Người ta nói “gieo nhân nào gặt quả nấy”, mọi việc đều có nguyên nhân của nó; chỉ là đôi khi cái nhân chúng ta đã gieo trồng từ quá lâu vượt quá tầm mắt, hoặc chúng ta không chú ý đến hành động của mình, nên mới tưởng mọi việc xảy đến là tự nhiên như thế.

Có phải mọi thứ đều tự nhiên xảy ra không?

Hai đứa nhỏ đang chơi với nhau ở công viên thì một đứa bỗng khóc ré lên chạy lại chỗ người phụ nữ ngồi gần đó và mách:

– Mẹ ơi! Tự nhiên đang chơi mà chị chọc con…hức…hức…hu hu…

Người mẹ nhìn về phía cô bé lớn hơn hằn học:

– Sao tự nhiên con lại chọc em?

Đứa kia cũng vừa tới kịp thanh minh ngay:

– Mẹ ơi không phải, đang chơi tự nhiên em đòi cái kẹp nơ của con; con không chịu đưa nên nó khóc . Mẹ coi em làm tóc con bung ra rồi đây này…

Câu chuyện thật giản dị mà gợi lại cho tôi bao kỷ niệm. Hồi nhỏ tôi cũng thế, tự nhiên bị ba đánh; tự nhiên bị má la; tự nhiên không thuộc bài; tự nhiên bạn chọc ghẹo; tự nhiên thích; tự nhiên ghét… Trăm ngàn vạn cái tự nhiên trên đời đều tự nhiên mà đến. 

Chỉ khi nào làm được chuyện tốt thì tôi mới không cho là nó tự nhiên đến nữa mà là: Nhờ tôi mà nó mới xong mới tốt mới đẹp; tất cả là nhờ tôi, không phải tự nhiên mà được như vậy đâu!

Người lớn chắc chắn chẳng ai còn lạ gì với những cái “tự nhiên” của trẻ con; nhưng mà người lớn thật ra cũng không hơn gì trẻ con: Tự nhiên hắn mắng tôi; tự nhiên hắn đánh tôi; tự nhiên họ đuổi việc tôi; tự nhiên họ đụng xe tôi; tự nhiên chồng tôi ngoại tình; tự nhiên vợ tôi muốn ly hôn…

Vậy là người lớn cũng chẳng chịu lớn lên mà là những cái “tự nhiên” kia nó lớn lên.

Cô gái định giết chồng và sớm nhận ra vấn đề

Thay đổi người khác chi bằng thay đổi chính mình
Thay đổi người khác chi bằng thay đổi chính mình (ảnh Adobe Stock)

Một ngày nọ, có một cô gái kia về nhà nói với mẹ rằng cô thấy mình quá bất hạnh và tất cả nguyên nhân là do người chồng của cô; cô ngỏ ý định muốn giết chồng. Người mẹ thương con quá, nghe vậy bèn hiến một kế; bà đưa cho cô một gói bột màu trắng và dặn cô mỗi ngày hãy cho một lượng rất ít vào trong thức ăn của chồng cô; đảm bảo một tháng nó sẽ lăn quay ra chết mà không ai có thể biết được lý do vì sao cả; như vậy cô mới không bị cảnh sát phát hiện. 

Bà mẹ dặn thêm rằng, để khỏi bị chồng nghi ngờ, cô phải giả bộ yêu thương anh ta nhiều hơn; quan tâm chăm sóc anh ta chu đáo hơn; bớt cãi cọ tranh luận mà tỏ ra tôn trọng và lắng nghe anh ta.

Mới ba tuần trôi qua, cô gái vội vàng chạy về nhà tìm mẹ khóc lóc mà nói rằng:

– Mẹ ơi, con hại chết chồng con rồi. Con nhận ra con yêu anh ấy nhiều biết bao; anh ấy là người đàn ông tốt nhất; yêu thương con nhất. Vậy mà… mẹ ơi, giờ con phải làm sao đây?

Bà mẹ ung dung đáp:

– Con chẳng cần phải làm sao cả; cứ tiếp tục đối xử với chồng của con như trong ba tuần vừa qua là nó sẽ sống với con cả đời. Gói thuốc độc mẹ đưa cho con thực ra chỉ là bột mì thôi.

