Xem bói: Người có số giàu sang nhưng tại sao lại không được hưởng?
Một người có số giàu sang mà cả đời chỉ ‘ngồi chơi xơi nước’ thì dù thầy bói có xem chính xác đến mấy cũng không thể thành hiện thực.
Nội dung chính
‘Công tử tất’ là người có số giàu sang
Trong tác phẩm “Tục khách song nhàn thoại” của nhà văn Ngô Sí Xương vào thời nhà Thanh có kể lại một câu chuyện như sau: Ngày xưa có một người thợ may tất (vớ) làm ăn buôn bán rất tốt. Nhưng mãi đến lúc về già ông mới có được một người con trai; vì vậy ông hết mực nuông chiều, coi như bảo bối.
Con trai ông đến năm 20 tuổi vẫn không được ông truyền nghề làm tất cho. Bạn bè khuyên ông nên sớm dạy dỗ cậu ấy nhưng ông chỉ cười nói: “Không sao, con người ta có số cả rồi!” Thế là mọi người đều gọi vui con trai ông là “công tử tất”.
Ở vùng đó có một vị thầy xem bói rất nổi tiếng tên là Trương Thiết Khẩu; người thợ may nhờ ông ấy đến xem bói cho con trai mình. Trương Thiết Khẩu tính toán một chặp liền nói: “Đây là tướng mệnh đại phú quý! Đến năm 30 tuổi sẽ có gia tài trăm vạn lượng. Tôi ở huyện này đã xem bói cho nhiều người rồi, nhưng cũng chưa thấy ai có số phú quý hơn con trai ông!”.
Nói xong, người thầy bói còn cố tình viết một tờ giấy bói và đưa cho người thợ may tất, như là để khẳng định lời mình nói là đúng; người thợ may thấy vậy thì càng vui mừng.
Cậu con trai ngày càng lười biếng
Khi về nhà, ông nói vợ mình may một cái túi hoa thật đẹp và bỏ tờ giấy bói vào trong; sau đó đưa cho con trai đeo ở trên ngực. Ông nói rằng: “Đừng quên năm phát tài”. Không những thế, ông còn đi khoe khoang khắp nơi về số phận giàu sang của con mình; vì vậy mà cậu con trai của ông lại càng trở nên lười biếng hơn nữa.
Sau khi người thợ may tổ chức đám cưới cho con trai mình xong thì không lâu sau đó hai vợ chồng ông lần lượt qua đời. Sản nghiệp gia đình được giao lại cho ‘công tử tất’. Nhưng do trước giờ không tìm hiểu gì nên anh cũng không biết quản lý ra sao; người làm trong xưởng hoặc lấy trộm, hoặc cướp bóc, chẳng bao lâu mà đã mất sạch.
Hai vợ chồng trẻ dần dần đến cơm cũng chẳng có mà ăn, đành phải ra ngoài đi ăn xin. Lúc này công tử tất vẫn nuôi một niềm hy vọng là đến năm 30 tuổi sẽ được phát tài như vị thầy bói đã nói.
Người có số giàu sang tại sao lại không được hưởng?
Đến năm 29 tuổi, trong vùng gặp phải nạn đói, nên anh đi xin cũng chẳng ai cho nữa. Cuối cùng công tử tất ngã bệnh tại một ngôi miếu bỏ hoang. Trước lúc chết anh tức giận nói với vợ mình rằng:
“Ta sắp không được nữa rồi! Sở dĩ ta không học hành gì và bị rơi vào bước đường cùng này đều là do Trương Thiết Khẩu. Nàng còn trẻ tuổi không phải lo cuộc sống sau này. Sau khi ta chết, nàng khóc thương trước mặt người khác, chỉ cần nói nếu ai chịu bố thí quan tài mai táng ta thì nàng sẽ gả cho người đó. Ta nghĩ sẽ có người đồng ý thôi.
Khi khâm liệm ta, nhất định phải bỏ tờ giấy bói ấy vào quan tài, để ta xuống âm phủ thưa kiện Trương Thiết Khẩu; để những kẻ tùy tiện bói toán cho người khác lấy đó làm bài học”.
“Công tử tất” nói xong thì qua đời. Người vợ nghe theo lời anh ta cải giá lấy chồng; và đem thi thể anh ta đi chôn cất đúng như lời dặn dò.
Không chịu làm ăn buôn bán
Sau khi linh hồn anh ta đi đến chỗ Diêm Vương, anh ta liền đem hết mọi nỗi oan ức của mình nói với Diêm Vương. Diêm Vương lập tức sai người đi bắt Trương Thiết Khẩu đến. Sau khi tra hỏi thì Trương Thiết Khẩu nói: “Tiểu nhân xem bói trước giờ chưa hề sai. Chỉ sợ người cha nói không chính xác ngày tháng năm sinh của cậu ấy; đây không phải là lỗi của tiểu nhân”. Diêm Vương sai phán quan kiểm tra sổ sinh tử thì thấy vận mệnh của ‘công tử tất’ đúng y như những gì được viết trên tờ giấy bói.
