Có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, con người ta khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng thì rất dễ đánh mất lương tâm mà làm ra những việc thương thiên hại lý. Gần đây trong xã hội cũng nổi lên vài vụ việc ‘hôi của’, mang lại rất nhiều bức xúc cho người dân…

Dân làng ‘hôi của’ của xe bị tai nạn

Có một ngôi làng ở Ấn Độ tên là làng Geima. Đất đai ở đây cằn cỗi, người dân sống thiếu thốn, ăn no mặc ấm đã trở thành vấn đề nan giải. Dân làng chật vật tìm cách kiếm tiền.

Có một con đường cái cách làng Geima không xa và thường xuyên xảy ra tai nạn xe cộ. Một lần, có một chiếc xe tải chờ đồ ăn hộp đã lao vào một con mương ở gần đó. Tài xế bị thương và phải nhờ một chiếc xe để đi đến bệnh viện; hàng hóa đành phải để lại ở đó không ai trông coi. 

Khi dân làng Geima nhìn thấy hàng hoá đó thì liền ‘hôi của’, họ ăn trộm những đồ hộp đó mang về nhà; liên tiếp mấy ngày như vậy; rốt cuộc hầu như nhà nào cũng có đồ hộp để ăn. Sự việc lần này giống như là một ‘gợi ý’ cho dân làng Geima, họ nghĩ là hoàn toàn có thể dựa vào con đường này để kiếm ăn.

Nhưng tai nạn xe cộ không thường xuyên xảy ra như thế. Vậy là họ nghĩ ra sáng kiến, đến đêm vắng người qua lại thì lấy dụng cụ đào mặt đường thành ổ gà. Do đó, khả năng xảy ra tai nạn cao hơn. Ngay cả khi không xảy ra tai nạn thì các ô tô phải đi chậm lại nhiều do đường xấu; dân làng sẽ theo sau ô tô và lén lấy một số thứ họ cần từ xe trong khi người lái xe không chú ý.

Từ ‘hôi của’ chuyển sang ăn cướp, lòng tham che mờ tâm trí

Lòng tham nổi lên, dân làng đào con đường thành nhiều ổ gà để xe bị tai nạn nhiều hơn cho họ 'hôi của'
Dân làng đào con đường thành nhiều ổ gà để xe bị tai nạn nhiều hơn cho họ ‘hôi của’ (ảnh Adobe Stock)

Chuyện này cứ thế tiếp diễn, lúc đầu chỉ ăn trộm một ít, về sau còn lấy hàng mang ra chợ bán lấy tiền. Sau này họ còn ngang nhiên cướp giật.

Trong một thời gian, con đường này trở thành con đường nguy hiểm nhất; và đồn cảnh sát cũng nhận được báo cáo mỗi tháng. Cảnh sát sau đó cũng bắt được 2 người dân đang ăn trộm đồ; quan tòa cũng đã tuyên phạt họ. 

Nhưng việc này không làm dân làng nhụt chí, nó chỉ khiến họ kín đáo hơn khi phạm tội. Bọn họ có một người chuyên phụ trách canh chừng; sau khi cướp được hàng hóa sẽ mang về nhà cất giấu hoặc thay đổi bao bì để ngụy trang; khiến cảnh sát tìm không được vật chứng. Chính quyền địa phương đã nghĩ ra nhiều biện pháp để khuyên răn người dân đi đúng đường; nhưng người dân đã được nếm trái ngọt từ việc cướp bóc nên việc này vẫn thường xuyên xảy ra ở gần thôn làng.

Dần dần các tài xế đã lựa chọn con đường lách qua làng Geima. Kết quả là dân làng chẳng thu được gì trong nhiều ngày.

Vào một ngày nọ, một chiếc xe tải cuối cùng đã chạy qua con đường này, mang theo đầy những bao tinh bột. Người dân làng Geima trình độ văn hóa đều rất thấp, theo quan điểm của họ, tinh bột thì đều là lương thực và có thể chế biến thành thức ăn được. Thế là mọi người lao tới cướp giật hơn 20 bao tinh bột lớn.

Lấy đức báo oán

Lòng thiện lương có thể cảm hóa nhân tâm của người khác
Lòng thiện lương có thể cảm hóa nhân tâm của người khác (ảnh Adobe Stock)

Tài xế là một nam thanh niên, thấy có người lấy hàng nên dừng xe đuổi theo. Bởi vậy, những dân làng khác đã ung dung đến xe và lấy sạch các bao bột mì.

Chàng thanh niên đuổi vào trong làng và yêu cầu dân làng trả lại hàng cho chàng; nhưng người dân không chịu trả lại. Thấy van xin cũng không ích gì, chàng thanh niên phải nói thật với dân làng: “Những bao tinh bột đó là tinh bột công nghiệp nên không thể ăn được, có độc, ăn vào là chết người”.

Chàng thanh niên đã nói sự thật nhưng dân làng không tin; bởi vì tinh bột này nhìn không khác gì so với tinh bột mà họ vẫn ăn hàng ngày.

Chàng tài xế muốn đến đồn cảnh sát để trình báo tội phạm, nhưng anh sợ rằng ngay sau khi anh rời đi thì người dân làng sẽ lấy tinh bột đó chế biến thành thức ăn và sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Tuy rằng anh sẽ không phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ nhưng anh không thể thấy chết mà không cứu.

Sau đó anh phải đến từng nhà để giải thích, thậm chí còn quỳ xuống van xin họ: “Bột mì đó mọi người không trả lại tôi cũng không sao, cùng lắm tôi chịu thiệt một chút; nhưng tôi van xin mọi người, nhất định không được ăn bột mì này, ăn vào là sẽ chết ngay”.

Lòng thiện lương cảm hóa nhân tâm

Sự chân thành của anh khiến dân làng từ không tin chuyển sang bán tin bán nghi; có người lấy tinh bột cho gà ăn thử và quả nhiên con gà đã chết ngay sau đó. 

Dân làng kinh hoàng và cũng vô cùng cảm động. Họ đã cướp đồ của người thanh niên, anh ta lẽ ra nên oán hận họ; dù cho họ có bị ngộ độc chết vì ăn tinh bột thì cũng đáng đời. Nhưng để cứu sống họ, chàng trai đã quỳ xuống cầu xin họ đừng ăn loại tinh bột này. Thật là nhân từ làm sao, một người thiện lương như vậy; tấm lòng quảng đại bao dung cả đất trời…

Những người dân làng vừa xấu hổ vừa cảm động; mọi người tự động mang tinh bột trả lại trên xe cho chàng thanh niên.

Kể từ đó, người dân làng Geima không ăn trộm đồ nữa; thậm chí có người muốn cướp đồ của một chiếc xe đi ngang qua thì lập tức có người đứng ra nói: “Hãy nghĩ đến người tốt bụng đó. Chúng ta đã làm tổn thương anh ta, nhưng anh ta đã cứu mạng cả làng chúng ta. Nhớ đến anh ấy, chúng ta còn mặt mũi nào mà lại tiếp tục đi làm cái việc tổn hại người khác nữa? Chúng ta thật sự là ma quỷ sao?”

Con đường cái gần làng Geima đã yên bình trở lại. Sở cảnh sát và chính phủ với bao cố gắng cũng không làm được như vậy. Lòng thiện lương của chàng tài xế đã cảm hóa cả dân làng Geima.

Theo Secret China