Chủ tiệm tốt bụng không chèn ép người khác

Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình
Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình (ảnh cafef)

Trong một khu phố nọ có gia đình ông Nhân buôn bán ngũ cốc, gia vị đã mấy đời. Một ngày nọ, ông Hậu dắt theo vợ con từ một nơi xa đến lập nghiệp; ông Hậu quan sát thấy ở đây nhà ông Nhân buôn ngũ cốc là đông khách nhất; ông Hậu bèn quyết định bỏ hết số vốn mang theo để thuê nhà ở và cũng mở cửa hàng buôn bán ngũ cốc, gia vị để mưu sinh. Từ đó khách hàng chia ra mua ở cả hai tiệm.

Có người khách quen đến tiệm của ông Nhân mua hàng thấy khách khứa không còn tấp nập như trước thì nói:

– Nhà ông không tốn tiền thuê nhà, sao ông không bán hạ giá một chút so với tiệm ông Hậu để kéo khách về. Tôi thấy ông bán ngang giá, mà lại có một vài món ông bán còn cao hơn ông ta là cớ làm sao? Làm ăn kiểu này có ngày ông mất hết khách.

Ông Nhân thong thả đáp:

– Nhà tôi mấy đời làm ăn ở đây, bạn hàng khách quen cũng nhiều. Vả lại tôi cũng chẳng tốn tiền thuê mướn nhà cửa nên không lo nhiều. Ông ta ở xa mới tới làm ăn, vạn sự khởi đầu nan, nên tôi muốn cho ông ta dễ buôn bán một chút mới trụ được lâu dài mà lấy lại vốn; còn có tiền nuôi vợ con. Hơn nữa, từ khi ông ta tới thì công việc buôn bán của tôi cũng đỡ vất vả; biết đâu là do Trời thương muốn để tôi được nghỉ ngơi một chút.

Nhân quả luân báo, cứ cho đi rồi sẽ nhận lại

Nhờ sự lương thiện của ông Nhân mà công việc của ông Hậu phát triển rất tốt; vài năm sau thì ông đủ tiền mua luôn được ngôi nhà mà bấy lâu nay ông mướn.

Nhiều năm sau nữa, con trai của ông Hậu lớn lên và đem lòng thương con gái của ông Nhân. Hai nhà vui vẻ kết sui gia. Con gái ông Nhân được nhà chồng yêu quý tin cậy nên trở thành bà chủ trẻ lo toan mọi việc buôn bán trong gia đình.

Nhân quả luân báo, cứ cho đi rồi sẽ nhận lại
Nhân quả luân báo, cứ cho đi rồi sẽ nhận lại (ảnh Adobe Stock)

Mọi chuyện tốt xấu cũng đều là do bản thân mình làm ra

Mọi sự việc xảy ra trên đời hẳn đều có nguyên nhân cả. Có nguyên nhân trực tiếp; có nguyên nhân gián tiếp; có nguyên nhân sâu xa; có nguyên nhân rất rất sâu xa mà con người không thấu suốt hết được.

Cô gái kia chỉ mãi nghĩ đến bản thân nên không được chồng thương yêu; đến nỗi muốn giết cả chồng. Trong khi thực hiện âm mưu cô lại không biết mình đang rơi vào kế của bà mẹ; vô tình cô thay đổi bản thân và cuối cùng nhận ra chồng mình rất tốt; chỉ do mình chưa tốt nên mới gây ra bất hạnh cho cả hai. Nếu cô sớm tìm thấy lỗi ở bản thân thì đã không đến nỗi muốn giết hại chồng; giả sử đó là thuốc độc thật thì lúc ấy hối hận liệu có còn kịp?

Ông Nhân nếu chỉ sống vì bản thân, cố tìm cách hất chân ông Hậu khi vừa mới tới thì rất dễ. Nhưng ông không làm vậy, ông hiểu tốt với người thì cũng chính là tốt với mình. Ông im lặng chia sẻ cái lợi với ông Hậu. Cuối cùng gia tài ông Hậu làm ra vòng vo một hồi cũng lại thành gia tài mà con gái ông Nhân được hưởng.

Có lẽ, mọi chuyện tốt xấu đều do mình cả, đều có duyên cớ cả, không phải tự nhiên. Chỉ là cái nguyên nhân đôi khi trốn biệt trong chính ta, sâu xa khó thấy. Mà ta thì thường bận rộn không có thời gian đi tìm nguyên nhân lỗi lầm của bản thân; gặp chuyện thì cứ thế đổ cho ‘tự nhiên’ là xong. Lâu ngày thành quen đi mất nên không còn biết cách nhìn lại chính mình nữa.