Chúng ta thường nghe nói ‘nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy’, ý nói rằng lời nói rất có trọng lượng. Vậy ‘cửu đỉnh’ nghĩa là gì? Câu thành ngữ ‘nhất ngôn cửu đỉnh’ là từ đâu mà có?

Nguồn gốc câu ‘nhất ngôn cửu đỉnh’

Vào thời Chiến Quốc, nước Tần tấn công nước Triệu ở Hàm Đan (kinh đô nước Triệu). Tướng Bình Nguyên Quân của nước Triệu phải đi cầu viện nước Sở; muốn liên kết với nước Sở để chống lại nước Tần. 

Bình Nguyên Quân liền chọn 20 môn khách văn võ song toàn để cùng đi thuyết phục nước Sở. Nhưng chọn mãi mà chỉ được có 19 người. Lúc này có một người tên là Mao Toại đứng ra tự tiến cử, Bình Nguyên Quân liền thu nạp người này.

Khi đến nước Sở, Bình Nguyên Quân dùng mọi cách mà cũng không thuyết phục được nước Sở viện trợ cho nước Triệu. Thấy vậy, Mao Toại liền cầm kiếm hùng dũng đi lên phía trước, phân tích tình thế cho Sở Vương; ngôn từ mạnh mẽ sắc bén, khí thế áp đảo người khác. Sở Vương nghe xong bèn đồng ý hợp sức với nước Triệu để chống lại Tần.

nhất ngôn cửu đỉnh; nhất ngôn cửu đỉnh tứ mã nan truy; nhất ngôn cửu đỉnh là gì
Mao Toại chỉ nói vài lời đã thuyết phục được Sở Vương (ảnh timetoast)

Sau khi trở về nước, Bình Nguyên Quân thấy mình nói cả ngày mà không thuyết phục được Sở Vương; còn Mao Toại chỉ nói vài câu đã khiến Sở Vương tâm phục khẩu phục, vì vậy mới khen ngợi Mao Toại rằng: “Mao tiên sinh vừa đến nước Sở mà đã khiến nước Triệu của chúng ta được coi trọng như cửu đỉnh, như chuông Đại Lữ. Mao tiên sinh chỉ dùng ba tấc lưỡi mà còn mạnh hơn cả trăm vạn quân”. 

Câu thành ngữ “nhất ngôn cửu đỉnh” cũng từ điển cố này mà ra. 

‘Cửu đỉnh’ có nghĩa là gì?

“Đỉnh” là một đồ vật dùng để thờ cúng Thần linh và tổ tiên; nó cũng có thể được sử dụng như một công cụ để đựng thức ăn. Đại Vũ sau khi trị thủy thành công thì lập nên vương triều nhà Hạ, chia thiên hạ làm 9 châu, lần lượt có tên là: Ký, Duyện, Thanh, Kinh, Dương, Lương, Ung, Từ, Dự. 

Đồng thời thu thập đồng ở các châu và luyện thành cửu đỉnh (9 đỉnh). Trên mỗi đỉnh khắc núi sông, con người, cảnh vật, đặc sản… của mỗi châu. 9 chiếc đỉnh tượng trưng cho 9 châu, cũng có nghĩa là thiên hạ. 

quân tử nhất ngôn cửu đỉnh; câu nói nhất ngôn cửu đỉnh; lời nói nặng tựa ngàn cân
Đỉnh đồng thời nhà Thương (ảnh Wikipedia)

Đại Vũ coi ‘cửu đỉnh’ là bảo khí quan trọng để trấn quốc; là tượng trưng cho vương quyền của thiên tử. Nhưng ‘đỉnh truyền quốc’ này chỉ tồn tại được 3 triều là Hạ, Thương và Chu. Khi nhà Tần diệt nhà Chu thì một chiếc đỉnh bị rơi xuống sông Tứ Thủy; còn 8 chiếc đỉnh khác thì không rõ tung tích.

