Lòng đố kỵ sẽ phá hủy mọi cố gắng của con người
Lòng đố kỵ là một trong những nhược điểm trong tính cách của con người. Khi trong tâm còn có sự so sánh thì sẽ vẫn còn có lòng đố kỵ. So sánh người này hơn, người kia kém đều là khởi nguồn dẫn đến huỷ đi những cố gắng khác của con người.
Nội dung chính
Đố kỵ là gì?
Đố kỵ hay hay tâm tật đố là khi chúng ta cảm thấy khó chịu trong lòng với một ai đó. Sự khó chịu này có thể đến khi nhìn thấy ưu điểm, thành công của người khác. Hoặc xảy ra khi nhìn thấy ai đó kém cỏi, khiến bản thân coi thường họ.
Đố kỵ là tính xấu của con người. Vì thế, từ xa xưa đã có rất nhiều câu để nói về lòng đố kỵ như: “Ghen ăn tức ở” hay “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Lòng đố kỵ có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của chúng ta. Nó không những nguồn gốc nảy sinh nhiều vấn đề, mà lâu dần sẽ phá huỷ mọi cố gắng của con người.
Vì lòng đố kỵ mà tự ảnh hưởng kinh tế bản thân
Nhắc tới hai từ đố kỵ, tôi chợt nhớ tới câu chuyện thời bao cấp. Gia đình tôi sống trong khu tập thể nhà máy của mẹ. Ngày đó, vì kinh tế khó khăn hầu như nhà nào cũng chăn nuôi thêm sau giờ làm việc. Mẹ là người chăn nuôi rất mát tay, nuôi gà thì từng bầy, rồi vịt, ngan, lợn. Người ta cứ nuôi con gì thì dịch này dịch kia. Còn mẹ thì ngược lại.
Tôi thường nói đùa, mẹ nuôi chúng tôi dễ dàng giống như bầy gà của mẹ vậy. Có lẽ chính vì vậy nên cô hàng xóm của mẹ rất khó chịu. Cho nên, cô ấy hay nói xấu sau lưng và cãi nhau mỗi lần nhà tôi bán lứa lợn, lứa gà.
Có một năm, khi gà và ngan vịt nhà cô bị dịch và chết gần hết còn của nhà tôi hoàn toàn bình thường. Vợ chồng cô chú đố kỵ ghen ghét nên cãi nhau to. Cô nói những lời không tôn trọng khiến chú tức giận cầm cả con ngan ném ra thành giếng. Khi sự đố kỵ, tật đố làm mờ mắt quả thật khiến người ta mất hết lý trí.
Biểu hiện của lòng đố kỵ
Không công nhận thành công của người khác
Biểu hiện đầu tiên của sự đố kỵ chính là khi thấy người khác thành công thì lập tức cho rằng, chính nhờ có có công của bản thân mình nên người kia mới được như vậy. Hoặc khi thấy ai đó xuất hiện và tỏa sáng sẽ bản thân mình bị lu mờ. Hay khi bản thân xuất hiện cảm giác ngầm ghen ghét cho rằng sự thành công của ai đó là do được cấp trên ưu ái.
Thật ra, thành công trong đời mỗi người là là từ quy luật nhân quả. Đó là dựa vào những điều tốt và điều xấu họ đã làm trong quá khứ, trong cả đời này và cả những đời trước. Tuy nhiên, người đố kỵ lại không hiểu như vậy. Họ thường gán những lý do mà họ cho là đúng xuất hiện những sự việc như vậy.
Cạnh tranh tính toán bằng các loại thủ đoạn
Trong công việc và trong thương trường, xuất hiện sự cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Nhờ có cạnh tranh sẽ thôi thúc động lực để phát triển công việc. Như vậy, cạnh tranh không hẳn là việc xấu.
Thế nhưng, một số người trong quá trình cạnh tranh vì thấy đối thủ giỏi và có nhiều cơ hội hơn nên nảy sinh tâm đố kỵ. Vì vậy, một số người cạnh tranh trên thương trường sẽ tìm cách sử dụng mọi thủ đoạn để giành chiến thắng và đẩy người khác gặp điều bất hạnh. Với những người mang lòng đố kị, cuộc sống của họ luôn giống như một thương trường. Họ chiến đấu không ngừng nghỉ để đạt được mục đích.
Nguyên nhân xuất hiện tâm đố kỵ?
Trong xã hội hiện đại đầy cám dỗ và cạnh tranh khốc liệt. Vì tâm tranh đấu, tật đố, so sánh nên thường xuất hiện những người mang tâm lý đố kỵ với những người giỏi và có nhiều cơ hội phát triển hơn mình.
Những người này, họ ít thừa nhận tài năng và kết quả của người khác đạt được. Thay vì biểu hiện thái độ gay gắt, công khai, một số người tỏ ra thân thiện. Tuy nhiên, bên trong họ tìm cách hạ gục những người giỏi hơn mình. Nguyên nhân nào gây ra lòng đố kỵ này?
Thích so sánh với người khác
Nguyên nhân đầu tiên sinh ra tâm lý đố kỵ đó là “so sánh”. So sánh bản thân với người giỏi hơn, thành đạt hơn. Hoặc so sánh với những người kém hơn dẫn đến
Các bậc cha mẹ thường hay có thói quen so sánh con mình với con người khác. Trong mắt họ, con người ta thì ngoan ngoãn, giỏi giang. Con mình thì vô dụng, thế nọ thế kia. Họ luôn khiến con cảm thấy bản thân kém cỏi, xấu xa, tồi tệ. Đó là nguyên nhân khiến con cái nảy sinh cảm xúc tiêu cực.
