Người trải qua nhiều đau khổ thường có 5 đặc điểm này
Có người sẽ gục ngã khi gặp chướng ngại, có người lại mạnh mẽ vượt qua. Người từng trải qua nhiều đau khổ sẽ có một vài đặc điểm chung.
Có lẽ không ai trên đời muốn chịu đau khổ, ai cũng hy vọng cuộc sống của mình sẽ có thật nhiều hạnh phúc và niềm vui, nhưng bạn cũng hiểu rằng, những nỗi đau khổ vẫn luôn tồn tại. Người xưa có câu: “Người tính không bằng trời tính”, dù bạn có thể tránh được một lần, nhưng những khổ nạn sau đó có lẽ bạn không cách nào trốn tránh được.
Tuy nhiên, những đau khổ mà bạn chịu đựng cũng không phải là vô nghĩa, nó sẽ thắp sáng con đường nhân sinh phía trước của bạn.
Dưới đây là 5 đặc điểm mà người đã trải qua nhiều đau khổ thường có:
Nội dung chính
1. Trầm mặc ít nói
Sau khi trải qua hết mọi đắng cay ngọt bùi và thăng trầm của cuộc sống, sau khi nhìn thấu những nóng lạnh buồn vui của nhân tình thế gian, con người sẽ trở nên trầm mặc ít nói hơn. Không phải là họ không muốn nói, mà họ hiểu rằng dù có nói ra thì liệu có ai thực sự thấu hiểu được cảm nhận trong nội tâm của mình. Nói ra cũng như không, chẳng bằng chọn cách im lặng, trầm tĩnh, đây mới là cách tốt nhất để thổ lộ ra nội tâm của mình.
Ví như có rất nhiều người đã từng đọc hay nghe người khác kể những câu chuyện của họ, nhưng có bao nhiêu người thực sự hiểu được ý nghĩa đằng sau câu chuyện? Chỉ khi chính mình trải qua sự việc bạn mới có thể thấu hiểu được ý nghĩa của nó. Nếu bạn chia sẻ với người khác những chuyện mình trải qua, có lẽ họ sẽ coi như trò vui và cười nhạo bạn, họ có thể nghĩ rằng, có gì ý nghĩa hay đáng nói trong câu chuyện đó đâu?
Những người đã chịu nhiều đau khổ thường sẽ trở nên ngày càng trầm tĩnh. Không phải là người ấy không thể kết giao hay bầu bạn với người khác, mà là họ không tuỳ tiện nói ra cảm nhận và cách nghĩ của mình chỉ để xã giao lấy lệ.
Họ không nói gì vừa khéo lại chính là dùng thái độ trầm tĩnh để bộc bạch tất cả mọi thứ. Khi một người ngày càng trầm tĩnh và ngày càng ít nói, người đó không phải là người thỏa hiệp hay hèn nhát, mà đang trở nên trưởng thành và hiểu được nên đối đãi như thế nào với những sóng gió trong cuộc sống mà không cần dựa vào người khác.
2. Tận hưởng sự cô đơn
Sau khi con người trải qua cảm giác tuyệt vọng và nhẫn chịu những khổ nạn to lớn, họ sẽ thấu tỏ rất nhiều đạo lý nhân sinh và sống lý trí hơn, cũng sẽ càng thành thật hơn với nội tâm của mình, lời nói của họ cũng xuất phát từ trái tim chứ không còn khoa trương câu nệ nữa.
Bởi vì đã trải qua sự tuyệt vọng, nên cũng sẽ không còn ôm giữ kỳ vọng vào người khác, bất kỳ việc gì cũng đều dựa vào chính mình; Bởi vì đã trải qua những khổ nạn to lớn, nên cũng thấu tỏ rằng con đường khó khăn nhất trong cuộc đời thường đều phải một mình bước đi.
Trong cuộc sống, phần lớn thời gian mọi người đều trải qua sự cô đơn, người duy nhất có thể đi cùng bạn là chính bạn. Người khác bất quá cũng chỉ có thể đồng hành cùng bạn một đoạn đường hoặc dạy cho bạn một bài học rồi rời đi. Cuối cùng, bạn cần phải gánh chịu mọi thứ một mình. Mọi người thường nói, “dựa vào núi thì núi sẽ đổ, dựa vào người thì người sẽ rời đi”, sống trên đời chỉ có bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất.
Con đường nhân sinh khó khăn nhất có lẽ là con đường này. Bạn chỉ có thể tự mình tiến về phía trước, nếu bạn không học cách ở một mình, làm sao bạn có thể đi thuận lợi trên con đường này? Những người từng trải qua đau khổ đều hiểu sâu sắc điều này.
