Nghiêm khắc với mình, độ lượng với người
Đối với sai lầm của bản thân thì phải thật nghiêm khắc sửa đổi, đối với sai lầm của người khác thì nên khoan dung độ lượng.
Trong “Dưỡng chính di quy” có viết rằng: “Đãi nhân yếu phong, tự phụng yếu ước; trách kỷ yếu hậu, trách nhân yếu bạc”. Ý tứ là: Đối đãi với người khác cần phải rộng lượng, đối đãi với bản thân cần ước thúc; yêu cầu bản thân thật nghiêm khắc, yêu cầu người khác cần khoan dung.
Hàn Dũ vào thời nhà Đường đã viết trong cuốn “Nguyên Hủy” rằng: “Cổ chi quân tử, kỳ trách kỷ dã trọng dĩ chu, kỳ đãi nhân dã khinh dĩ ước. Trọng dĩ chu, cố bất đãi. Khinh dĩ ước, cố nhân nhạc vi thiện”. Ý tứ là: Quân tử thời cổ đại, trách cứ mình đều rất nặng, rất chu toàn, rất nghiêm khắc; đối với người khác rất khoan dung, rất ôn hòa, không yêu cầu quá khắt khe. Đối với bản thân phải yêu cầu nghiêm khắc và toàn diện, không phóng túng, lười biếng. Đối với người khác khoan dung mà bình dị, người khác liền thấy rất thoải mái, nguyện ý đi làm việc tốt.
Con người không phải là Thánh hiền, sao có thể tránh được sai lầm? Khi có chuyện không may xảy ra, bậc chính nhân quân tử đều trước tiên là nghĩ đến sai lầm của mình, hơn nữa nguyện ý đứng ra gánh vác trách nhiệm. Lớn đến như một quốc gia, hay nhỏ như một gia đình, nếu như có thể làm theo đạo lý “quân tử tự trách” thì nhất định sẽ an ổn tường hòa.
Đường Thái Tông nuốt châu chấu
Học giả Trung Quốc Tiêu Hãn đã căn cứ vào cuốn “Nhị thập ngũ sử” để tiến hành thống kê và thấy rằng, trong lịch sử Trung Quốc tổng cộng có 79 vị hoàng đế đã ban hành “tội kỷ chiếu” (chiếu thư tự trách tội mình). Khi đất nước phát sinh thiên tai dịch bệnh, chính quyền nguy nan, bậc Đế vương sẽ tắm rửa trai giới, hiến tế thiên địa thần linh, tự xét lại tội của mình, sám hối tội lỗi của mình.
Vào năm Trinh Quán thứ 2, kinh thành Trường An gặp hạn lớn, nạn châu chấu bùng phát khắp nơi. Đường Thái Tông đi kiểm tra mạ giống, thấy có châu chấu thì bắt mấy con rồi lẩm bẩm nói: “Bách tính coi lương thực như là tính mệnh bản thân và gia đình, vậy mà ngươi lại ăn nó, điều này gây hại cho bách tính. Bách tính có tội, nhưng những tội lỗi này hãy để mình ta chịu, nếu như ngươi quả thật có linh, vậy thì hãy ăn tim ta đi, đừng làm hại bách tính nữa”. Thái Tông muốn nuốt châu chấu vào bụng.
Mọi người xung quanh vội vàng khuyên nhủ: “E rằng ăn vào sẽ bị bệnh! Không nên ăn!” Thái Tông nói: “Ta hy vọng việc này sẽ giúp chuyển dời tai nạn của bách tính vào một mình cá nhân ta! Vì sao còn muốn trốn tránh bệnh tật?” Sau đó liền nuốt châu chấu vào bụng. Từ đó châu chấu không còn gây họa nữa.
Trong năm Trinh Quán thời Đường Thái Tông, bách tính an cư lạc nghiệp, dân tình thiện lành, đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi. Trong ngục cơ bản không có tù nhân, quanh năm suốt tháng không có tội phạm tử hình.
Mậu Đồng tự trách
Mậu Đồng sống vào thời nhà Hán, tự là Dự Công. Lúc ông còn nhỏ, cha mẹ đều lần lượt qua đời, anh em 4 người nương tựa vào nhau, Mậu Đồng là huynh trưởng, phải chăm sóc cho 3 người em. Ông tuy là người có học, minh tỏ đạo lý, tuy nhiên, huynh trưởng mà muốn giáo dục các em là việc rất khó, cha mẹ muốn dạy dỗ con cái của mình đã không dễ dàng rồi.
Sau này khi mấy anh em đều đã lấy vợ, những người phụ nữ này liền muốn được phân chia gia sản, đã nhiều lần phát sinh tranh cãi. Mậu Đồng nghe vậy thì rất phiền lòng, liền về phòng đóng cửa. Ông tự đánh mình rồi nói: “Mậu Đồng ơi, ngươi luôn chủ trương tu thân, cẩn trọng hành vi, phải học phép tắc của Thánh nhân, phải chỉnh lại thế đạo phong tục, vậy tại sao lại không chính lại được gia đình của mình”.
Các em và những người phụ nữ đó nghe được, thì đều ở ngoài cửa cúi đầu tạ lỗi. Từ đó về sau mọi người trong nhà đều rất hòa thuận với nhau.
“Trách người phải dùng nhân, tự trách mình phải dùng nghĩa”
Đổng Trọng Thư trong “Xuân thu . nhân nghĩa pháp” viết: “Lấy lòng nhân mà trị người, lấy nghĩa mà trị mình”.
“Lã thị xuân thu . cử nan” viết: “Vì vậy quân tử trách người dùng nhân, tự trách mình thì dùng nghĩa. Trách người dùng lòng nhân thì dễ được, dễ được rồi thì cũng sẽ được lòng người, tự trách mình dùng nghĩa thì khó sai lầm, khó sai lầm rồi thì hành vi sẽ có sửa đổi”.
“Hán thư · đỗ chu truyện” viết: “Quy cữu vu thân, khắc kỷ tự trách”. Ý tứ là: Quy lỗi cho mình, đối với bản thân phải có yêu cầu nghiêm khắc hơn.
Vương Nhật Trác vào thời nhà Thanh cũng nói trong “Kim thế thuyết” rằng: “Đãn chung nhật bất kiến kỷ quá, tiện tuyệt thánh hiền chi lộ”. Nghĩa là: Nếu như cả ngày không tìm thấy lỗi lầm của mình, thì đó cũng không phải là con đường của bậc Thánh hiền!
Theo Vision Times