Tại công sở, nhất là trong các cơ quan nhà nước, thấy người khác được cấp trên coi trọng hơn, giỏi hơn thì đố kỵ, ghen ghét tìm cách nói xấu sau lưng.
Những người này khi không kiềm chế được thái độ và cảm xúc sẽ có những hành động và tâm lý tiêu cực. Họ tìm mọi cách phá vỡ hình tượng, phá vỡ hạnh phúc của người được so sánh. Thậm chí, họ cảm thấy căm ghét không muốn người đó xuất hiện trong cuộc đời mình.
Mất tự tin vào bản thân
Nguyên nhân thứ hai sinh ra tâm đố kỵ, tật đố với người khác là do thiếu tự tin, mặc cảm với con người mình. Bên cạnh đó, tâm tự ái và vị tư cao, cùng lối sống cách biệt không hòa đồng với mọi người. Cũng vì có thói quen trách móc, chỉ trích người khác mà khiến tâm đố kỵ dâng cao.
Người sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm cũng dễ nảy sinh tâm đố kỵ. Họ nhìn nhận bản thân không được yêu thương nên khi nhìn thấy người khác được yêu quý, chăm sóc sẽ nảy sinh tâm đố kỵ. Họ nghĩ rằng người khác không xứng đáng nhận được hạnh phúc.
Người gặp nhiều thất bại trong cuộc sống cũng dễ sinh tâm tật đố. Họ sẽ luôn đố kỵ với những người có nhiều quan hệ tốt đẹp với mọi người. Vì không ý thức được mọi điều xung quanh, nên họ mù quáng, không bình tĩnh. Cũng bởi họ cân nhắc và cảm thấy cuộc đời bất công với mình.
Dù được biểu hiện ít hay nhiều, trong mỗi người đều có tâm lý này. Nó xuất hiện lúc này, lúc khác, không thường xuyên, và ở từng đối tượng khác nhau. Bằng một cách thức nào đó, ta sẽ cảm nhận được sự đố kỵ của bản thân. Đôi khi có thể chứng kiến người khác đố kỵ với ai đó, hoặc với mình.
Tác hại của lòng đố kỵ
Khi bạn đố kỵ với một ai đó, buông những lời dèm pha, lôi kéo đồng bọn để nói xấu. Bạn châm chọc một ai để hạ thấp danh dự và sự uy tín của người khác thì bản thân bạn cũng không được ca ngợi thêm. Bạn cũng không thể trở nên giàu có hơn. Điều mà bạn nhận được chỉ là thỏa mãn thói ích kỷ nhất thời của bản thân .
Người mang tâm đố kỵ luôn tìm cách hành động để thỏa mãn điều này. Họ sẽ tự làm hại cuộc sống bản thân. Từ tâm tranh đấu, hơn thua đố kỵ mà nảy sinh những suy nghĩ bồng bột và có những hành vi thiếu suy nghĩ. Từ đó gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của bản thân.
Những người có lòng đố kỵ sẽ luôn khổ tâm, mệt mỏi. Họ sẽ ít có thời gian nhận ra những điều tốt đẹp của cuộc sống xung quanh. Hơn nữa, nó ngăn cản việc mọi người phát triển tài năng, sự đoàn kết và tinh thần hợp tác.
Người mang tâm lý ghen ghét, đố kỵ trong tâm luôn có sự buồn bực, lo lắng, căm ghét. Cảm giác tự ti sẽ khiến họ mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Chu Du trong Tam quốc diễn nghĩa vì ghen ghét Gia Cát Lượng tài trí hơn mình đã bao lần đang tâm hãm hại mà không được. Cuối cùng vì uất hận hộc máu mồm mà tự chết?
Học cách buông bỏ để giữ được tâm thái ung dung, tự tại
Cổ nhân giảng: “Bậc trí giả có thể cầm lên được, hạ xuống được”. Cầm lên được là một loại năng lực, trách nhiệm. Bỏ xuống được là sự tiêu diêu tự tại, giải thoát. Trong cuộc sống, không ai có thể hoàn hảo để trở thành vĩ nhân. Mỗi người đều có thể nuôi dưỡng cho mình nội tâm cường đại. Một người biết tự hài lòng với chính mình, hiểu được giá trị bản thân thì sẽ thấy giá trị cuộc sống.
Người xưa thường nói: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển“. Người có suy nghĩ tiêu cực, thì gia cảnh cuộc đời cũng sẽ không tốt. Mỗi người cần học cách giữ tâm thái lạc quan, tích cực. Học cách buông bỏ sự đố kỵ, ghen ghét. Hãy nghĩ nhiều hơn tới những điều tốt đẹp và loại bỏ tạp niệm xấu trong đầu.
Người vô tư, trời đất sẽ trở nên vô cùng rộng rãi. Một người đố kỵ, ích kỷ thì mỗi bước đi trong cuộc đời đều thật nặng nề, khó khăn. Bởi vậy, buông bỏ sẽ khiến bản thân ta ung dung, tự tại, sống hạnh phúc hơn.