bằng tàu bè xe cộ, âm luật, y học, toán số, hôn nhân, nghi lễ tang sự, đều khởi đầu từ thời đại của Hoàng Đế Hiên Viên.
Lần thứ hai đi tìm tiên ông Quảng Thành Tử
Khoảng 60 năm sau, tuy Hoàng Đế được tôn là thiên tử nhưng ông vẫn luôn nghĩ đến những lời của tiên ông Quảng Thành Tử. Khi Hoàng Đế được trăm tuổi thì ông quyết định đến núi Không Động để bái sư học Đạo thêm lần nữa. Lần này Hoàng Đế quyết định chỉ đi một mình, lặng lẽ đi lên núi Không Động.
Trên đường đi thì Hoàng Đế gặp một vị trưởng giả (tiên ông Xích Tùng Tử). Xích Tùng Tử tiên sinh chỉ điểm cho Hoàng Đế: “Tiên và Phàm cũng không có phân cách, chỉ phân biệt ở tâm. Nếu không ngại khó lê bước bằng đầu gối thì lòng thành kính đó sẽ khai mở cả trăm cửa”.
Hoàng Đế vừa đi vừa suy nghĩ về câu nói này. Ông đi đến khi đôi giày đã mòn và rách tả tơi, bàn chân sưng rộp đau đớn đến mức không thể đi nổi nữa. Lúc này Hoàng Đế đột nhiên tỉnh ngộ, ông quyết đi tới núi Không Động bằng đầu gối. Đá đất cát sỏi lúc này không khác gì hàng ngàn mũi dao cứa vào đầu gối ông, khiến nó chảy máu nhuộm đỏ cả đá trên đường đi.
Đắc Đạo cưỡi rồng bay về trời
Tiên ông Quảng Thành Tử từ sớm đã biết việc Hoàng Đế đi cầu Đạo. Tấm lòng thành kính của Hoàng đế đã làm tiên ông cảm động. Khi Hoàng Đế bò tới dưới chân núi Không Động, Quảng Thành Tử lập tức cho một con rồng xuống đón ông lên núi.
Sau đó Quảng Thành Tử đã truyền bí quyết tu Đạo cho Hoàng Đế. Khi Hoàng Đế trở về nước thì cứ y theo đó để tu luyện, hàng ngày lặng lẽ tu tâm dưỡng tính. Khi Hoàng Đế được 120 tuổi thì ông đã tu thành, cưỡi rồng bay về trời ngay giữa ban ngày.
Qua hai lần đi tìm Đạo của Hoàng Đế Hiên Viên có thể thấy, tuy đều có tâm chân thành, nhưng ở lần đầu thì tâm danh lợi của Hoàng Đế vẫn còn quá nhiều, nếu có được truyền Đạo thì chưa chắc đã lĩnh hội được.
Lần thứ hai khi đến tìm Đạo thì ông đã khiêm tốn hơn, cũng đã đi gần hết đời người, nhận ra xa hoa phù phiếm rồi cũng hóa hư không, thản đãng buông bỏ, đắc Đạo thân nhẹ nhàng, cưỡi rồng bay về trời.
Người đời đều cho Thần tiên hay, nhưng chuyện công danh lại vẫn say
Quả thật Thần tiên và phàm nhân cũng không có biên giới, chỉ là ở cái Tâm. Trong “Hồng Lâu Mộng” có bài thơ “Hảo liễu ca” miêu tả về mộng Thần tiên thật hay, xin được dùng để kết thúc bài viết này:
Người đời đều cho thần tiên hay,
Mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào đây,
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!
Người đời đều cho thần tiên hay.
Những hám vàng bạc lòng không khuây!
Suốt ngày những mong chứa cho đầy,
Đến lúc đầy rồi nhắm mắt ngay!
Người đời đều cho thần tiên hay!
Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!
Lúc sống ái ân kể suốt ngày,
Lúc chết liền bỏ theo người ngay!
Người đời đều cho thần tiên hay!
Muốn đông con cháu lòng không khuây!
Xưa nay cha mẹ thực khờ thay,
Con hiền cháu thảo ai thấy đây!
(Bản dịch thơ của nhóm Vũ Bội Hoàng)
Theo Tinh Hoa