Vì sao người trí tuệ thường không giải thích khi bị hiểu lầm?
Cuộc sống không cần lúc nào cũng phải tranh luận đúng sai cao thấp, đó không phải là cách để giải quyết vấn đề. Điều quan trọng là bạn có buông được cái tâm cố chấp của mình xuống hay không. Lùi một bước biển rộng trời cao, đây là cách lựa chọn của người trí tuệ.
- Người thực sự thông minh sẽ không đối đầu với người khác
- Người thực sự thông minh thường có phẩm chất đặc biệt gì?
Gặp biến cố không giải thích là người trí tuệ
Khi bị hiểu lầm, thường là ai cũng muốn giải thích một chút. Nhưng khi giải thích thì phát hiện sự việc lại càng tệ hơn, vấn đề cũ chưa giải quyết xong lại đã nảy sinh ra những tranh cãi mới. Bởi vậy người trí tuệ thường không giải thích khi bị hiểu lầm. Chọn cách im lặng là biểu hiện của sự trưởng thành.
Núi cao không cần giải thích về độ cao của mình mà vẫn đứng sừng sững trong mây. Biển lớn không cần giải thích về độ sâu của mình mà vẫn dung nạp được trăm sông. Đất không cần giải thích về độ dày của mình mà vẫn nâng đỡ được vạn vật.
Vậy nên, đời người không cần lúc nào cũng phải đi giải thích đúng sai. Hãy làm những điều bạn nên làm mới là quan trọng. Đừng vì vài cơn gió thoảng qua mà thay đổi chí hướng của bản thân. Cố sức giải thích chưa biết bạn sẽ đạt được gì, nhưng có một thứ bạn đã đánh mất mà không thể lấy lại được, đó là thời gian quý giá của chính mình.
Tránh xa thị phi để tránh tổn đức
Có vài cái “đừng” dưới đây có thể giúp bạn tránh xa được những thị phi không cần thiết:
– Đừng đánh giá người khác là tốt hay xấu, bởi nó cũng không thay đổi được gì; nếu có thiện ý thì bạn hãy tìm cách giúp đỡ người khác khi có thể.
– Đừng đánh giá đức hạnh của người khác, bởi đâu chắc bạn đã cao hơn người ta.
– Đừng đánh giá gia đình của người khác, vì nó không có liên quan chút nào tới bạn.
– Đừng đánh giá học vấn của người khác; bởi sự học là vô bờ và cần nỗ lực cả đời. “Kẻ sĩ 3 ngày không gặp đã phải nhìn bằng con mắt khác”, bạn cứ ở đó chê bai người khác mà không chừng họ đã vươn lên tới đỉnh cao nào rồi.
– Đừng vênh váo tự đắc, bởi ngày mai có thể bạn sẽ là người tiếp theo sa cơ thất thế. Cười người hôm trước hôm sau người cười; đời người vô thường, không có gì có thể nói chắc được.
– Đừng làm tổn thương người khác bằng lời nói. Nhân quả báo ứng sẽ đến rất nhanh, những gì bạn nói có thể trở lại với chính bạn.
– Đừng cố giải thích bản thân với người khác; có thể im lặng trước biến cố là thể hiện của người trí tuệ.
– Đừng tùy tiện nổi nóng với người khác; người ta cũng có cảm xúc, đâu phải là cái bao cho bạn trút giận.
Trần gian ba ngàn việc, mỉm cười vạn sự an
Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn, cuộc sống đôi khi cần hồ đồ một chút, khôn ngoan quá cũng rất mệt mỏi. Giữa người với người thì coi việc gì có thể bỏ qua được thì cứ bỏ qua; gặp chuyện cũng không cần truy cùng đuổi tận, chừa lại cho người khác một con đường sống.
Học cách khoan dung giúp bạn tránh xa phiền não; học cách cho đi giúp bạn càng thêm hạnh phúc; học cách buông bỏ giúp bạn thấy mình nhỏ bé… Kỳ thực, đời có vay có trả, mọi thứ vận hành một cách tự nhiên mà không cần đến sự can thiệp của bạn. Thi sĩ Đào Tiềm từng nói “Gửi hình trong vũ trụ được bao lâu; sao không thả lòng mặc ý ở đi?”, nhân sinh ngắn ngủi, cứ tùy duyên mà vui sống mới là người trí tuệ.
Tĩnh tâm nghĩ về những chuyện đã qua; không bàn luận về chuyện của người khác; có thể chịu khổ chính là chí sĩ; chịu thiệt không phải là ngốc mà đang tự tạo phúc cho bản thân; kính trọng quân tử thể hiện ra đức hạnh, nhường tiểu nhân không phải là bất lực. Muốn tiến bộ phải biết khiêm nhường; khi đắc ý không nên cao hứng; gặp thất bại cũng đừng chán nản; đụng chuyện bất bình cũng không cần giải thích. Trần gian ba ngàn việc, mỉm cười vạn sự an.
Theo Tinh Hoa