Tần Thủy Hoàng và Hán Văn Đế từng lục tìm khắp sông Tứ Thủy để tìm kiếm chiếc đỉnh này nhưng đều tốn công vô ích. “Cửu đỉnh” cứ như thế mà biến mất một cách thần bí.

Nhà Tần tấn công nhà Chu để đòi cửu đỉnh

Vào cuối triều đại nhà Chu, nước Tần đánh vào Đông Chu, yêu cầu hoàng thất nhà Chu phải giao cửu đỉnh. Vua nước Chu liền cử Nhan Suất đi sang nhờ nước Tề cứu trợ; đồng thời đồng ý giao cửu đỉnh cho nước Tề.

Nước Tề sau khi dẫn quân đẩy lùi quân Tần thì muốn đòi lấy cửu đỉnh. Nhan Suất vì muốn Tề Vương từ bỏ ý định nên mới hỏi Tề Vương định vận chuyển qua đường nào; rốt cuộc là không có con đường nào phù hợp cả.

lời nói có trọng lượng; lời nói có sức sát thương; thuyết khách là gì
Nhan Suất chỉ dùng lời nói mà đẩy lùi được vạn quân (ảnh daytime)

Nhan Suất nói với Tề Vương rằng, năm xưa sau khi Vũ Vương phạt Trụ và lấy được cửu đỉnh, lúc vận chuyển về thì một đỉnh cần dùng 9 vạn người, 9 đỉnh là 81 vạn người. Mà cho dù Tề Vương có đủ nhân lực thì cũng không có con đường đủ rộng để có thể vận chuyển về nước Tề. Cuối cùng Tề vương đành phải bỏ cuộc; về sau cũng không nhắc đến chuyện vận chuyển cửu đỉnh nữa.

‘Nhất ngôn cửu đỉnh’ đòi hỏi phải có cả trí tuệ và dũng khí

Thời Chiến Quốc, sau khi Tần Vũ Vương đánh bại thành Nghi Dương và tiến thẳng vào Lạc Dương, Chu thiên tử đích thân ra tiếp đón. Tần Vũ Vương đi đến tông miếu của hoàng thất nhà Chu thì nhìn thấy cửu đỉnh. Khi nhìn thấy cửu đỉnh của Ung châu thì mạnh miệng nói rằng muốn cùng đại lực sĩ thi nâng đỉnh; vì vốn Tần Vũ vương bẩm sinh có sức mạnh hơn người.  

Sau khi dùng hết sức bình sinh để nâng đỉnh lên cao được nửa thước thì đột nhiên tay bị mất lực; chiếc bình rơi xuống trúng chân của ông, khiến xương thịt nát bấy. Và ngay trong đêm hôm đó ông liền qua đời.

lời nói có trọng lượng; lời nói có sức sát thương; thuyết khách là gì; hữu dũng vô mưu là gì
Tần Vũ Vương nâng đỉnh (ảnh zhihu)

Trong “Văn tâm điêu long” quyển 18, Lưu Hiệp có nói rằng: “Một lời nói quý giá nặng hơn cửu đỉnh; ba tấc lưỡi hơn cả trăm vạn hùng binh”.

Mao Toại nói vài câu đã khiến Sở Vương xuất binh cứu Triệu. Nhan Suất chỉ dùng ba tấc lưỡi đã đẩy lui được trăm vạn binh, bảo vệ được cửu đỉnh.

Thời Chiến Quốc loạn lạc, chiến tranh liên miên, ‘nhất ngôn cửu đỉnh’ không chỉ yêu cầu trí tuệ hơn người mà còn đòi hỏi phải có dũng khí hiên ngang. Tần Vũ Vương ỷ có sức mạnh, muốn thể hiện bản lĩnh nâng đỉnh, nhưng cuối cùng lại chết nơi đất khách, làm trò cười cho thiên hạ.

Theo DKN