5 quy tắc sống hữu ích để trường thọ
Quy tắc sống đôi khi rất rõ ràng, hoặc chỉ là ước lệ, nhưng nó ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời một con người. Nó tồn tại trong từng ngõ ngách của cuộc sống. Người sống có quy tắc thì đường nhân sinh sẽ luôn rộng mở.
- Nắm lấy hay buông bỏ
- Trúng tuyển vì đạt điểm nhân cách
- Hạnh phúc không phải là điểm đến mà là một hành trình
Nội dung chính
Thế nào gọi là quy tắc?
Quy luật tự nhiên là có quy tắc: Bốn mùa luân phiên, vận khí xoay chuyển, đều tuần hoàn theo một phép tắc tự nhiên nào đó, nếu bạn tuân theo nó thì chính là biết kính nể đối với quy tắc của tự nhiên.
Tập tục xã hội cũng có quy tắc: Hành vi tập quán, luân lý cuộc sống, bao gồm tất cả các loại quy tắc được ước định mà thành. Bạn không nên làm trái với những điều này. Ước thúc bản thân làm việc có quy tắc chính là điểm mấu chốt giúp bạn có thể sống tốt đẹp.
Nội quy cũng là có quy tắc: Pháp luật, pháp quy, kỷ luật tổ chức, quy ước thôn làng. Những quy tắc này bạn cũng phải tuân theo nếu muốn sống yên ổn trong xã hội.
Trong “Hàn Phi Tử – Giải Lão” có nói rằng: “Vạn vật đều có quy tắc”. Nhân sinh tại thế, cùng người qua lại, tu thân dưỡng tính, nơi nào cũng không thể xa rời quy tắc. Hiểu rõ và giữ vững quy tắc thì bạn mới có thể sống trọn kiếp nhân sinh.
Quy tắc “sống có chừng mực“
Trung Quốc có một câu tục ngữ rằng: “Cá để ba ngày mất ngon, khách ở ba ngày mất vui”. Câu này thật có ý tứ, cũng rất có tính triết lý. Con cá vừa mới làm xong thì còn rất thơm ngon, nhưng để thêm mấy ngày nữa thì sẽ hỏng ngay; Khách tới nhà chơi, lúc đầu thì người nhà còn rất vui mừng, nhưng ở quá lâu thì sẽ làm cho mọi người chán ghét.
Điều này muốn nói rằng: Phàm việc gì cũng không nên làm quá. Mượn câu của Khổng Tử mà nói thì là: “Quá do bất cập”, nghĩa là hăng quá hóa dở.
Khi làm một việc gì đó, thì việc làm quá đi và làm không tới, kỳ thực cũng đều có tác dụng giống như nhau.
Cổ ngữ có nói rằng: “Xử sự không phân nặng nhẹ thì không phải bậc trượng phu”. Có một vài người có thể thuận buồm xuôi gió; không chỉ vì họ thông minh, chăm chỉ, mà còn là nhờ họ hiểu rõ cái bản tính của con người. Họ hiểu được sự đúng mực, trung dung, họ luôn cư xử có chừng mực.
Có người nói: “Đúng mực là dấu hiệu của sự trưởng thành. Trong lúc kết giao với người khác phải biết giữ khoảng cách cho phù hợp”.
Người có chừng mực, nói chuyện đúng mức, làm việc gì cũng không làm quá, làm cho người khác cảm thấy thân thiết nhưng không mất đi sự tôn trọng. Đạt đến cảnh giới “trang điểm đậm nhạt đều đẹp cả”.
Quy tắc “sống có giáo dưỡng“
Trong cuộc sống, có rất nhiều quy tắc bất thành văn. Đó đều là những chi tiết nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Từ những việc này có thể nhìn ra được tố chất và sự tu dưỡng của một người.
Ví dụ như, đừng ngồi ở trên ghế mà rung chân; khi đi hát karaoke, nếu đó không phải là bài bạn chọn thì đừng giành hát; lúc người khác đang ngủ thì phải giữ yên lặng; khi xem phim cũng phải giữ yên tĩnh, để điện thoại ở chế độ im lặng; ở ký túc xá hay nơi công cộng, trên xe bus, nếu có xem phim, nghe nhạc hay chơi game thì xin hãy đeo tai nghe vào; trên tàu điện ngầm, đừng dựa vào lan can, để chỗ cho người khác có thể vịn tay.
Người xưa nói: Núi cao không chê đất nhỏ, vậy mới thành cao; biển rộng không chê sông nhỏ, vậy mới thành lớn.
Giáo dưỡng và văn hóa là hai việc khác nhau. Có người văn hóa rất cao, nhưng lại không có giáo dưỡng. Có người không có học thức cao, nhưng lại rất có giáo dưỡng, rất có chừng mực.
Giáo dưỡng quyết định tầng thứ sinh mệnh của một người. Việc giáo dưỡng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Nó không phải là lễ nghĩa đơn thuần, mà đó là sự tích lũy văn hóa và dưỡng thành thói quen.
Giữ quy tắc là sự giáo dưỡng cơ bản nhất.
Quy tắc “sống có nguyên tắc“
Bà Lý là một hộ gia đình có thu nhập thấp. Bà đã bị bệnh nặng từ mấy năm trước đó. Chồng của bà cũng đau ốm quanh năm, không thể làm việc nặng được. Hai vợ chồng kinh doanh 1 gian hàng nhỏ chỉ có 1 mét vuông. Bà bán trứng gà, hoa quả khô, mì sợi v.v. để trang trải cuộc sống. Thức khuya dậy sớm, vất vả cả ngày, cũng chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng. Còn có một người con vừa mới tốt nghiệp đại học, đang chờ để xin việc làm.