Diêm Vương lại hỏi phán quan: “Nếu đã như vậy thì số giàu sang của cậu ta ở đâu?” Phán quan tra sổ phú quý một lúc rồi nói: “Cậu ta nên dựa vào buôn bán mà làm giàu. Khi cậu ta vừa mới chào đời thì đã giao tiền tài cho Thần Tài và Thần Thương rồi”.
Diêm Vương thả cho Trương Thiết Khẩu trở về. Sau đó lệnh cho quỷ sai đưa Thần Tài và Thần Thương đến công đường tra hỏi. Họ nói: “Đúng là có chuyện này, người này sau 20 tuổi sẽ từng bước thành gia lập nghiệp. Nhưng tôi tra kỹ trong 360 nghề mua bán cũng không thấy người này. Số tiền đó cũng không cách nào giao cho cậu ta được. Chúng tôi nghĩ hay là cậu ta chuyển sang văn học; vậy thì không do chúng tôi quản nữa. Chúng tôi vào năm nọ đã đem tiền của cậu ta chuyển giao cho Văn Đế rồi”.
Không ôn văn luyện võ
Quỷ sai liền đưa ‘công tử tất’ đi đến Văn Xương Cung của Văn Đế. Một vị Thần mặc áo đỏ nói: “Đúng là có chuyện này. Sau khi nhận được tiền, ta liền báo cáo lên Đế Quân; xin cho phép lấy ra mấy vạn lượng để cho cậu ta thi đỗ Tiến sĩ; sau đó làm quan quản lý một vùng; rồi từ từ sẽ đem số tiền này đưa hết cho cậu ta.
Nhưng trải qua nhiều lần thi cử, Khôi tinh làm chủ khoa thi kiểm tra hết các trường thi lớn nhỏ ở hướng Nam Bắc cũng không thấy tên của cậu ta. Chúng tôi e là cậu ta bỏ văn học võ; vì vậy vào năm nọ đã chuyển giao tiền cho Võ Đế rồi”.
Họ lại đi đến chỗ của Quan Đế Quân. Tướng quân Chu Thương đứng bên cạnh Quan Công nói: “Chuyện này không sai. Tôi phụng mệnh đi điều tra hết các trường thi võ nhưng không thấy tên người này. Tôi sợ làm lỡ mất ngày phát tài của cậu ta nên đã đem tiền giao hết cho Chuyển Luân Vương rồi”.
Lười biếng không muốn động tay làm bất cứ việc gì
Họ lại tiếp tục đến Thập Điện để hỏi Chuyển Luân Vương. Chuyển Luân Vương nói phán quan kiểm tra sổ rồi nói: “Đúng là có chuyện này. Bởi vì người này không học văn, không học võ, lại cũng không kinh doanh; nên không cách nào đưa tiền cho cậu ta được. Không còn cách nào khác, ta đành phải đem tiền giao cho Thần Thổ Địa ở nơi đó đem chôn trong nhà cậu ta rồi. Bấy giờ cậu ta chỉ cần đào đất lên là sẽ thấy. Cho đến lúc này cũng chưa nhận được tiền, vậy chắc là lỗi do Thần Thổ Địa rồi; hãy đi hỏi Thần Thổ Địa thử xem”.
Diêm Vương mời Thần Thổ Địa đến hỏi chuyện. Thần Thổ Địa nói: “Tiểu thần đúng là có nhận được số tiền này. Biết được cậu ta lưu lạc ở trong một ngôi miếu hoang, nên đã chôn tiền dưới bậc thềm trong miếu. Nhưng cậu ta mãi cũng không thấy quét miếu, cũng không chịu đào đất… vậy nên tiểu thần cũng không biết phải làm như thế nào. Bây giờ vị công tử này đã đến đây rồi, vậy thì đem toàn bộ ngân lượng giao trả; tiểu thần đến đây là không còn trách nhiệm gì nữa”.
Người có số giàu sang mà quá lười biếng thì Thần cũng không có cách nào
Diêm Vương nghiêm nghị nói: “Trên đời sao lại có người lười biếng đến thế này cơ chứ? Đến Thần cũng không có cách nào giúp cậu ta được; để cậu ta làm người thì thật là hại cậu ta rồi! Nhưng do cậu ta có phúc phận, nên không thể lấy mất đi được. Vậy đành cho cậu ta làm một con mèo của gia đình giàu có.
Cậu ta sẽ vẫn được ngủ trên giường gỗ xinh đẹp, được ăn thịt cá, không phải tốn chút sức lực nào; tiền của mà cậu ta nhìn thấy vẫn là trăm vạn ngàn vạn. Bởi vì làm người mà vô dụng như thế thì chi bằng làm súc sinh”.
Người có số giàu sang mà quá lười biếng thì phúc phận cũng không thể hưởng, đến Thần cũng không có cách nào.
Tổng hợp