Chỉ bằng cách duy trì sự bình yên trong tâm hồn, chúng ta mới có thể từng bước đạt được trạng thái trầm tĩnh và an nhiên hơn trong cuộc sống.
3. Kiên định
Những người đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời thì họ sẽ trở nên kiên cường mạnh mẽ hơn. Trong cuộc sống luôn có những biến cố trắc trở mà không ai có thể lường trước được, nhưng miễn là những khó khăn này không giết chết chúng ta thì chính là đang rèn luyện chúng ta, khiến chúng ta trở nên kiên cường, dũng cảm và mạnh mẽ hơn.
Những người từng trải qua nhiều đau khổ, thăng trầm của cuộc đời đã tôi luyện cho bản thân một bộ áo giáp sắt và một trái tim kiên cường, cũng không còn sợ gian khổ hay thử thách đến với mình nữa.
Bởi vì khi một người đã phải chịu đựng quá nhiều, thì bất kỳ nỗi đau hay mệt mỏi nào cũng không thể lay chuyển được nội tâm của họ. Khi gặp phải những thất bại và ngăn trở, họ có thể thản nhiên đối mặt với chúng và không bao giờ lùi bước.
4. Nội tâm bình tĩnh
Những người đã trải qua khổ nạn to lớn thường có nội tâm điềm tĩnh hơn, an nhiên hơn khi giải quyết vấn đề và không còn nóng nảy như trước nữa. Bởi vì nếu xem xét một cách cẩn thận, thì chỉ vì nóng nảy mà chúng ta đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho chính bản thân mình?
Nếu tâm nóng nảy thì sao có thể kiểm soát được cơ thể. Rất có thể bạn sẽ hành xử không phù hợp và phải phép với người khác. Bạn sao có thể không gặp rắc rối? Sao có thể không đau khổ?
Chỉ khi một người đã từng trải qua đau khổ thì trong lòng mới hiểu được rằng, cuộc sống không hề dễ dàng, người khác cũng có những nỗi khổ riêng của mình, bạn nên cảm thông và thấu hiểu cho hoàn cảnh của người khác. Chỉ khi rèn luyện nội tâm của mình qua khó khăn, bạn mới có thể thực sự trầm tĩnh, bình tâm và lý trí để nhìn nhận sự việc mà không còn bị tâm nóng nảy chi phối nữa.
Chỉ khi giữ được nội tâm bình tĩnh, chúng ta mới có thể từng bước đạt được cảnh giới thong dong tự tại.
5. Đặt mình vào vị trí của người khác
Có một loại trí tuệ rất khó đạt được, đó là hiểu được nỗi khổ của người khác.
Người hời hợt thường chỉ nghĩ đến bản thân mình, khi chịu chút uỷ khuất sẽ không ngừng phàn nàn oán trách. Bởi vì tầm nhìn hạn hẹp, lòng dạ cũng trở nên hẹp hòi, nên họ chỉ đứng trên lập trường của bản thân mà cân nhắc vấn đề và không cách nào thấu hiểu nỗi khổ của người khác. Hay nói cách khác, người ấy sẽ bỏ qua nỗi đau khổ của người khác và không biết làm cách nào để thông cảm cho chỗ khó của người khác.
Nếu mọi người luôn nhìn vấn đề từ góc độ của mình, họ sẽ xem nhẹ những đóng góp và cống hiến của người khác. Những người đã trải qua nhiều đau khổ đều hiểu một cách trọn vẹn và sâu sắc những khó khăn của cuộc đời, cũng như nóng lạnh của tình người. Người đó hiểu rằng đằng sau vinh quang đáng ngưỡng mộ đều có biết bao hy sinh và mất mát mà phần lớn mọi người đều không muốn đánh đổi.
Khi một người đã trải qua nhiều đau khổ, họ sẽ có thể dùng trái tim bao dung hơn để đối xử với người khác. Bởi vì từ sâu trong nội tâm, có lẽ họ đã từng ở vị trí của bạn, nên hoàn toàn có thể lý giải được trạng thái cảm xúc và nỗi đau mà bạn phải chịu. Cho dù hoàn cảnh mỗi người khác nhau, tâm thái cũng sẽ không giống nhau, nhưng người càng trải qua nhiều chuyện sẽ càng thấu hiểu hơn với nỗi khổ của người khác, sẽ không dễ dàng phán xét phẩm chất hay hành vi của một người thông qua bề ngoài.
Thấu hiểu nỗi đau của người khác là một loại thiện lương, một loại tu dưỡng, cũng là sức hấp dẫn lớn nhất của những người bước ra từ hoàn cảnh đau khổ.
Theo Vision Times