Một ngày, bà Lý nhặt được ở chỗ gần quầy hàng của mình một túi tiền. Nhìn thấy bên trong có cả mấy chục triệu, và các giấy tờ quan trọng như chứng minh thư…. Bà lập tức liên hệ với người bị mất để đến nhận lại.
Người mất của nhận lại được túi tiền rồi, lập tức lấy từ trong bọc ra một xấp tiền để cảm tạ bà. Nhưng bà nhất định từ chối và nói rằng: “Đây chỉ là một việc nhỏ nhặt, có đáng gì đâu; với lại, nếu như tôi muốn số tiền này của anh, vậy thì tôi đã lấy luôn số tiền kia chứ không cần trả lại cho anh nữa. Sở dĩ số tiền này tôi không thể nhận, vì cầm tiền của anh tôi cảm thấy có lỗi với lương tâm”.
Mạnh Tử nói: “Ngẩng mặt không thẹn với trời, cúi đầu không thẹn với đất”. Một người trong lúc đắc ý, tuân thủ các nguyên tắc thì có thể là do danh dự. Nhưng một người trong lúc thất ý mà vẫn giữ được nguyên tắc, thì đó chính là thiện lương thực sự.
Quy tắc “sống có giới hạn“
Người có cảnh giới, cũng có điểm giới hạn. Cảnh giới mang đến cho mọi người một tương lai tươi sáng. Điểm giới hạn là đảm bảo cơ bản cho sự sống còn.
Có tác giả cho rằng, điểm giới hạn so với cảnh giới còn quan trọng hơn. Một người không có cảnh giới, cùng lắm chỉ là kém cỏi. Nhưng nếu không có điểm giới hạn thì sẽ có vấn đề lớn.
Vị tác giả này đã nói rằng: “Tôi xác thực là không có cảnh giới, nhưng tôi có điểm giới hạn. Tôi là người theo chủ nghĩa ‘điểm giới hạn'”.
Một người nếu không có điểm giới hạn thì điều gì cũng dám làm. Một xã hội, nếu không có điểm giới hạn thì chuyện gì cũng có thể phát sinh.
Mạnh Tử nói: “Nhân hữu sở bất vi dã, nhi hậu khả dĩ hữu vi dã”, nghĩa là con người thường phải chọn việc nào nên làm, việc nào nên bỏ, như vậy mới có thể có triển vọng.
Đào Uyên Minh, một trong những nhà thơ hàng đầu của Trung Quốc. Ông từng đắn đo giữa việc làm quan và về làm vườn. Về sau ông dứt khoát quy ẩn điền viên. Việc này là do ông không muốn phá hỏng điểm giới hạn của chính mình.
Đào Uyên Minh thanh chính liêm minh, không đam mê quyền quý, không ưa a dua nịnh nọt. Ông chọn cuộc sống điền viên để có thể giữ trọn nguyên tắc của mình. Ông mang tài hoa mà trời phú cho, làm ra những bài thơ kiệt tác lưu truyền cho hậu thế.
Giữ vững điểm giới hạn, chính là phải minh bạch xem chuyện nào nên làm, chuyện nào không nên làm.
Quy tắc “sống có nhân phẩm“
Nhân phẩm là học vị tối cao, kết hợp cả đức và tài thì mới là trí tuệ thực sự, nhân tài chân chính. Có tài mà không có đức, cũng như có tiền mà không có nhân phẩm.
Mấy năm trước, tôi đã từng nghe một phóng viên kể một câu chuyện chân thực.
Vào mùa thu năm kia, một sinh viên từ nơi khác đến nhập học mang theo một chiếc túi lớn. Thực sự là quá mệt mỏi, cậu để cái túi lại ở ven đường. Lúc này có một cụ già đi tới, cậu sinh viên nhờ ông cụ trông hộ cho mình cái túi một chút, còn cậu thì chuẩn bị một vài thứ để đi làm thủ tục. Ông cụ vui vẻ giúp đỡ cậu sinh viên.
Gần 1 tiếng đồng hồ sau, cậu sinh viên quay lại thì thấy ông cụ vẫn ngồi ở đó để trông đồ. Cậu cảm tạ ông cụ rồi cả hai cùng rời đi.
Vài ngày sau thì trường đại học làm lễ khai giảng. Cậu sinh viên kinh ngạc phát hiện ra rằng, Phó hiệu trưởng trường đại học đang ngồi trên khán đài, chính là ông cụ đã trông hành lý giúp cho cậu mấy ngày hôm trước.
Người phóng viên cảm thán nói rằng: “Tôi không biết cậu sinh viên này lúc ấy nghĩ gì, nhưng khi nghe thấy chuyện này tôi lại có một cảm giác mãnh liệt rằng: Nhân phẩm mới là học vị tối cao”.
Sống không có quy tắc, cất nửa bước chân cũng thật khó khăn
Hoài Nam Tử nói: “Thước không thẳng không thể vẽ hình vuông, compa không thẳng, không thể vẽ hình tròn”.
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, sinh ra làm người thì không thể coi thường quy tắc.
Có thể bạn sẽ cho rằng giữ quy tắc thì sẽ chịu thiệt. Nhưng thực tế là thế giới này rất công bằng. Tuân thủ quy tắc mới là cách an toàn nhất.
Người không giữ quy tắc thì sẽ khó có được lợi ích lâu dài. Hám lợi trước mắt mà đánh mất bản thân thì sớm hay muộn tiền tài cũng sẽ tiêu tan.
Quy tắc là một loại tu hành, “Ngẩng mặt không thẹn với trời, cúi đầu không thẹn với người, bên trong không thẹn với bản thân”, mỗi ngày đều tự hoàn thiện chính mình, như vậy mới là biết quý tiếc sinh mệnh của bản thân.
Theo Secret China